Thứ 3 ngày 11/12 vừa qua, Ủy ban Lập pháp Mỹ đã có cơ hội được chất vấn một trong những người đàn ông quyền lực nhất trên hành tinh – ông Sundar Pichai, đương kim CEO của đại gia công nghệ Google, công ty lọc thông tin của toàn bộ thế giới. Và dưới đây là cách họ lãng phí buổi điều trần này.

Embed from Getty Images

Trong hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ, các thành viên Ủy ban đã trình bày các ý kiến đối lập từ hai đảng về việc liệu công cụ tìm kiếm của Google và các sản phẩm dich vụ khác của công ty này có định kiến xấu với các nội dung bảo thủ hay không.

Các đảng viên Cộng hòa lớn tiếng chỉ trích Google vì đã chôn vùi các trang web thiên về bảo thủ trong các kết quả tìm kiếm và cố tình khuếch đại các ý kiến phê phán chính sách bảo thủ – điều mà Google khăng khăng phủ nhận.

Phe Dân chủ thì dường như chỉ sợ thiên hạ chưa đủ loạn, dành hết những lượt phát biểu 5 phút của mình để giúp Pichai đáp trả lại những cáo buộc mà họ cho là vu khống này. Lập luận của hai bên đều khó có thể kiểm chứng được vì thuật toán tìm kiến của Google luôn được giữ trong vòng bí mật (black box algorithms).

Màn đối đáp qua lại này khiến các thành viên của Ủy bản chỉ còn lại chút ít ỏi thời gian để tìm hiểu về những vấn đề thật sự cần thiết hơn như việc Google phát triển một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt cho Trung Quốc, việc thu thập dữ liệu lớn của công ty này, các vụ vi phạm bảo mật gần đây, hay chuyện liên quan tới luật cạnh tranh và chống độc quyền.

Trên thực tế, phiên điều trần này thực chất là một cơ hội bị các nhà làm luật và công chúng bỏ lỡ. Nó là một lời nhắc nhở đã được báo trước về sự thờ ơ kéo dài của Quốc hội Mỹ với các vấn đề công nghệ. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy mặc dù các nhà làm luật gần như đều nhất trí rằng phải làm gì đó với quyền lực khổng lồ của các ông lớn công nghệ, nhưng lại không sẵn sàng gạt mối bất hòa giữa hai đảng sang một bên.

Google có thiên vị không?

Pichai bắt đầu phiên điều trần của mình bằng cách khăng khăng rằng ông đang lãnh đạo Google với phương châm “không thiên lệch về chính trị.”

“Chúng tôi là một công ty cung cấp các nền tảng cho các quan điểm và ý tưởng đa dạng khác nhau – và chúng tôi không thiếu những thứ này ngay trong nội bộ các nhân viên của mình,” vị CEO mềm mỏng nói trong lời mở đầu của mình.

Nhưng điều này không thể ngăn các nhà lập pháp oanh tạc ông với những lý lẽ chứng minh điều ngược lại. Hạ nghĩ sĩ Cộng hòa Steve Chabot từ bang Ohia đặt câu hỏi, tại sao khi ông tra cứu dự luật chăm sóc sức khỏe năm 2017 của Đảng mình đề xuất, thì chỉ có các thông tin tiêu cực xuất hiện?

>> Trump tố Google thiên vị truyền thông cánh tả trong kết quả tìm kiếm

Còn Steve King của Iowa hỏi Pichai tại sao cháu gái mình lại thấy những tin tức tiêu cực về ông của cháu trên iPhone. Khi Pichai trả lời rằng Google không sản xuất iPhone, King khó chịu đổi giọng, “Cũng có thể xảy ra trên điện thoại Android.”

Trong khi đó Lamar Smith, một Hạ nghị sĩ Cộng hòa của Texas dẫn chứng một báo cáo của PJ Media cho biết 96% các kết quả tìm kiếm về Tổng thống Trump đền từ các trang truyền thông theo phe tự do, mặc dù vậy, đây là một thống kê đã được chứng minh là sai trước đó.

Khi những người Cộng hòa tung ra các lời cáo buộc không có cơ sở tới Pichai, thì một vài nhà lập pháp Dân chủ lại lãng phí thời gian của họ để đi bào chữa cho Google, một công ty xứng đáng phải bị điều tra sâu hơn.

Hạ nghị sĩ Zoe Lofgren của California yêu cầu Pichai giải thích cách công cụ tìm kiếm của hãng hoạt động. Vị CEO nói rằng thuật toán của Google tìm kiếm các trang web theo từ khóa và xếp hạng chúng dựa trên hơn 200 tín hiệu bao gồm độ liên quan, tính chất mới hay cũ và độ nổi tiếng. “Vậy nên không phải là có anh chàng nhỏ bé nào đó ngồi sau màn hình và thao túng những gì chúng ta cho người dùng xem?” Lofgren châm biếm đáp lại, nhưng rõ ràng điều này không có tác dụng gì cả.

Sau đó, Dân biểu Ted Lieu của California, lại làm thay hết việc của Pichai bằng cách so sánh kết quả tìm kiếm của dân biểu Steve Scalise (Los Angeles) với các kết quả của dân biểu King (người nói rằng chỉ có kết quả tiêu cực về ông xuất hiện). Ông phát hiện ra các kết quả cho Scalise phần lớn là các tin tức liên quan tới cuốn sách của ông ấy, trong khi các kết quả tìm kiếm về King cho thấy ông ấy là một kẻ mù quáng. “Nếu anh muốn có các kết quả tìm kiếm tốt, hãy làm những điều tốt,” Lieu cảnh báo đồng nghiệp của mình, mà chẳng buồn quan tâm tới người đàn ông đang ngồi trên ghế làm chứng.

Những điều này không mấy bất ngờ. Buổi điều trần được mong đợi từ lâu này diễn ra sau nhiều tháng lên kế hoạch. Cho tới trước hôm 11/12, Pichai cố ý né tránh tâm điểm chú ý của dư luận, và chỉ đồng ý gặp mặt lãnh đạo đa số ở Hạ viên Kevin McCarthy và các nhà bảo thủ khác trong một buổi gặp kín. Nghị sĩ California này là một trong những người phê phán Google nặng lời nhất sau khi các báo cáo xuất hiện cho thấy kết quả tìm kiếm của Google đã liệt kê “Phát xít” là một trong những ý thức hệ chủ chốt của Đảng Cộng hòa tại California. Sai lầm này do một kẻ bất lương nào đó cố tình tạo ra, và Google đã cho nó xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của mình. Tuy rằng họ đã nhanh chóng sửa sai sau đó, nhưng không thể ngăn được sự giận dữ của những người bảo thủ xuất phát từ đây.

>> Cùng trả lời những câu hỏi mà Zuckerberg đã né tránh

Vấn đề thông tin cá nhân của người dùng

Vấn đề thứ hai được đề cập đến là chuyện Google sử dụng những dữ liệu họ có được vào mục đích quảng cảo hay xác định vị trí của người dùng như thế nào. Ủy ban thu hoạch được rất ít từ việc này, một phần vì những câu hỏi quá đơn giản và ngây thơ về hành vi thu thập thông tin của Google.

Ted Poe của bang Texas yêu cầu Pichai nói xem liệu Google có thể định vị điện thoại của ông khi nó di chuyển trong căn phòng này được không. Tất nhiên, ứng dụng Maps của Google có thể làm được điều đó, nhưng việc này phải tùy thuộc vào tùy chỉnh của người dùng. Thay vì để Pichai giải thích, Poe lại chế giễu ông ấy. “Ông kiếm được 100 triệu đô một năm, ông nên biết cách để trả lời câu hỏi đó.”

Bất chấp những sự phí phạm thời gian kể trên, phiên điều trần cũng có một vài khoảnh khắc giá trị. Mặc dù vậy, chúng lại tập trung vào những gì Pichai không nói, hơn là những gì ông ấy nói. Karen Handel của bang Georgia hỏi Pichai liệu ông ấy có biết loại dữ liệu nào mà người dùng nên có quyền lựa chọn để được thu thập hay không. Đây là một câu hỏi chủ đạo của một cuộc tranh luận dự luật quyền riêng tư mới của liên bang.

Nói chung, các công ty công nghệ thường thích để người dùng chọn không tham gia vào việc thu thập thông tin – điều họ thường quên hoặc không biết phải làm thế nào – hơn là yêu cầu người dùng đồng ý với việc thu thập thông tin ngay từ ban đầu.

Tại một phiên điều trần tại Thương viện Mỹ vào tháng 9 vừa qua, giám đốc về quyền riêng tư của Google đã nói Google không hỗ trợ việc yêu cầu người dùng tham gia vào tất cả các quá trình thu thập thông tin.

Có lẽ đó là lý do tại sao Pichai né tránh câu hỏi của Handel. Ông trả lời “Tôi nghĩ một cơ chế quyền riêng tư theo đó người dùng có sự minh bạch, được kiểm soát, và lựa chọn, và hiểu rõ những lựa chọn mà họ cần phải đưa ra, là một điều rất tốt cho khách hàng.” Nói dễ hiểu hơn, Pichai cho rằng chính sách quyền riêng tư hiện tại của Google đã tạm ổn rồi.

Còn Trung Quốc?

Pichai cũng lựa chon cách lảng tránh tương tự với những câu hỏi về lợi ích của Google ở Trung Quốc. Ông ta liên tục được hỏi về dự án Chuồn Chuồn, theo đó Google đang thử nghiệm một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt ở Trung Quốc.

Google đã rút khỏi thị trường Trung Quốc năm 2010 trước những quan ngại về kiểm duyệt và kiểm soát đại chúng tại đây. Nhưng khi phải đối mặt với những câu hỏi về Chuồn Chuồn, Pichai phần lớn trả lời rằng công ty này không có kế hoạch tái xuất tại Trung Quốc ở thời điểm hiện tại và sẽ minh bạch nếu điều đó có diễn ra.

Dần dần các thành viên của Ủy ban cũng gật gù cho rằng câu trả lời này là đủ. Nhưng David Cicilline của bang Dân chủ tại Đảo Rhodes không chấp nhận câu trả lời sáo rỗng này của Pichai. Trong những giây phút gay cấn nhất của phiên điều trần, Cicilline hỏi liệu có nhân viên nào của Google đang tham dự các cuộc họp về dự án Chuồn Chuồn hay không. Pichai không trả lời.

“Chúng tôi đang thực hiện các nỗ lực nội bộ, nhưng hiện tại chưa có kế hoạch phát hành một công cụ tìm kiếm nào ở Trung Quốc,” ông nói.

Cicilline hỏi liệu các nhân viên của Google có đang trao đổi với các thành viên của chính phủ Trung Quốc hay không. Một lần nữa, Pichai trả lời một câu hỏi mà không ai hỏi. “Hiện tại chúng tôi không thảo luận về việc phát hành một dịch vụ tìm kiếm ở Trung Quốc,” ông nói.

Cicilline lại hỏi một lần nữa. Và Pichai lại từ chối trả lời Có hay Không. Cuối cùng, Cicilline lại hỏi liệu Pichai có loại trừ khả năng “phát hành một công tụ kiểm soát đại chúng và kiểm duyệt ở Trung Quốc hay không.” Câu trả lời của Pichai là vô thưởng vô phạt.

“Chúng tôi có nhiệm vụ cung cấp cho người dùng thông tin, vậy nên chúng tôi luôn nghĩ rằng mình có nhiệm vụ phải khai phá các cơ hội cung cấp cho người dùng quyền truy cập thông tin,” Pichai trả lời. “Tôi có một cam kết, nhưng như tôi đã nói lúc trước, chúng tôi sẽ rất cẩn thận và chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi thông tin khi có những tiến triển mới hơn.”

Đây thực chất là sự trốn tránh trả lời một vấn đề về nhân quyền quốc tế đáng lẽ ra nên được các nhà lập pháp hỏi nhiều hơn, đặc biệt là với những người có ý quan ngại đến kiểm duyệt và kiểm soát đại chúng. Thật tệ là những người Cộng hòa và Dân chủ tại Ủy ban Lập pháp đã quá mải tranh luận với nhau mà quên mất việc chú ý tới điều này.

Theo Wired
Quốc Hùng tổng hợp