Tính từ 1979, thi cử ở Việt Nam đã thay đổi rất nhiều nhưng giáo dục thì… không mấy thay đổi.

Những mĩ từ như “năng lực”, “phẩm chất” thực ra đã thấy xuất hiện ngay từ trong nghị quyết đổi mới giáo dục năm 1979. 

Nhưng khi giáo dục không thay đổi mà chỉ có thi cử thay đổi thì xã hội còn quay cuồng với thi cử.

nen giao duc khoa cu
Sinh viên mừng lễ tốt nghiệp tại một ngôi chùa tại Hà Nội, tháng 11/2015. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Đối với riêng tôi thì nghĩ rằng, cho dù trên thế giới người ta chưa nghĩ ra cách gì thay cho thi để chọn được người phù hợp vào học (cho dù cách thức thi có cách hay, cách dở mà cách thi của VN đang là dở vì bắt tất cả mọi loài đều phải bò hoặc bơi như nhau) thì thì học lên cao hay con đường tiến thân bằng bằng cấp cũng chỉ là một trong hàng vạn con đường.

Sau 12 năm học, đối với một kì thi dùng để cả xét tốt nghiệp, các thi sinh hãy bình tĩnh, tự tin thi hết mình. Gia đình các em hãy tạo điều kiện tối đa cho các em trước, trong kì thi.

Nhưng sau kì thi, các em và gia đình hãy nhớ rằng, việc học ở trường nào, ngành nào không quan trọng bằng việc học như thế nào, bằng thái độ như thế nào và trong ngành đó thì học cái gì?

Rất nhiều em đã đỗ đại học oanh liệt để rồi học hành thảm bại hoặc sau đó có bằng cấp tốt mà thảm bại trong đường đời.

Đừng bao giờ nghĩ rằng cố gắng đỗ đại học là công việc của mình còn sau đó là chuyện của bố mẹ.

Xả hơi, chơi bời sau khi đỗ vào đại học là tâm lý có thật của rất nhiều học sinh – một hội chứng tâm lý sau 12 năm bị đắm chìm, quăng quật trong nền giáo dục khoa cử.

Lý do chủ yếu nằm ở tư thế, thái độ đối với việc học và ý nghĩa của việc học.

Trong học tập tinh thần cầu tiến, ham học, say mê , khao khát tự do, khao khát chân lý, khao khát cái mới rất quan trọng. Nếu có nó không sợ học ở đâu, thậm chí không sợ cả việc mình không vào học đại học.

Ngoài một số ngành nghiêm ngặt như y học, luật… đòi hỏi phải học đúng trường, có bằng cấp của một số trường nhất định mới có thể hành nghề, các ngành nghề khác luôn mở rộng cho người có tinh thần cầu tiến, cầu học và say mê.

Văn học, sử học, triết học hay thậm chí kinh doanh, thươn mại, kĩ thuật… đều như thế.

Nhìn vào thực tế ta sẽ thấy có vô số người thành công nhờ vào sự say mê và bền bỉ trong học tập-học bất cứ ở đâu, lúc nào, từ ai…

Trong nghề dạy học và sau này là làm nhiều nghề khác, tôi luôn kính trọng và nể những người có đam mê cháy bỏng và liên tục cầu học, cầu thị hơn những người thông minh nhưng nhanh nản chí hoặc chỉ coi học là một cách để có bằng cấp tiến thân.

Tuổi trẻ là tài sản vô giá để say mê và học hỏi.

Đừng để phí tài sản đó.

Cho dù bạn có thành tích học tập kém hơn nhiều bạn khác ở phổ thông hay đại học nhưng nếu bạn say mê và cầu thị học hỏi không ngừng, rất có thể bạn sẽ đuổi kịp hoặc vượt xa các bạn đã học giỏi hơn mình ở trên đường đời và có cống hiến tốt hơn.

Hãy nghĩ về học như một niềm vui, một con đường dài, rộng mở và nhiều nhánh mà mình có thể bước chân lên.

Con đường ấy có thể có nhiều đường đi nhưng cũng có thể chỉ có mỗi bản thân mình.

Nguyễn Quốc Vương (Tác giả, dịch giả)

Đăng theo Facebook Nguyễn Quốc Vương. Vui lòng đọc bài gốc tại đây

Xem thêm: