Thử nhẩm tính, đến ngày 1/10/2017 thì cả nước có 54,88 triệu người trong độ tuổi lao động. Mà theo thống kê thì độ tuổi lao động là từ 15-65. Người ta chỉ xác định độ tuổi lao động từ 15 tuổi, nhưng 15 tuổi chỉ mới học lớp 9, đa số chưa thể lao động.

Theo một số báo thống kê, hồi đầu tháng 9/2017 thì cả nước có 22 triệu học sinh – sinh viên. Mà tuổi đi học là từ 3-23 tuổi. Học sinh từ 15-23 tuổi cứ tạm tính một cách tương đối là chiếm 40% số học sinh sinh viên cả nước. Vậy tính ra số học sinh sinh viên trong độ tuổi lao động là 8,8 triệu. Như vậy số người lao động trên toàn quốc sau khi trừ đi học sinh – sinh viên từ 15 tuổi ra (chưa trừ thất nghiệp) là 46,08 triệu.

Theo số liệu được chuyên gia Phạm Chi Lan đưa ra năm 2016 thì:

“Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người.”

Vậy nhà nước phải trả lương cho 11 triệu người trong khi số người lao động tổng cộng của cả nước là 46,08 triệu người. Mà nguồn thu của nhà nước là từ gì? Chủ yếu là từ thuế, nghĩa là lương mà nhà nước trả cho những người như vậy là hầu hết được trích ra bởi tiền dân. Vậy nhẩm tính sơ sơ, 36,08 triệu người nuôi 11 triệu người hưởng lương, là cỡ hơn 3 người đi làm để đóng thuế nuôi 1 người hưởng lương.

hơn 3 người đi làm để đóng thuế nuôi 1 người hưởng lương
(Tranh qua nj.com)

Nhưng từ từ chưa hết, còn doanh nghiệp nhà nước thì sao? Họ không sinh lời để đóng góp vào quỹ lương nhà nước sao?

Doanh nghiệp nhà nước chỉ toàn là lỗ. Những công ty có 100% vốn nhà nước như các tập đoàn dầu khí PVN lỗ, Tổng công ty Điện lực cũng lỗ, Tổng công ty Than Khoáng sản cũng lỗ, v.v..

hơn 3 người đi làm để đóng thuế nuôi 1 người hưởng lương
Tranh biếm họa về tham nhũng. (Tranh qua laodong.vn)

Tuy nhiên cũng có những công ty cổ phần nhà nước có lời, nhưng nhà nước lại chủ trương bán nó đi. Công ty cổ phần có vốn nhà nước như Sabeco, Vinamilk đang làm ăn có lãi thì bị bán để cứu 13 dự án do đang thua lỗ. Điều nghịch lí này tại sao lại xảy ra? Tại sao ở Việt Nam, các đơn vị kinh tế nhà nước lại không tính tới yếu tố kinh tế? Và tại sao nhà nước lại ưu tiên giải cứu những công ty – tập đoàn có 100% vốn nhà nước bị lỗ triền miên, và bán đi doanh nghiệp sinh lời?

Cần chú ý là những công ty cổ phần như Sabeco và Vinamilk có một đặc điểm, đó là chúng có sự giám sát cổ đông, vì thế tất yếu lợi ích kinh tế phải được đặt lên hàng đầu.

Dù sao đi nữa thì nhà nước cũng làm ăn kinh tế, nhưng mà lỗ nhiều hơn lời. Tính chung quy là lỗ, mà lỗ thì phải lấy ngân sách bù, mà ngân sách là tiền thuế của dân. Hơn 3 người dân nuôi một người hưởng lương từ thuế, lại phải cõng thêm những hố sâu có sự “thua lỗ” của các công ty nhà nước, lại phải nuôi cả những người chưa có khả năng lao động như trẻ em nữa. Vậy thì làm sao mà đất nước giàu được?

Theo Facebook Đỗ Ngà
Chỉnh sửa và đăng tải dưới sự cho phép của tác giả

Xem thêm: