Không ai có quyền bắt Việt Nam phải mở thầu. Cũng không ai có quyền bắt Việt Nam phải nhất định chọn cho được người thắng thầu sau khi đã mở thầu.

dự án cao tốc Bắc Nam, nhà thầu Trung Quốc
Quốc lộ 1A, đoạn qua Ninh Thuận, năm 2014. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Bộ GTVT đang “phòng thủ” cho Trung Quốc

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Đối tác công – tư (PPP- Bộ Giao thông Vận tải), và các quan chức quản lý dự án đường cao tốc của Bộ GTVT đang ra sức bảo vệ Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam với các luận điểm sau.

“Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và theo quy định của tổ chức này, tất cả các nước thành viên không được phân biệt đối xử với bất kể một quốc gia nào.

“8 dự án cao tốc đầu tư theo hình thức PPP sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn các nhà thầu đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế. Do đó, việc nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc Nam là điều hoàn toàn bình thường” .

“Đa số các nhà đầu tư Trung Quốc đều rất mạnh về yếu tố vốn tự có cũng như khả năng huy động vốn với lãi suất thấp (0 – 2 %)”.

“Dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội do tổng thầu Trung Quốc thực hiện, giữa nhà thầu và nhà đầu tư là khác nhau”. “Cao tốc Bắc Nam đang lựa chọn nhà đầu tư rồi mới lựa chọn nhà thầu; theo điều 5, Luật đấu thầu thì nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước để thực hiện dự án” (Vnexpress, 27/7/2019).

Từ 3 điểm trên thì thấy Trung Quốc sẽ thắng thầu. Bởi thứ nhất, Trung Quốc mạnh về tài chính và huy động lãi suất thấp; thứ hai, lãnh đạo Bộ GTVT đã nói rõ “chọn nhà đầu tư chứ không phải nhà thầu”; thứ ba, Việt Nam “không được phân biệt đối xử” với bất cứ nước nào, vì đã là thành viên của WTO.

Nhưng Vụ trưởng Đối tác công – tư nói riêng và các quan chức quản lý dự án cao tốc của Bộ GTVT nói chung có lẽ cần lưu ý những điều này:

Thứ nhất, mạnh về tài chính và huy động lãi suất thấp 0-2% chỉ là lá bài lừa đảo. Điều này Việt Nam đã chịu cay đắng ở hàng ngàn dự án của Trung Quốc chào thầu thấp mà kết thúc rất đắt. Trung Quốc không lừa gạt được ai, ngoài việc Ban quản lý dự án cố tình chịu mắc lừa vì nguyên do khác.

Thứ hai, dự án cao tốc Bắc-Nam là làm đường để thu phí chứ không phải miễn phí. Người dân mới thực sự là người trả tiền.

Trách nhiệm của Bộ GTVT nói chung và bộ phận quản lý dự án nói riêng nằm ở chỗ quy định đúng thời gian thu phí và mức thu phí trước khi mở thầu cho từng cung đoạn, mà không phụ thuộc vào đề xuất tài chính và mức huy động đường mật viết trên giấy của các nhà đầu tư.

Nếu như phụ thuộc vào mức đầu tư của chủ đầu tư đề xuất rồi mới quyết định được thời gian thu phí và mức thu phí thì thất bại luôn nằm về phía người dân.

Thứ ba, Việt Nam không phân biệt đối xử về quốc tịch với các nhà thầu, nhưng Việt Nam có quyền dừng thầu vì Việt Nam thấy chưa phù hợp. Không ai có quyền bắt Việt Nam phải mở thầu. Cũng không ai có quyền bắt Việt Nam phải nhất định chọn cho được người thắng thầu sau khi đã mở thầu.

Từ những điều trên, kiến nghị với Lãnh đạo Bộ GTVT hai điều: Không chọn người thắng thầu ở tất cả những gói thầu cao tốc Bắc – Nam chưa phù hợp với lợi ích của nhân dân Việt Nam. Sẽ mở thầu lại vào thời điểm thích hợp khi điều kiện cho phép; Chủ đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam nên là người Việt Nam.

Để tránh nghĩ rằng người viết vì có thành kiến với Trung Quốc, xin đặt vài câu hỏi đơn giản sau đây:

– Đầu tư cao tốc Bắc Nam rồi thu phí là làm kinh tế kiếm lời, nếu có lợi thì sao các nước khác không lăn vào đầu tư mà chỉ có Trung Quốc?

– Có phải Trung Quốc chịu lỗ không?

– Nếu phải chịu lỗ thì Trung Quốc chịu lỗ vì mục đích gì?

– Nếu Trung Quốc không chịu lỗ mà có lời thì sao người Việt Nam không tự làm mà kiếm lời?

Không ai bắt Việt Nam phải làm ngay đường cao tốc Bắc – Nam. Chậm làm cao tốc Bắc – Nam thêm vài năm cũng chưa chết ai. Nhưng dâng đường cao tốc Bắc – Nam vào tay kẻ cướp và bóc lột thì sẽ là đại họa.

Theo cập nhật, tính đến hiện tại, tại vòng sơ tuyển 8 dự án xây dựng theo phương thức đối tác công – tư (PPP) của cao tốc Bắc Nam đã có 60 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư được nộp. Trong đó, Trung Quốc có 30 hồ sơ tham gia tất cả 8 dự án. Việt Nam chỉ có 15 hồ sơ và 15 hồ sơ của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Pháp, Philippines.

TS Nguyễn Ngọc Chu

Đăng theo Facebook Nguyen Ngoc Chu. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: