Từ năm 2003 đến 2013, Ấn Độ đã chứng kiến làn sóng tự tử của hàng ngàn nông dân vì vướng phải nợ nần khi trồng bông biến đổi gen (GMO). Câu chuyện tưởng như chỉ có trong phim ảnh lại thực sự xuất hiện trong cuộc sống. Và người dân nơi đây vẫn đang vùng vẫy để thoát khỏi cơn ác mộng của GMO.

Sinh kế bị hủy hoại bởi bông biến đổi gen Bt

Ấn Độ là nước có sản lượng bông lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cây bông được trồng chủ yếu ở các bang phía nam và là sinh kế của hàng chục triệu người dân nơi đây.

Người dân Ấn độ đang canh tác trên đồng ruộng của mình (ảnh: nationofchange.org)
Người dân Ấn độ đang canh tác trên đồng ruộng của mình (ảnh: nationofchange.org)

Tuy nhiên, trong những năm từ 1995 đến 2013, đã có hơn 290.000 vụ tự sát của người nông dân Ấn Độ. Nông dân buộc phải mua hạt giống đắt tiền của Monsanto, sau đó họ cũng phải trả tiền cho các loại thuốc trừ sâu đắt tiền để có thể canh tác hiệu quả, bời vì chất lượng kháng sâu bệnh của bông Bt biến mất theo thời gian.

Những nông dân này đã mất đất và sinh kế do nợ nần vì mua các sản phẩm của Monsanto. U uất không lối thoát, nhiều nông dân đã chọn uống thuốc trừ sâu để tự tử.

>> Những điều cần biết về cây trồng biến đổi gen và chất độc Bt

Là người đã phỏng vấn hàng chục thân nhân của những người đã tự tử, tác giả Alakananda Nag cho biết sự gia tăng các vụ tự tử là có liên hệ với việc sử dụng hạt giống GMO. Bà tin rằng các trang trại nhỏ là những nơi dễ bị tổn thương nhất.

“Các trang trại lớn chắc chắn có đủ tiền để nuôi sống bản thân và phát triển, nhưng các trang trại nhỏ hơn thực sự tổn thất nhiều nhất”, bà Nag nói với hãng tin RT. “Monsanto chắc chắc có một thế lực rất lớn trên thị trường. Một vài năm trước, việc trồng cây GMO là bất hợp pháp ở Ấn Độ. Trước đó vẫn có các vụ tự tử, nhưng tôi nghĩ rằng số lượng đã tăng lên đáng kể khi [GMO] được cho phép sử dụng”.

Cánh đồng bông ở Ấn Độ (ảnh: theorganicprepper.ca)
Cánh đồng bông ở Ấn Độ (ảnh: theorganicprepper.ca)

Trung tâm Nhân quyền và công lý toàn cầu (Center for Human Rights and Global Justice – CHRGJ) cho biết chỉ riêng năm 2009, có đến 17.638 vụ tự tử đã xảy ra ở Ấn Độ và “cứ 30 phút lại có một nông dân tự tử”.

Theo Sheldon Krimsky – người đứng đầu Hội đồng Di truyền có trách nhiệm (CRG) có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ), việc Ấn Độ cho phép gieo trồng loại giống GMO từ năm 2002 đã làm tăng thêm khốn đốn cho nông dân Ấn Độ.

Ông Krimsky phân tích: “Người ta chỉ cho vay vốn trong trường hợp hạt giống cho năng suất cao hơn. Vì thế nông dân sẽ không được vay vốn nếu không dùng loại giống GMO. Nhiều người thậm chí cảm thấy bị ép phải mua giống GMO…”

Báo cáo của Science In Soiety Archive vào tháng 1/2010 cho biết, sau 4 năm gieo trồng bông Bt, thay vì sản lượng kỳ diệu như đã hứa hẹn, nông dân ở một làng Ấn Độ đã trở thành những con nợ khổng lồ, ngoài ra họ cũng chứng kiến cảnh gia súc bị chết khi ăn bông Bt (cây bông thường vẫn là thức ăn của gia súc), nhiều người đã tự tử vì không thể tìm ra lối thoát.

Trâu của người nông dân ở Warangal, Ấn Độ chết sau khi ăn cây bông được trồng từ giống biến đổi gen Bt của Monsanto (nguồn:responsibletechnology.org)
Trâu của người nông dân ở Warangal, Ấn Độ chết sau khi ăn cây bông được trồng từ giống biến đổi gen Bt của Monsanto (nguồn:responsibletechnology.org)

“Chúng tôi bị các công ty hạt giống lừa. Năng suất không như họ hứa, thậm chí chưa bằng một nửa, trong khi đó chi phí quá cao làm chúng tôi nợ nần chồng chất”, Sahebrao Yawiliker, một nông dân Ấn Độ nói trong báo cáo của Science In Society Archive.

Anh Anil Kondba Shend là một nông dân 35 tuổi và canh tác khoảng 1,4 ha. Vào năm 2006, anh đã quyết định thử trồng bông Bt của Monsanto, còn được gọi là “Bollgard”, được quảng cáo qua truyền hình. Trong những quảng cáo đó, cây bông biến đổi gen đã thoát khỏi những con sâu bướm béo mập: “Bollgard bảo vệ bạn! Phun thuốc ít hơn, lợi nhuận cao hơn! Hạt giống bông Bollgard: sức mạnh chế ngự côn trùng!” Người nông dân này đã vay tiền để mua loại hạt giống đắt giá này, đắt hơn hạt giống truyền thống bốn lần. Anh ấy phải gieo ba lần, vợ của anh nhớ lại, “bởi vì mỗi lần anh ấy gieo hạt thì chúng không chịu được mưa. Tôi nghĩ rằng anh ấy nợ đại lý 60.000 rupee.* Tôi chẳng bao giờ biết rõ bởi vì vào những tuần trước khi chết thì anh ấy đã không nói gì hết. Anh ấy bị ám ảnh bởi nợ nần.”

Bộ phim về tình hình tự tử của nông dân trồng bông biến đổi gen Bt tại Ấn Độ:

Diện tích trồng bông giảm và giống bông biến đổi gen bị mất uy tín

Tháng 1/2017 vừa qua tại Ấn Độ, nhu cầu giống bông biến đổi gen Bt giảm mạnh, trong khi giống bông địa phương truyền thống không có đủ hàng để bán.

Việc này được cho là do 2 nguyên nhân:

  • Diện tích canh tác trồng bông ở Ấn Độ bị giảm sút do năng suất suất của bông biến đổi gen không đáp ứng được mong đợi mà còn gây ra tình trạng phá sản hàng loạt của người nông dân
  • Khả năng chống chịu kém của giống bông Bt đối với dịch ruồi trắng và sâu đục thân hồng xuất hiện nhiều trong vài năm gần đây ở Ấn Độ khiến cho người dân không tin tưởng vào loại giống cây này nữa.

Các giống bông địa phương được người dân Ấn Độ đặt mua trở lại do chúng có khả năng chống chịu với ruồi trắng.

Ở bang Maharashtra – nơi có diện tích canh tác bông lớn ở Ấn Độ, thị trường 16 triệu túi hạt giống bông đã giảm xuống 14 triệu túi vào năm 2016 và tiếp tục giảm xuống 12,4 triệu túi vào năm 2017. Năng suất thấp và tỷ lệ nghèo đói gia tăng với bông đã làm cho nông dân nơi đây chuyển sang các loại cây trồng khác như đậu, ngô và đậu nành, theo nguồn tin từ một công ty sản xuất hạt giống trong bang.

Trước đây vài năm, giá hạt giống bông biến đổi gen Bt của Monsanto vẫn rất cao trên thị trường, tuy nhiên năm nay các đại lý phân phối giống bông này đã phải giảm giá để hấp dẫn người mua hơn.

Hãng tin Reuters cũng cho biết, công ty Monsanto Ấn Độ đã mất một khoản tương đương 75 triệu USD do lượng hạt giống bông Bt bán ra bị sụt giảm, người dân chuyển sang giống bông truyền thống và chính phủ Ấn Độ yêu cầu giảm giá giống bông.

Thiện Tâm tổng hợp

Xem thêm: