Năm 2019 là một năm đầy ắp những hình ảnh khoa học thú vị. Từ những động vật kỳ lạ tới vũ trụ bao la, từ những thác nước đỏ lửa tới DNA phát sáng, hãy cùng điểm lại những hình ảnh khoa học thú vị nhất được các khoa học gia/nhiếp ảnh gia ghi lại trong năm qua.

Tiếp theo phần 1.

24. Trăn ba mắt

Những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2019
(Ảnh: Northern Territory Parks and Wildlife Commission)

Những kiểm lâm ở Australia đã không thể tin vào mắt mình sau khi phát hiện ra một con trăn kim cương hoang dã dị thường có tới tận 3 con mắt đều đang hoạt động. Xác suất để xuất hiện một con mắt thứ 3 ở trên trên trán là cực kỳ hiếm gặp, một nhà sinh vật học cho biết.

25. Gấu trúc bạch tạng

Những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2019
(Ảnh: Khu bảo tồn Wolong/EPA-EFE/Shutterstock)

Một chú gấu “tuyết” đang dạo chơi trong rừng trúc ở Trung Quốc chăng? Không, đây là lần đầu tiên một chú gấu trúc bạch tạng, mắt đỏ, xuất hiện trước ống kính của các nhà khoa học.

26. Sự dị thường ở mặt trăng

Những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2019
(Ảnh: NASA/Goddard Space Flight Center/University of Arizona)

Nằm sâu dưới điểm thấp nhất của miệng núi lớn nhất trong hệ mặt trời (khoảng màu xanh trong hình là miệng núi Aitken ở cực Nam của Mặt Trăng), các nhà khoa học đã phát hiện ra một khu vực dị thường chứa các vật chất nặng với kích thước lớn bằng Hawaii (vùng được khoanh tròn).

>> Phát hiện khối lượng khổng lồ bí ẩn bên dưới Mặt Trăng

27. DNA phát sáng

Những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2019
(Ảnh: Joshua Weinstein, Broad Institute)

Tấm ảnh rực rỡ này là hình chụp chi tiết tại đúng vị trí mà DNA và RNA đang tồn tại trong một tế bào sống. Phương pháp mới có tên gọi hiển vi DNA này mất 6 năm trời phát triển mới cho ra được hình ảnh chân thực bên trong tế bào như chúng ta đang chứng kiến đây. Công nghệ do các nhà khoa học tại viện MIT, Mỹ nghiên cứu và thực hiện.

28. Atlas không gian

Những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2019
(Ảnh: Eleanor Lutz/TabletopWhale.com)

Trong năm qua nhà sinh vật học Eleanor Lutz đã công bố một tấm bản đồ vô cùng chi tiết hệ Mặt Trời, với quỹ đạo chính xác của hơn 18.000 thiên thể. Với độ tinh mật cao như vậy, người xem có thể hình dung một cách trực quan vành thiên thể nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, cũng như Vành Kuiper nằm bên ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương.

29. Những chú chó kéo xe ở Greenland

Băng đang tan nhanh ở đảo Greenland. Trong hình là những chú chó kéo xe trượt tuyết Greenland đang “lướt trên mặt nước” ngày 13/6. Thực ra, chúng phải thay đổi chuyến hành trình của mình vì băng tan bất thường.

30. Núi lửa Raikoke

Những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2019
(Ảnh: NASA Earth Observatory)

Ngọn núi lửa tên Raikoke bộc phát ngày 2/6/2019, lần đầu tiên trong vòng 95 năm. Một nhà du hành đang thực hiện nhiệm vụ trên trạm Vũ trụ Quốc tế đã may mắn chộp được hình ảnh phi thường này – một đám mây bụi hình nấm bốc lên từ một ngọn núi lửa đang phun trào nằm chơi vơi giữa Thái Bình Dương

30. Nhật thực và cơn bão

Những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2019
(Ảnh: CIRA/NOAA)

Bóng của mặt trăng lướt ngang qua cơn bão lớn Barbara trong lúc nhật thực toàn phần đang diễn ra ngày 2/7/2019 trên Thái Bình Dương.

31. Trăn nuốt… cá sấu

View this post on Instagram

#pythonswallowscroc

A post shared by Bohnam (@bohnam) on

Một chú trăn họ Liasis olivaceus xơi được một bữa để đời, với thực đơn là… cá sấu nước ngọt Australia. Sự việc xảy ra ở Núi Isa tại Queensland do tay chèo thuyền kayak Martin Muller ghi lại.

32. Hai nửa hoàng hôn

Những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2019
(Ảnh: Uma Gopalakrishnan)

Liệu đây có phải hai bức ảnh ghép lại với nhau? Không, đây là cảnh chụp hoàng hôn do Uma Gopalakrishnan đến từ North Carolina ghi lại. Trong khi ánh chiều hoàng hôn rực rỡ soi sáng nửa bầu trời bên phải, thì một đám mây lớn che phủ nửa còn lại.

33. Con mực heo sữa

Khoa hoc an tuong 8
(Ảnh: Nautilus)

Năm 2019 quả là một năm có nhiều hình ảnh khoa học thú vị về động vật. Cứ nhìn chú mực “heo sữa” này mà xem! Các nhà hải dương học đã quay lại được một video thú vị về một sinh vật kỳ lạ cùng họ với mực trong lúc đang thám hiểm trên E/V Nautilus. Con heo mực này có thân hình tròn trĩnh như một chú heo, với xúc tu ngắn cũn cỡn đang ngoe nguẩy ngay trên đầu nó.

34. Quầng radio

Khoa hoc an tuong 6
(Ảnh: ESO)

Lần đầu tiên các nhà thiên văn học xác định được rõ ràng một quầng radio bao quanh một thiên hà, cụ thể ở đây là thiên hà NGC 4565. Thiên hà xoáy ốc này cách chúng ta 38,8 triệu năm ánh sáng. Chiếc vòng tuyệt đẹp của thiên hà mà chúng ta thấy trong hình là kết quả của các vụ nổ siêu tân tinh cực lớn, phóng thích các hạt mang năng lượng cao ra phía ngoài rìa của thiên hà. Những hạt mang vận tốc lớn này phát ra các sóng radio tạo thành các vành tròn quanh thiên hà này.

35. Ốc sên vỏ sắt

Khoa hoc an tuong 1
(Ảnh: Chong Chen)

Có một loài ốc sên chuyên sống ở gần các miệng hố thủy nhiệt tại các đáy biển sâu. Tạo hóa đã cấp cho chúng một lớp vỏ có chứa kim loại để tự bảo vệ mình. Loài sinh vật này còn có tên gọi khác là tê tê biển. Tuy vậy, ngày 18/7 năm ngoái, con vật tưởng chừng như cứng cáp này đã bị liệt vào danh sách nguy hiểm sắp bị tuyệt chủng, và là loài đầu tiên gặp nguy cơ này do các hoạt động khai thác khoáng sản dưới đáy biển sâu của con người.

36. Tàu nghiên cứu Polarstern

Khoa hoc an tuong 14
(Ảnh: Stefan Hendricks/Alfred Wegener Institute)

Đây là một trong những con tàu cứng cáp nhất, khó bị phá hủy nhất trên thế giới. Trong năm 2019, nhiệm vụ của nó là di chuyển từ Na Uy tới Bắc Băng Dương để nghiên cứu biến đổi khí hậu đã tác động ra sao tới vùng cực bắc của Trái Đất. Con tàu phá băng này mang theo hàng trăm nhà khoa học từ 17 quốc gia, những người sẽ nghiên cứu băng, đại dương và bầu khí quyển.

37. Sứa biến hình

Khoa hoc an tuong 2 1
(Ảnh: Nautilus /nautiluslive.org)

Deepstaria là tên một loài sứa hiếm thấy nhất và ít được nghiên cứu nhất từ trước tới nay, dẫu rằng chúng đã được phát hiện từ những năm 1960. Loài sứa này sống ở tầng nước sâu và có khả năng thay đổi hình dạng. Con sứa trong ảnh đã biến hình từ dạng chuông sang hình ống gió ngay trước mắt các nhà khoa học đang thám hiểm trong tàu Nautilus hồi tháng 9 năm qua.

38. Vụ phóng tàu vũ trụ Soyuz

Khoa hoc an tuong 1
(Ảnh: Christina Koch/NASA)

Giai đoạn 2 của vụ phóng tàu vũ trụ Soyuz được các nhà du hành trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ghi lại ngày 25/9/2019. Bên trong tàu là nhà du hành Jessica Meir của NASA, Oleg Skripochka của Nga và Hazzaa Ali Almansoori của UAE. Họ sẽ gia nhập nhóm 3 nhà du hành khác để sống và làm việc trên trạm ISS.

>> Chuyên gia Nga: SpaceX làm chương trình vũ trụ của Nga “tê liệt và trống rỗng”

39. Vũ trụ Hubble

Khoa hoc an tuong 2
(Ảnh: NASA/ESA/Hubble Heritage (STScI/AURA)-Hubble/Europe Collab)

Kính Thiên văn Hubble đã chụp lại được hình ảnh khoa học tuyệt đẹp này của RS Puppis, một trong những sao biến quang Cepheid sáng nhất trong Hệ Ngân Hà của chúng ta. Biến quang Cepheid là những ngôi sao có thể biến đổi khả năng phát xạ theo một chu kỳ ổn định. Ngôi sao này nằm cách chòm sao Puppis (Thuyền Vỹ) 6.000 năm ánh sáng.

40. Vũ điệu cá voi

ca voi bong bong 2
(Ảnh: Marine Mammal Research Program, University of Hawaii/Permit Number: NOAA #19703)

Những con cá voi lưng gù này đang ăn tối theo một nghi thức rất đặc biệt. Chúng thổi ra các bong bóng để tạo ra một lưới không khí nhằm vây bắt các động vật biển nhỏ hơn cho bữa tối của mình. Hình ảnh hiếm này được ghi lại từ camera bay trên đầu lũ cá.

41. Mặt ma vũ trụ

Khoa hoc an tuong 11
(Ảnh:NASA/ESA/J. Dalcanton/B.F. Williams/M. Durbin/University of Washington)

Đúng vào dịp Halloween năm ngoái, kính Thiên văn Hubble của NASA đã chụp lại được hình ảnh một khuôn mặt ma quái trong vũ trụ. Thực ra, đó chỉ là hai thiên hà đang trong quá trình va chạm và hợp lại với nhau. Vành sáng bên ngoài chính là các ngôi sao thuộc hai thiên hà nói trên.

>> 27 bức ảnh cho thấy vị trí của chúng ta trong vũ trụ này

42. Trứng mực to bằng cơ thể người

Các thợ lặn ở vùng biển phía Tây Na Uy đã bắt gặp tận mắt một quả bóng trong suốt chứa đấy trứng mực bên trong. Khi ánh đèn flash của các thợ lặn rọi vào trong quả bóng, người ta thấy rất nhiều những quả cầu bé tí xíu – chính là hàng trăm ngàn quả trứng chứa mực con bên trong.

43. Nơi sự sống không tồn tại

Khoa hoc an tuong 5
(Ảnh: Shutterstock)

Các hố thủy nhiệt ở phía bắc Ethiopia là khu vực có môi trường cực kỳ khắc nghiệt. Cảnh tượng nơi đây nhìn giống với ở hành tinh khác hơn là trên Trái Đất. Khu vực màu xanh và màu vàng là những vùng có nhiệt độ rất cao, một trong những nơi có điều kiện khắc nghiệt nhất Trái Đất. Năm vừa rồi, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số hố thủy nhiệt này thực sự không cho phép bất kỳ dạng sống nào tồn tại.

44. Cơn bão trên Sao Mộc

Khoa hoc an tuong 7
(Ảnh: NASA/JPL-Caltech/SwRI/ASI/INAF/JIRAM)

Trong chuyến bay qua Sao Mộc lần thứ 22 của mình, tàu vũ trụ Juno đã phát hiện ra một cơn bão mới xuất hiện ở cực Nam của hành tinh khí này. Hệ thống bão này rất đặc biệt, với một xoáy bão ở trung tâm có kích thước to bằng nước Mỹ, và 6 xoáy bão khoác xoay xung quanh. Xoáy nhỏ nhất mới hình thành có kích thước bằng bang Texas.

45. Thiên thể Hoag

Khoa hoc an tuong 15
(Ảnh: NASA/ESA/Hubble)

Vũ trụ quả thực chứa đựng vô vàn những điều huyền bí. Hình ảnh ấn tượng này lại một lần nữa do kính Thiên Văn Hubble nghi lại và được nhà địa vật lý học Benoit Blanco xử lý.

Thiên thể trong hình có tên là thiên thể Hoag, nó là một thiên hà nằm trong một thiên hà nằm trong một thiên hà khác. Vòng ngoài cùng có đường kính 100.000 năm ánh sáng, được cấu thành từ một tỷ ngôi sao xanh vây xung quanh một khối cầu chứa đầy các ngôi sao đỏ. Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được sự xuất hiện của các thiên thể Hoag này. Xem ra vũ trụ sẽ mãi mãi là ẩn đố đối với con người.

>> Mọi hành động của chúng ta đều được ghi lại trong “video của vũ trụ”?

Theo Live Science
Hạ Chi biên dịch