Sự việc một cháu nhỏ học lớp một bị tử vong với nghi vấn bị nhà trường và lái xe bỏ quên trên xe buýt đưa đón đang làm dư luận bàng hoàng.

học sinh lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên, gateway, cháu bé bị bỏ quên trên xe,
Một người đàn ông bế cháu L từ xe chạy vào trong phòng y tế nhà trường vào khoảng 16h15 ngày 6/8, theo camera an ninh của nhà trường, đặt ra nghi vấn bé trai tử vong trên xe. (Ảnh chụp màn hình/dẫn qua Báo Tuổi trẻ)

Là người lớn, chúng ta sẽ cảm thấy có lỗi và thương cảm cho một sinh linh bé bỏng đã sớm phải lìa bỏ thế gian trong khi chặng đường đời rất dài còn ở phía trước.

Là phụ huynh, chúng ta không khỏi lo lắng khi suy ngẫm về con cái mình.

Là người công dân, hẳn chúng ta sẽ không khỏi giật mình nhìn lại và suy ngẫm về xã hội.

Câu chuyện trên thật đau lòng cho dù nguyên nhân là gì chăng nữa. Nếu nguyên do là sự bất cẩn thì nỗi đau ấy còn tăng gấp nhiều lần vì lẽ ra có thể ngăn ngừa được điều đó.

Nhưng chúng ta hãy thử nhìn lại xem, đấy có phải là trường hợp cá biệt không?

Hãy nhớ lại xem mỗi ngày chúng ta khi đi bộ qua đường có phải lúc nào cũng rùng mình run rẩy khi hàng chục chiếc xe lao tới mà người lái không hề có chút nào cân nhắc hay trìu mến?

Có phải mỗi khi đi xe buýt chúng ta đều giật nảy mình vì những cú lạng lách, phanh gấp hoặc tiếng quát tháo của lái xe, phụ xe giục “nhanh chân lên” không?

Có phải chúng ta lâu lâu lại đọc những dòng tin trên báo mô tả những vụ tai nạn vô cùng đáng tiếc như trẻ dẫm phải dây điện ở công trường đang thi công, trẻ chết đuối ở ao nhà, xe taxi bị vật liệu rơi trúng khiến tài xế tử vong… không?

Ở bệnh viện có phải chúng ta đều run lên khi thấy bác sĩ thao tác nghiệp vụ trong trạng thái không hề tập trung tuyệt đối hoặc họ vừa làm việc vừa nói chuyện riêng, nghịch điện thoại không?

Trong trải nghiệm của tôi, tôi gần như có tất cả những trải nghiệm trên hoặc trực tiếp chứng kiến chúng.

Người Việt, như một thói quen rất cũ hay tự ái khi bị so sánh với người ngoài nhưng nếu cần so sánh để làm rõ sự bất cẩn tôi nghĩ so sánh với người Nhật sẽ là một lựa chọn thích hợp.

Tôi đã từng sống ở Nhật 8 năm, làm đủ nghề để sống từ làm cơm hộp trong nhà máy, vận hành máy trong nhà máy sản xuất mì ăn liền, bốc vác, thư kí văn phòng, phiên dịch cho các công ty sản xuất (cơ khí, hóa chất, xây dựng…) và phiên dịch cho luật sư tại trại tạm giam, tòa án, viện kiểm sát… Những trải nghiệm đó cho phép tôi so sánh sự bất cẩn và cẩn thận ở Việt Nam và Nhật Bản một cách tương đối thực tế.

So với người Nhật, người Việt… cực ẩu. Trong mọi tình huống, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

Chẳng hạn ở bệnh viện, trước khi tiêm thuốc, mổ xẻ hay làm bất cứ thủ thuật gì bác sĩ Nhật hay y tá đều có động tác xác nhận lại bằng việc hỏi trực tiếp bệnh nhân là “Anh là X phải không?”, “Bệnh của anh là… phải không”, “Cần phải… phải không”. Họ cũng sẽ giải thích rõ cho bệnh nhân thủ thuật cần làm, thuốc cần tiêm, tác dụng phụ của thuốc nếu có… Nếu là sản phụ sau khi sinh y tá sẽ viết tên mẹ và con lên đùi trẻ (bằng mực y tế an toàn và khó xóa) để tránh nhầm lẫn. Ở Việt Nam, có lẽ trừ các bệnh viện tư đắt tiền hay bệnh viện quốc tế, quy trình này không được học hỏi và tuân thủ đúng. Bác sĩ cứ im lặng làm ào ào. Không giải thích, không xác minh. Và nhiều trường hợp nhầm lẫn như tiêm nhầm thuốc, mổ nhầm chân, cắt nhầm thận đã xảy ra. Chính anh rể tôi trước khi bị đánh thuốc mê lên bàn mổ đã nghi ngờ hỏi lại khi cảm thấy câu hỏi của bác sĩ là “siêu âm chưa” có điểm gì đó nghi vấn vì anh đã siêu âm trước đó. Hóa ra hai bệnh nhân trùng tên nhưng là hai bệnh, hai chỗ mổ khác nhau (!) Chính tôi hai tuần trước khi đi khám ở một bệnh viện lớn nhất nhì Hà Nội cũng dính hậu quả khi hai ông bác sĩ vừa khám vừa quát tháo bệnh nhân/khách hàng, vừa nói chuyện điện thoại tán gẫu, vừa bật nhạc vàng nghe. Ngoài cửa, y tá của họ cho tất cả các bệnh nhân uống dung dịch (trước khi nội soi) trong cùng một cốc. Đấy là một sự bất cẩn không thể tha thứ.

Ở trên đường, người Việt cũng rất bất cẩn. Làm việc thì thủng thẳng nhưng ngồi lên xe là phóng bạt mạng không cần biết phải trái nhường nhịn là gì. Không ai cảm thấy có lỗi khi phóng qua vạch trắng sang đường của người đi bộ mà không hề giảm tốc độ hay nhường đường trong khi luật và đạo đức đều yêu cầu phải như thế. Lái xe buýt và phụ xe chỉ quan tâm đến “đủ giờ” hay “âm giờ” không quan tâm đến an toàn của khách và người đi đường. Mỗi lần đường tắc hay có ai đó đi sát đầu xe, không ít lái xe văng tục “ĐM. Ông đâm cho chết mẹ nhà mày bây giờ. Đi như mù”.

Nhìn vào các công trường, nhà máy ta thấy cũng ái ngại. Cháy vì thế hay xảy ra và khi xảy ra thì thường có thương vong.

Người Việt khi làm với người Nhật thường hay phàn nàn và chỉ trích người Nhật “cứng nhắc, máy móc”. Điều đó đúng khi họ phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt, tốn thời gian, công sức. Một người lái tàu ở Nhật, mỗi lần xác nhận các cánh cửa đã đóng lại an toàn đều phải đứng nghiêm ở đầu tàu, nhìn suốt tận đuôi tàu chỉ tay hô “yoi” (Tốt), sau đó đóng cửa và mở máy. Mỗi ngày họ đều làm cả chục lần như vậy. Tốn thời gian, mệt mỏi. Nhưng không thể không làm. Quy trình ấy nảy sinh từ chính các vụ tai nạn kẹp tàu khi vào phút chót có những người lao lên hoặc xuống tàu. Điều gì sẽ xảy ra khi tàu chạy và hành khách kẹp một tay, chân, hoặc nửa người giữa hai cánh cửa?

Người lái tàu, lái xe buýt, người soát vé tàu ở Nhật trước khi xuống tàu bao giờ cũng đi kiểm tra từ đầu xe tới cuối xe kiểm tra từng hàng ghế xem khách có bỏ quên vật dụng gì, có ai ngủ quên không. Chuyện lái xe đánh thức hành khách nhậu say ngủ quên là chuyện thường xảy ra ở Nhật.

Quy trình họ đặt ra và yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt là để ngăn ngừa tối đa có thể rủi ro nhất là rủi ro về sinh mạng. Nhiều công nhân, kĩ sư người Việt khi làm trong nhà máy cơ khí thường phàn nàn người Nhật thiếu sáng tạo, làm động tác thừa mất thời gian và thích thú với sự làm tắt của mình khi có thể đẩy năng suất cao lên. Họ đâu biết rằng người Nhật thừa biết rằng cắt đi một vài công đoạn hay động tác có thể nâng cao năng suất nhưng sẽ có rủi ro. Rủi ro về sinh mạng là rủi ro khó lấy lại. Có lần tôi đã được thuê đến chỉ để dịch “lời mắng” của ông giám đốc dành cho một cậu thực tập sinh người Việt. Lý do là cậu này đã táy máy đút tấm thép 5mm vào máy uốn làm vỡ luôn một mảng ở máy trong khi giới hạn an toàn của máy chỉ được uốn thép 3mm (điều này cậu ta biết rõ). Khi điều tra cậu ta giải thích lý do “Thử xem nó uốn thế nào”. Đơn giản chỉ có vậy. Điều làm ông giám đốc tức giận nhất không phải là hỏng cỗ máy mấy trăm triệu tiền Việt (luật Nhật cấm ông chủ phạt tiền công nhân khi làm hỏng sản phẩm, cấm cả trừ lương vì lỗi trong công việc) mà là sự nghịch dại của cậu ta có thể lấy đi mạng sống của cậu hoặc những người xung quanh nếu miếng thép vỡ ra văng vào người.

Một lần khác, khi tôi dịch cho một nghiệp đoàn Nhật tại một buổi dạy về “trói vật” khi vận hành cẩu, một ông thầy đã nổi nóng đuổi thẳng một cậu công nhân học việc người Nhật về vì cậu này tự ý sờ vào máy khi chưa có lệnh. Sau đó ông có nói riêng với tôi: “Nếu hắn là người Việt tôi chỉ phạt không đuổi. Làm như vậy để các cậu kia-ý chỉ người Việt-nhìn vào mà học nghiêm túc”. Ông có lý vì trong vận hành cầu, người trói vật luôn phải làm việc phía dưới, nếu sơ sẩy vật cẩu lên rớt xuống có thể gây tai nạn.

Ngay chính trong gia đình tôi, cũng có nhiều lần tôi chứng kiến sự bất cẩn. Có lần tôi về nhà, mẹ tôi muốn lấy cau ra chợ bán nên bà nhất định cứ giục tôi trèo lên cây cau hái cau cho bà. Cây cau cao tít tắp thân không có cành và có lẽ cũng rất dễ gãy. Đơn giản lúc đó bà chỉ nghĩ làm sao có buồng cau. Tôi cãi lại mẹ rằng chuyện đó rất nguy hiểm thì mẹ tôi bảo “ngã sao được, bám chắc vào không có ngã”. Thiếu chút nữa tôi nổi khùng. Tôi lấy lưỡi liềm buộc vào cây sào và lấy xuống buồng cau cho bà. Bà tỏ ra rất ngạc nhiên vì khỏi cần trèo mà vẫn có cau chẳng thiếu một quả nào.

Trong đời thường, sự bất cẩn có khi nảy ra chỉ giản đơn như thế.

Sự nguy hiểm của những sự bất cẩn ở Việt Nam là nó trở thành thói quen sinh hoạt của toàn xã hội. Nhìn đâu cũng thấy bất cẩn và thiếu an toàn. Một ví dụ khó tin đến rùng mình là cảnh cảnh sát vây bắt tội phạm có nổ súng mà đám đông dân chúng xúm xít đứng xem hoặc tệ hơn là khi công binh tìm cách tháo gỡ bom sót lại từ chiến tranh (với trang phục, trang bị vô cùng thô sơ) thì nam thanh nữ tú ríu rít ra hiện trường chụp ảnh… tự sướng.

Người lớn khác trẻ con ở chỗ có khả năng tính toán đến hệ quả trực tiếp và gián tiếp trước khi hành động. Cân nhắc lợi ích đạt được và rủi ro phải đối mặt. Sự cân nhắc đó là sự thận trọng. Thiếu nó là bất cẩn.

Bởi thế, sự bất cẩn xét ở ý nghĩa này cũng là biểu hiện của sự chưa trưởng thành. Muốn cải thiện điều này phải cần đến cả gia đình, nhà trường và xã hội. Khi tiêu chuẩn an toàn trong đó có cả các tiêu chuẩn an toàn được ghi trong luật được nâng cao và thực thi, sự bất cẩn sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, sự sinh hoạt và giáo dục trong gia đình, nhà trường chú trọng tới sinh mệnh con người và sự an toàn cũng có vai trò rất lớn.

Tiếc thay, ở Việt Nam, giáo dục thường chỉ chú trọng tới truyền đạt các tri thức giáo khoa để phục vụ thi. Giáo dục sinh mệnh và giáo dục đời sống vẫn đang là những đề tài để ngỏ.

Hệ quả của nó là sự chưa trưởng thành ở từng cá nhân lẫn ở cả cộng đồng.

Nguyễn Quốc Vương (Tác giả, Dịch giả)

Đăng theo Facebook Nguyễn Quốc Vương. Vui lòng xem bài gốc tại đây.

Xem thêm: