Sự lây lan như vũ bão của virus Trung cộng (COVID-19) tại Vũ Hán, Trung Quốc đã dẫn tới sự bùng phát ghê gớm của dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu, với số ca nhiễm cùng tử vong tăng lên hàng ngày mà chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Mặc dù ở bên cạnh Trung Quốc và phát hiện một số ca nhiễm COVID-19 từ rất sớm, nhưng bằng cách nào đó, Nhật Bản vẫn chưa phải đối mặt với sự bùng phát mất kiểm soát như các nước phát triển kia. Tại sao vậy?

chong covid 19 o nhat ban 2
(Ảnh: Shutterstock)

1. Tình hình thực tế COVID-19 ở Nhật

Nhật Bản là một trong những nước sớm xuất hiện các ca nhiễm virus COVID-19. Tuy vậy, kể từ đó đến nay, Nhật Bản mới chỉ ghi nhận 2.178 nhiễm vào ngày 1/4, với mức tăng vài chục ca một ngày, và số ca tử vong là 57, tức tỷ lệ 2,61%. Như vậy, nếu so với tốc độ bùng phát theo cấp số nhân đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu hiện nay, thì số liệu thấp như thế này quả thật là một điều đáng mừng cho người Nhật.

Một số người cho rằng số ca nhiễm thấp ở Nhật là do chính phủ nước này không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Nếu là vậy, tình hình bề ngoài có thể khả quan trong vài ngày nhưng rồi các bệnh viện cũng sẽ chật kín người bệnh. Thật may là điều này rõ ràng đã không diễn ra.

Nguyên nhân hiện vẫn còn là bí ẩn, kể cả với giới y khoa của chính Nhật Bản. Các biện pháp xử lý theo cụm dịch của chính phủ nước này không hẳn là hoàn toàn phát huy tác dụng, vì nếu nó hiệu quả, thì dịch đã được dập chứ không tăng lên hơn 2.000 ca.

Điều này có thể là do thói quen rửa tay, súc miệng, đeo khẩu trang của người Nhật, cùng với việc hạn chế tiếp xúc cơ thể khi giao tiếp như bắt tay hay ôm ấp nồng nhiệt đã giúp kiềm chế sự lây lan. Hay đó là do đội otaku (những người mê mẩn anime và manga) ở Nhật đã từ bỏ thế giới thật và trốn vào một góc sống trong thế giới ảo hai chiều của họ rồi?

2. Xây dựng chiến lược trên số liệu thống kê và đánh giá khoa học

Bỏ qua chuyện đùa về những otaku, giờ hãy tìm hiểu sâu hơn về chiến thuật chống dịch COVID-19 của người Nhật. Ngay khi dịch bệnh chớm phát triển ở Nhật, chính phủ nước này đã thành lập một Ủy ban Chuyên gia/Đội Xử lý Cụm dịch, và chiến thuật của họ tập trung vào việc xử lý các cụm dịch.

Dựa trên phân tích các số liệu thống kê từ ca nhiễm tại Vũ Hán, các nhà khoa học Nhật đã phát hiện ra hệ số lây nhiễm cơ bản R0 của virus corona biến động trong khoảng rất lớn. Điều này có nghĩa là với một số người nhiễm bệnh, họ sẽ ít có khả năng lây lan cho người thứ hai (lây nhiễm thứ cấp), chỉ có một nhóm nhỏ người nhiễm có khả năng lây cho rất nhiều người và tạo ra các cụm dịch. Chúng ta vẫn gọi là “những ca siêu lây lan”.

SO SANH cum va covid 19
(Ảnh qua Medium)

Nếu có thể phát hiện và dập sớm những cụm dịch tạo ra bởi những ca siêu lây lan, thì có thể đẩy hệ số R0 xuống dưới 1 và kiềm chế dịch thành công. Đây chính là cơ sở lý luận của chiến lược chống dịch trước đây của Nhật Bản.

Trên cơ sở phân tích 110 ca nhiễm tại 11 cụm dịch phát sinh tại Nhật tính cho đến ngày 26/2, người ta phát hiện ra một số điểm chung. Những cụm dịch đều phát sinh tại những môi trường trong nhà như phòng tập gym, nhà hàng bên sông, bệnh viện, các lều lễ hội. Trong những môi trường không gian chật hẹp như thế này, việc lây nhiễm thứ cấp có xác suất xảy ra là rất cao.

Tuy vậy, nếu chỉ dựa vào yếu tố này thì rất khó để giải thích tại sao dịch không bùng phát nghiêm trọng trên các chuyến tàu điện ngầm/tàu cao tốc vẫn ngày ngày chật ních người tại Nhật Bản. Còn cần phải có các điều kiện tiên quyết khác, và dưới đây là tổng hợp của các chuyên gia người Nhật:

  1. Không gian kín không thông thoáng
  2. Có rất nhiều người trong không gian hẹp
  3. Chuyện trò trong khoảng cách gần (trong khoảng có thể chạm được vào nhau)

Các điều kiện này giải thích tại sao dịch không bùng phát trên tàu điện ngầm, vì trên tàu đáp ứng điều kiện 1 và 2, những lại không xảy ra điều kiện 3, vì mọi người không trò chuyện với nhau. Như vậy, nếu tất cả công dân đều có thể tránh cả 3 điều kiện nói trên (và việc này đơn giản hơn rất nhiều chuyện phong tỏa cả thành phố hay giới nghiêm cả đất nước như Trung Quốc, châu Âu hay Mỹ quốc) thì bạn có thể hy vọng rằng các ca nhiễm thứ cấp sẽ không xảy ra.

Nói cách khác, việc thay đổi hành vi của người dân có thể ngăn chặn việc lây nhiễm theo cụm dịch (chứ không phải ngăn hoàn toàn việc lây nhiễm – hai điều này về cơ bản là khác nhau), từ đó giúp kiềm chế phần lớn những ca nhiễm corona.

>> Dữ liệu không đầy đủ của Trung Quốc khiến chuyên gia đánh giá sai về virus corona

Tổng kết lại, chiến lược chống dịch theo cụm của người Nhật dựa trên ba cột trụ chính như sau:

  1. Phát hiện sớm và dập sớm các cụm dịch
  2. Ngăn chặn và kiềm chế việc phát sinh các cụm dịch mới thông qua thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là các thanh niên trẻ tuổi
  3. Dồn sức cho các ca bệnh nặng và bảo đảm hệ thống y tế vận hành bình thường
nhat ban chong covid 19 so sanh
COVID-19: Biểu đồ cho thấy tỷ lệ R0 thấp của Nhật Bản (Ảnh qua Medium)

Tuy vậy, vẫn còn đó nguy cơ từ các cụm dịch “vô hình”, hay các cụm dịch không triệu chứng. Đối với tình huống này, chiến lược của Nhật là mở rộng khả năng xét nghiệm các mối liên hệ với người bị bệnh để nhanh chóng tìm ra các cụm “vô hình”. Tốc độ truy tìm các mối liên hệ, cùng tốc độ xét nghiệm là yếu tố quyết định thành bại của chiến lược này.

Nhật Bản không đi theo cách xét nghiệm quy mô lớn của Hàn Quốc, vì họ cho rằng (1) điều này có thể gây ra quá tải cho hệ thống y tế hiện có của Nhật, và (2) sai số của phương pháp xét nghiệm này là cao hơn so với xét nghiệm truyền thống.

3. Khó khăn trước mắt của Nhật trong chống dịch COVID-19

Công tác chống dịch của nước Nhật giống như đang đi trên băng mỏng, đây là nhận định của các chuyên gia y tế nước này. Sắp tới đây người Nhật có ba kỳ nghỉ liên tiếp, điều này sẽ tạo ra khó khăn cho công tác chống dịch, khi người dân nghỉ xả hơi và tăng cường tiếp xúc xã hội, khiến ba điều kiện lây nhiễm kể trên dễ xảy ra hơn. Ngoài ra, việc học sinh nước Nhật đi học trở lại sau khi được nghỉ khoảng 1 tháng sẽ tạo ra tâm lý cho người dân rằng cuộc sống đã quay lại bình thường và họ dễ lơ là cảnh giác hơn.

Hy vọng rằng với ý thức cao cùng thói quen vệ sinh sạch sẽ, người dân Nhật sẽ tiếp tục giúp đất nước vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay. Chiến lược chống dịch của nước Nhật có một số điểm hay để các nước, trong đó có Việt Nam học tập. Hãy giữ “giãn cách xã hội” tốt nhất có thể, và tiếp tục vận hành nền kinh tế, còn phong tỏa các thành phố hay đất nước chỉ là biện pháp cuối cùng khi tình hình đã ảm đạm mất kiểm soát mà thôi.

Theo bài viết của 1 luật sư, được dịch và đăng trên trang Medium
Hạ Chi lược dịch