Giá như mỗi người chúng ta đã làm ít nhất một điều nhỏ bé để cho con cháu mình có thêm một cơ hội…

tai nạn giao thông, tai nạn em bé 5 tuổi
Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh do người dân chụp)

Sáng hôm qua (1) trên đường ra sân bay Nội Bài, xe của tôi bị tắc lại mươi phút đoạn cầu vượt Cầu Giấy đi Bưởi. Anh lái xe nhiều kinh nghiệm đoán ra ngay, cuối tuần mà tắc chỉ có thể là tai nạn.

Lúc xe thoát được lướt qua tôi mới sững sờ trước một em bé nằm bất động, đầu bê bết máu. Xung quanh nhiều người dừng xe tìm cách giúp đỡ nhưng có lẽ ngoài gọi cho 115, họ chẳng biết làm gì khác. Trách sao được, ai biết làm gì bây giờ trong tình huống đó?

Anh lái xe và tôi cứ thấp thỏm không yên. Tôi hỏi anh, ít nhất 10 phút trôi qua khi mình bị tắc lại, sao không nghe tiếng còi hụ cấp cứu? Rành đường xá, anh tiếp lời, đúng rồi, quanh đây nhiều bệnh viện, sao cứu thương chậm thế?

Tôi không biết gì về y học, tôi chỉ thấy đầu bé ra máu nhiều quá, nhanh hay chậm hơn dù chỉ một phút hẳn cũng rất hệ trọng với tính mạng em lúc này.

Đến chiều đọc báo được tin bé đã chết. Người dân đưa bé đến bệnh viện, bé chết trên đường đi. Nghĩa là, đến tận lúc đó vẫn không thấy xe cứu thương đâu.

Nhiều người sẽ bảo ‘đấy, lại cứ so sánh với nước giàu’, nhưng tôi không thể không nghĩ đến nhiều nước trên thế giới có tiêu chuẩn về việc trong tối đa bao lâu từ khi nhận cuộc gọi xe cứu thương phải đến với người bị tai nạn hoặc bệnh tật nguy hiểm tính mạng (life threatening). Ở Anh chẳng hạn, tiêu chuẩn mới nhất là 7 phút. (2)

Tôi không dám trách các bệnh viện, đội trực xe cứu thương, hay ngay cả tổng đài 115. Tất cả những người làm việc trong khu vực công đều có thể biện minh không ai cãi được rằng: lương đến đâu, nhiệt tình đến đó. Đồng lương chết đói trách sao lòng nhiệt thành không chết yểu.

Tôi chỉ còn có thể giá như:

Giá như bầu sữa ngân sách không bị vắt kiệt cho những dự án vừa lãng phí vừa thất thoát, mỗi người Việt sẽ được chăm lo hơn, từ sức khỏe cho đến học vấn;

Giá như nguồn lực quốc gia không bị ăn tàn phá hại trong những tập đoàn nhà nước mà dành cho khu vực tư nhân để đất nước thịnh vượng hơn, nguồn thu quốc gia đủ sức trả mức lương sống được cho người làm khu vực công đã đành mà người dân cũng có điều kiện đi lại trên những phương tiện an toàn hơn;

Giá như Hà Nội, thay vì chuyển giao dưới gầm bàn cho công ty thân hữu, thực hiện đấu giá công khai hàng trăm, hàng ngàn lô đất công của thành phố thì lo gì thiếu nguồn lực nâng tầm chất lượng cuộc sống cho dân thủ đô, từ y tế, giáo dục đến giao thông;

Giá như lãnh đạo thủ đô, thay vì được ấn định, phải vất vả tranh cử để nắm quyền, hẳn mới có động lực để luôn phải nghĩ cách giải quyết các vấn đề đời sống đô thị, chẳng hạn ở đây là tai nạn giao thông và khả năng phản ứng kịp thời của xe cứu thương.

Dẫu biết rằng ngay cả khi mọi chuyện giá như ở trên thành hiện thực, em bé sáng qua có thể vẫn ra đi, bởi tai nạn giao thông chết người nước nào cũng có, dù giàu hay nghèo.

Song ít nhất, em có thêm một cơ hội.

Bởi vậy, đừng giá như nữa. Sẽ thật xấu hổ nếu chúng ta, tôi và bạn, cứ mãi giá như và chẳng làm gì để cho con cháu mình ít nhất có thêm một cơ hội.

Thông tin tham khảo: Sơ cứu người bị tai nạn giao thông: Nếu không biết xin đừng di chuyển! (3)

“Tổ chức Wellbeing (Tổ chức giáo dục sức khỏe tại khu vực Đông Nam Á) mới đây đưa ra một số lưu ý khi chúng ta giúp vận chuyển nạn nhân (khi chưa xác định được có chấn thương cột sống hay không). Theo đó, một người khi cứu giúp người bị tai nạn giao thông hãy đảm bảo làm đúng những việc sau đây:

– Nạn nhân cần được vận chuyển trên cáng hoặc tấm bảng cứng. Điều này rất quan trọng vì làm giảm đáng kể các chấn thương do di chuyển mà nạn nhân phải chịu đựng để từ đó tránh được việc khiến nạn nhân trở lên xấu đi hơn.

– Giữ cổ và lưng của nạn nhân thẳng. Bạn có thể đặt một cuộn khăn hoặc vải dày dưới cổ nạn nhân để có hỗ trợ tốt hơn.

– Để nạn nhân nằm trên một mặt phẳng.

– Nếu chỉ có tổn thương chân tay, nạn nhân có thể được vận chuyển ở tư thế ngồi.

– Trong trường hợp tổn thương chảy máu, nâng phần bị thương cao hơn phần thân của nạn nhân và băng ép lên vùng chảy máu. Giữ băng ép liên tục cho tới khi bạn đưa được nạn nhân tới bệnh viện. Điều này giúp kiểm soát và cuối cùng là cầm được máu.

– Hãy luôn chắc chắn rằng nạn nhân còn mạch và còn thở trên đường tới bệnh viện. Nếu nạn nhân ngừng thở, phải tiến hành hồi sức tim phổi và hô hấp nhân tạo cho nạn nhân ngay trên xe vận chuyển.”

Nguyễn Anh Tuấn 

Chú thích:

  1. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 9h15 ngày 30/11, trên đường vượt Cầu Giấy về hướng đường Bưởi. Chị B.T.H. (33 tuổi, Hà Nội) đang đi xe máy chở con gái Q.V.T. (5 tuổi) bất ngờ bị một xe ô tô bán tải tông mạnh từ phía sau. Cháu T. bị chấn thương nặng phần đầu và chảy nhiều máu. Người dân đưa hai mẹ con chị H. vào Bệnh viện 354 cấp cứu, nhưng cháu T. đã tử vong trên đường đi.

  2. Ambulance response times – https://www.nuffieldtrust.org.uk/resource/ambulance-response-times
  3. Sơ cứu người bị tai nạn giao thông: Nếu không biết xin đừng di chuyển! – http://baodansinh.vn/so-cuu-nguoi-bi-tai-nan-giao-thong-neu-khong-biet-xin-dung-di-chuyen-20191109070504548.htm

Đăng theo Facebook Nguyen Anh Tuan. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: