Ở độ cao hàng trăm km so với Trái Đất, các phi hành gia có được tầm nhìn tuyệt đẹp về hành tinh xanh của chúng ta. Nhưng họ cũng quan sát được những ảnh hưởng mang tính tàn phá của biến đổi khí hậu, cháy rừng, chiến tranh, ô nhiễm và các vấn đề khác do con người tạo ra cho Trái Đất.

Đó là lý do tại sao các phi hành gia từ khắp nơi trên thế giới và trên không gian cùng chung tay xây dựng một video vào năm 2015 mang tựa đề “Lời kêu gọi vì Trái Đất”, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động trước Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Những lời kêu gọi này không chỉ truyền cảm hứng mà còn nghiêm túc chỉ ra rằng: Nếu chúng ta không thay đổi hành vi và nhanh chóng có biện pháp, chúng ta sẽ hủy diệt ngôi nhà duy nhất của mình.

Dưới dây là một số trích dẫn nổi bật từ video:

1. Tất cả những gì chúng ta có là một màng không khí mỏng…

“Thật ngạc nhiên khi thấy bầu khí quyển mong manh như thế nào từ không gian”, phi hành gia người Mỹ Mary Cleave cho biết. 

(ảnh: Scott Kelly/NASA)
(ảnh: Scott Kelly/NASA)

“Khi bạn nhìn hành tinh của mình từ không gian, có một lớp rất đẹp, mỏng manh bao quanh chúng ta: đó là bầu khí quyển. Và đó là thứ duy nhất bảo vệ chúng ta khỏi khoảng chân không nguy hiểm của không gian vũ trụ. Lớp khí quyển mỏng manh này là một phần của hệ thống đảm bảo sự sống của chúng ta. Chúng ta cần thực sự cẩn thận với nó.” – Mary Cleave.

2. Bầu khí quyển này là của chung

(ảnh: Cameron Beccario)
(ảnh: Cameron Beccario)

“Bầu khí quyển kết nối tất cả chúng ta. Điều xảy ra ở châu Phi ảnh hưởng đến Bắc Mỹ. Điều xảy ra ở Bắc Mỹ ảnh hưởng đến châu Á.” – Dan Barry, phi hành gia Mỹ.

3. Từ không gian, có thể thấy sự hủy diệt con người gây ra, bắt đầu từ kỷ nguyên công nghiệp.

Sương mù ở Bắc Kinh, ảnh: NASA / NOAA
Sương mù ở Bắc Kinh, (ảnh: NASA / NOAA)

“Xưa nay, có chưa tới 550 người từng bay vào quỹ đạo Trái Đất. Những người may mắn trong chúng tôi được bay hơn 1 lần, đã không chỉ nghe về những tác động tiêu cực của công nghiệp đối với hành tinh của chúng ta, mà còn được thấy tận mắt.” – Michael López-Alegría, phi hành gia Mỹ.

4. Các thảm họa đang xảy ra, như nạn phá rừng cũng có thể được nhìn thấy dễ dàng

Một phi hành gia đã chụp được bức ảnh về vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon (ảnh: NASA)
Một phi hành gia đã chụp được bức ảnh về vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon (ảnh: NASA)

“Quang cảnh từ không gian quả thật rất ngoạn mục. Và đồng thời chúng tôi cũng nhận thấy nạn phá rừng và cháy rừng, vân vân… liên quan đến biến đổi khí hậu.” – Naoko Yamazaki, phi hành gia Nhật Bản.

5. Cũng dễ dàng nhìn thấy các hồ nước khô cạn dần và ô nhiễm lan ra

Biển Aral đã thu hẹp đáng kể. Ảnh bên trái là hồ năm 1977, ảnh giữa là năm 1998 và ảnh phải là năm 2010 (ảnh: NASA/USGS)
Biển Aral đã thu hẹp đáng kể. Ảnh bên trái là hồ năm 1977, ảnh giữa là năm 1998 và ảnh phải là năm 2010 (ảnh: NASA/USGS)

“Chúng tôi, những phi hành gia đã và đang chứng kiến sự thu hẹp của biển hồ Aral, những cánh rừng nhiệt đới đang cháy dọc theo sông Amazon và ở Indonesia, không khí ô nhiễm ở các khu công nghiệp và nước bẩn ở các đồng bằng châu thổ.” – Ernst Messerschmid, phi hành gia Đức.

6. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ đối với biến đổi khí hậu, mọi thứ có thể vượt ngoài tầm kiểm soát

(Ảnh: Xinhua)
(Ảnh: Xinhua)

“Đây là vấn đề lớn nhất mà thế giới đối mặt hiện nay. Và chúng ta đang ở thời điểm cần phải thực sự hành động và thay đổi để cố gắng tránh những ảnh hưởng tồi tệ nhất có thể giáng xuống.” – Greg Linters, phi hành gia Mỹ.

7. Những người nắm quyền phải làm việc cùng nhau để làm dịu đi biến đổi khí hậu

Hội nghị COP21 của LHQ về biến đổi khí hậu, diễn ra ở Paris năm 2015

“Để thay đổi, chúng ta cần tạo ra và hướng tới một tương lai an toàn hơn, chúng ta sẽ cần nguồn lực của tất cả mọi người ở nơi đây – các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các nhà công nghiệp – tất cả làm việc cùng nhau vì một mục tiêu chung. Và mục tiêu đó là hành tinh của chúng ta có thể tiếp tục duy trì sự sống.” – Piers Seller, phi hành gia Mỹ.

8. Cần giáo dục các thế hệ tương lai trở thành những người bảo vệ Trái Đất giỏi hơn chúng ta

Bao giờ biển đầy cho em cá tôm? Biển Thừa Thiên-Huế, tháng 7/2016. (Ảnh: Tom Hoàng)
Biển Thừa Thiên-Huế, tháng 7/2016. (Ảnh: Tom Hoàng)

“Ngoài những mục tiêu của hội nghị Paris, nếu toàn thế giới cũng tập trung vào việc giáo dục thế hệ tiếp theo về phát triển bền vững và tiêu dùng bền vững, thì mục tiêu của chúng ta sẽ càng được đẩy mạnh,” – Rakesh Sharma, phi hành gia Ấn độ.

9. Chúng ta là những người duy nhất bảo vệ Trái Đất, chúng ta phải trông nom hành tinh này.

(ảnh: NASA/NOAA)
(ảnh: NASA/NOAA)

“Chúng ta là các công dân vũ trụ, là người quản lý Trái Đất. Chúng ta cần có hành động để xây dựng một liên minh khí hậu toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường của chúng ta.” – Soichi Noguchi, phi hành gia Nhật Bản.

10. Trái Đất đang bị bệnh ung thư – cũng giống như phi hành gia người Hà Lan, Wubbo Ockels.

(ảnh: YouTube/Planetary Collective)
(ảnh: YouTube/Planetary Collective)

“Tôi có thể truyền kinh nghiệm của bản thân với bạn. Rồi bạn có thể bước ra ngoài và nhìn ngắm Trái Đất. Và sau đó, cứ cho rằng bạn sẽ có được tinh thần, cái nhìn sâu sắc và thái độ của một phi hành gia, bạn sẽ bắt đầu yêu Trái Đất. Và nếu bạn thực sự yêu một điều gì đó, bạn không muốn mất nó. Trái Đất của chúng ta đang bị ung thư. Tôi cũng bị ung thư” – Wuboo Ockels qua đời một ngày sau khi ghi lại thông điệp này.

Bạn có thể xem toàn bộ video về lời kêu gọi của các phi hành gia dưới đây:

Theo Insider
Thiện Tâm biên dịch

Xem thêm: