Tháng 10/2019, Vườn Bách thú Paris vừa giới thiệu một “sinh vật huyền bí” thu hút du khách có tên “the blob”, tạm gọi là nấm nhầy. Đây là một sinh vật nhỏ, màu vàng, không có não, mắt, chân tay hay dạ dày nhưng lại có tới 720 giới tính.

nam nhay Physarum polycephalum plasmodium image
Physarum polycephalum, nấm nhầy hay còn có biệt danh là “the blob” (Ảnh: Wiki)

“Nấm nhầy” không phải là sứa, nó trông giống như nấm nhưng lại hoạt động như động vật. Loài sinh vật này giống như một đống dây nhớp nháp màu vàng và rất thích tìm nấm để ăn. “The Blob” được đặt theo tên một bộ phim khoa học viễn tưởng năm 1985 (The Blob). Phim nói về một sinh vật ngoài hành tinh lao xuống Trái đất và nuốt chửng người dân ở bang Pennsylvania (Mỹ).

Có một khoảng thời gian, các nhà khoa học đã gặp khó khăn trong việc phân loại sinh vật này. Nó trông giống như một loại nấm, nhưng di chuyển như một con vật. Nó không có não, nhưng vẫn có thể “học” cách định hướng di chuyển trên những cung đường phức tạp trong vài giờ để tìm kiếm thức ăn.

Về mặt khoa học, sinh vật này được gọi là nấm nhầy (còn được biết đến với tên Physarum polycephalum, mang ý nghĩa “chất nhầy nhiều đầu”) – một loài đơn bào có khả năng phát triển kích thước lên tới vài mét vuông, mặc dù hầu hết các mẫu vật trưng bày không phát triển vượt quá vài cm vuông.

Chúng được tìm thấy trên khắp thế giới, thường là ở phần mặt dưới của lá và khúc gỗ – nơi chúng ưa thích săn nấm và vi khuẩn. Tuy nhiên, trong phòng thí nghiệm, các khuôn mẫu sinh vật trên rất thích ăn bột yến mạch. Chính đặc điểm này đã giúp các nhà nghiên cứu lý giải được tiềm năng phát triển kỳ lạ của chúng.

Video giới thiệu về nấm nhầy tại vườn bách thú Paris:

Để lấy thức ăn, nấm nhầy kéo dài những mạch máu có thể luồn lách quanh chướng ngại vật hoặc qua “mê cung” với hiệu quả kinh ngạc. Trong một nghiên cứu tiến hành vào năm 2010, các nhà khoa học đã đặt những miếng bột yến mạch theo mô hình tượng trưng cho thành phố Tokyo và 36 thị trấn xung quanh. Khi để ăn “thả phanh”, nấm nhầy đã phân nhánh thành một mạng lưới tương tự như hệ thống xe lửa hiện nay của Tokyo, kết nối thức ăn với hiệu quả ấn tượng.

>> Hệ vi sinh vật trong cơ thể: “Cơ quan nội tạng” bị lãng quên

Bên cạnh đó, các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng nấm nhầy thực sự có thể đi theo đường mòn chất nhờn của chính chúng để quay trở lại chỗ có nguồn thức ăn cho các lần cho ăn tiếp theo. Điều này cho thấy sinh vật không có não này có một bộ nhớ không gian và khả năng giải quyết vấn đề. Khi hai hoặc nhiều khuôn chất nhờn hợp nhất với nhau, chúng có thể chia sẻ những gì mình đã học và tiếp tục tìm ra con đường hiệu quả nhất đến chỗ có thức ăn. Đôi khi, hàng trăm khuôn chất nhờn riêng lẻ có thể kết hợp thành một “sinh vật hợp bào” khổng lồ, đưa ra quyết định theo kiểu “hive mind” (tâm trí tụ hợp – sự chia sẻ trí thông minh trong một nhóm).

nam nhay Physarum polycephalum Schwein 570532 image
(Ảnh: Wiki)

“Nấm nhầy” có “720 giới tính”?

Về vấn đề giao phối, vì sao nói rằng nấm nhầy có hơn 720 giới tính? Đó là nhờ vào một số nhiễm sắc thể kỳ lạ.

Ở người, giới tính được xác định bởi sự kết hợp của các nhiễm sắc thể trong quá trình thụ tinh giữa một tế bào tinh trùng và một tế bào trứng. Một tế bào tinh trùng có thể mang nhiễm sắc thể X hoặc Y, trong khi một tế bào trứng sẽ luôn mang nhiễm sắc thể Y, qua đó tạo ra một tế bào mới có nhiễm sắc thể XX (nữ) hoặc nhiễm sắc thể XY (nam).

nam nhay slime mold image
(Ảnh: Martin Jambon/Flickr)

Đối với nấm nhầy, thay vì chỉ có hai loại nhiễm sắc thể giới tính (X hoặc Y), giới tính của nó được xác định bởi ba vị trí khác nhau – gọi là “loci” trên nhiễm sắc thể của chúng, trong đó mỗi loại có nhiều gen đẳng vị (alen) khác nhau.

Loài sinh vật này có tới 720 tổ hợp nhiễm sắc thể giới tính. Nhưng 2 bào tử nấm nhầy không cần phải có cùng kiểu giới tính để giao phối. Vậy nên, thật không quá khi ông Bruno David, giám đốc Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris, gọi loài sinh vật này là “một trong những bí ẩn lớn nhất của tự nhiên”.

Nấm nhầy thu hút sự chú ý của dư luận lần đầu tiên vào tháng 5/1973 sau khi một phụ nữ ở Texas (Mỹ) phát hiện ra chúng trong sân. Với bề ngoài như tới từ ngoài Trái đất, nó trở thành hiện tượng với báo chí thời đó nhưng cũng nhanh chóng bị lãng quên khi nó chết. Thế giới đã quên mất sự tồn tại của nấm nhầy cho tới khi có nghiên cứu mới về nó được ra mắt vào năm 2016, khiến cho giới khoa học xôn xao.

Từ ngày 19/10/2019, những ai muốn khám phá thêm về nấm nhầy có thể tới vườn bách thú Paris để tận mắt chứng kiến. Còn dưới đây là một vài video thú vị về loài nấm nhầy này:

TED: Thế giới học được gì từ loài nấm nhầy? (Việt sub)

Theo LiveScience, CNN
Phan Anh tổng hợp