Những ngày qua, tin tức về dịch virus corona tràn ngập trên các mặt báo, diễn đàn, mạng xã hội mà trong đó, trọng tâm được nói đến nhiều nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự việc 20 du khách Hàn Quốc sau khi cách ly tại Việt Nam và trở về nước, có một số lời nhận định tiêu cực trên Đài YTN News đã kích động người Hàn và người Việt sôi sục công kích lẫn nhau. Sự việc này đã phô bày một sự thực về sự kích động tâm lý tại những quốc gia mà văn hóa tranh đấu, đấu tố và phân biệt giai cấp vẫn còn ảnh hưởng nặng nề.

Cũng tại châu Á, nền văn hóa Nhật Bản, Đài Loan trong giáo dục từ trẻ thơ đã chú trọng đến sự nhẫn nhịn, hòa ái trong khi giao tiếp, xem trọng việc dĩ hòa vi quý hơn là việc thắng thua. Người Nhật thường nói với nhau rằng: “Dù trong hoàn cảnh nào, quan trọng là ý thức và thái độ của một người ngay tại lúc đó mà cho thấy văn hóa của họ đến đâu”.

Nhật là một trong những quốc gia sạch nhất thế giới, ý thức không xả rác, không làm việc xấu kể cả khi không có ai nhìn thấy là thành quả có được thông qua quá trình giáo dục và sự rèn luyện tâm tính lâu dài của dân tộc Nhật. Còn nhớ khi nước Nhật bị sóng thần tại Fukushima năm 2011 khiến 55.000 người trở thành người vô gia cư và kéo theo hàng loạt hệ lụy khác, người Nhật trên cả nước đã gắng hết sức để giúp đỡ người dân tại tỉnh này. Người dân Fukushima cũng tự giác nhường nhịn, chia sẻ, và nhắc nhở nhau luôn bình tĩnh và biết nghĩ cho người khác, không giành giật, chen lấn, xô ngang khi xếp hàng nhận cứu trợ, biết ưu tiên cho người cao tuổi, phụ nữ và những người bị bệnh. Trong hoàn cảnh tốt đẹp, họ hưởng thụ có chừng mực. Trong lúc khốn cùng, họ sẵn sàng chấp nhận, nhường nhịn, không thể hiện thái độ tiêu cực, oán trách, đòi hỏi được phục vụ – Đó mới là biểu hiện của nền văn hóa cao.

Tre em Nhat Ban
Trẻ em Nhật Bản

Đứng trước sự sống và cái chết, ai cũng hoảng sợ, nhưng chính những lúc như thế này, người ta lại có dịp để nhận thức rõ về hai chữ “dân trí”.

Gần đây, trên mạng lưu truyền nhiều video và tin tức cho thấy người dân Vũ Hán la hét trong đêm vì tuyệt vọng, các thành phố cướp vật tư y tế của nhau, quan chức lấy cắp thực phẩm cứu trợ để thối rữa trong kho, giết chó vì sợ bị lây nhiễm bệnh, hay phòng dịch kiểu Cách mạng Văn hóa hay Hồng vệ binh, còn ở Việt Nam thì xuất hiện hiện tượng tăng giá khẩu trang, ghim hàng không bán v.v… Sự thực hiển nhiên trước mắt nói lên một thực trạng “người không vì mình, trời tru đất diệt”.

Thật ra, câu nói này bắt nguồn từ trong Phật giáo “Phật thuyết thập thiện nghiệp, nhân sinh vị kỷ, thiên kinh địa nghĩa, nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt”, ý nói rằng “Một người mà không mà tu dưỡng bản thân thì ắt sẽ không thể có được chỗ đứng trong trời đất”. Nhưng theo thời gian được dưỡng thành trong văn hóa đấu tranh, người Việt lẫn người Trung đều hiểu sai nghĩa nguyên gốc của câu nói ấy, và đáng buồn là, rất nhiều người đều đang sống đúng như vậy: Người không vì mình, trời tru đất diệt.

Vậy nên, nguy hiểm của những giáo nghĩa sai lầm hoặc bị bóp méo nằm ở chỗ nó ngấm ngầm phá hủy đạo đức con người, dần dần phá hủy nền tảng văn hóa của cả một dân tộc. Khi cả quần thể đều đề cao sự tự tư, vị kỷ, thì lúc xảy ra chuyện, người ta sẽ xâu xé lẫn nhau như những con thú để giành quyền sống cho mình, không khác gì với thứ lý thuyết “đấu tranh sinh tồn” trong học thuyết tiến hóa của Darwin mà chúng ta được nhồi nhét ngay từ thuở bé ở trường lớp và qua các khẩu hiệu, bài hát v.v…

Người Nhật cũng có một khẩu hiệu gọi là “No silent, no Japan”, vậy nên, trong hoàn cảnh càng rối ren, họ càng tỏ ra bình tĩnh và im lặng, sự hoảng loạn không phải là cách để giải quyết vấn đề. Khóc cũng chết, cười cũng chết, vậy sao không đứng trước cái chết mà làm điều có ý nghĩa? Xây dựng một văn hóa nơi mà người ta sống biết nghĩ đến người khác, biết đứng ở góc độ người khác mà suy xét, biết hy sinh lợi ích của cá nhân, biết tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau… Một nền văn hóa tôn vinh những giá trị đúng đắn mới thực sự là một nền văn hóa cao.

Một blogger là họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã nói thế này: “Một hay hai người nói xấu bánh mì thì họ cũng không đại diện quan điểm cho cả dân tộc Hàn được. Mà một nhà vệ sinh hay một cái bánh mì cũng không đại diện cho thực tế cả Việt Nam được”. Người Hàn có thể không đúng khi đòi hỏi quá nhiều, nhưng người Việt liệu có đúng chăng khi lên mạng gào thét, mạt sát người Hàn để đòi nhận được lời xin lỗi?

Câu hỏi đó, chính là câu trả lời cho kết quả giáo dưỡng của những nền văn hóa. Ở đâu cũng có corona cả, nhưng ý thức cộng đồng, văn hóa khác nhau, thì sẽ có nhiều câu chuyện khác nhau lắm thay!

Blog Lâm Bình Phương
(Bài tác giả gửi Trí Thức VN)

Xem thêm: