2.056 trường hợp bị sai số điện trong tháng 5 và 2.175 trường hợp trong tháng 6 là kết quả kiểm tra, phúc tra tại các đơn vị của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC). Việc kiểm tra tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vẫn đang tiến hành.

ghi sai so dien
Hàng loạt hộ dân có chỉ số tiền điện tăng đột biến, hay hóa đơn lặp lại nhiều lần khiến người dùng nghi ngờ về quy trình ghi số, kiểm tra, xuất hóa đơn của các công ty điện. (Ảnh minh họa: evn.com.vn)

10,3 triệu côngtơ, sai sót liên tiếp hơn 2.000 trường hợp trong 2 tháng

Báo Tuổi trẻ ngày 1/7/2020 dẫn thông tin từ  ông Đỗ Văn Năm – Phó trưởng Ban kinh doanh EVNNPC cho biết tổng công ty này đang quản lý 10,3 triệu côngtơ, trong đó khoảng 1,17 triệu công-tơ ghi chỉ số tự động; hơn 1,55 triệu công-tơ ghi chỉ số bán tự động và khoảng 7,75 triệu công tơ ghi chỉ số thủ công.

Kiểm tra, phúc tra ghi chỉ số công-tơ đối với khách hàng có sản lượng tăng từ 1,3 lần trở lên, trong tháng 5 có 1,4 triệu khách hàng trong nhóm kiểm tra. Theo kết quả do tập đoàn này công bố, có 2.056 trường hợp ghi nhầm chỉ số côngtơ, đã sửa sai, phát hành hóa đơn và thu tiền của khách hàng.

Trong tháng 6 (tính đến ngày 20/6), EVN NPC phát hành hơn 10,2 triệu hóa đơn tại 27 tỉnh, có 4,4 triệu khách hàng có sản lượng điện tăng từ 1,3 lần trở lên. EVN NPC cho biết phát hiện 2.175 khách hàng bị ghi nhầm chỉ số công-tơ, công-tơ cháy, kẹt…

Ông Năm cho hay hầu hết các trường hợp sai sót đều được phát hiện, sửa chỉ số trước khi phát hành hóa đơn, chủ yếu rơi vào nhóm công-tơ cơ. Về lý do ghi sai, ông này cho rằng do ghi chỉ số thủ công, đứng trên cột, nhìn máy tính bảng trong điều kiện nắng chói bị nhầm, hoặc đọc và ghi chỉ số bị nhầm.

 Ông Năm cho rằng nếu chưa hiện đại hóa 100% hệ thống đo đếm thì các sai sót này vẫn có thể xảy ra. Việc ghi chỉ số công-tơ, lập hóa đơn, phúc tra, kiểm tra đều được thực hiện đầy đủ, nhưng vừa qua vẫn để “lọt” những hóa đơn ghi nhầm tới hàng chục triệu đồng, như tại Công ty Điện lực Quảng Ninh, khách hàng bị ghi nhầm tới gần 90 triệu đồng/tháng.

Việc kiểm tra, phúc tra do đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng thực hiện, theo Tuổi trẻ Pháp luật ngày 1/7/2020. Việc kiểm tra tại các tổng công ty điện lực như Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) được thực hiện trong tuần này.

EVN nói khách hàng có quyền giám sát ghi chỉ số công-tơ

Trước việc nhiều hộ dân phản ảnh hóa đơn điện tăng đột biến như tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh…; hóa đơn bị lặp lại nhiều lần như ở Tiền Giang, EVN thông báo bổ sung 2 bước trong quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Khi sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập thì sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính hóa đơn và không cho xác nhận kết quả tính để lập hóa đơn. Để lập hóa đơn, lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm tra số liệu và ký xác nhận điện tử số liệu sau khi kiểm tra.

Ngoài ra, tập đoàn này cho biết sẽ thiết lập cảnh báo tự động gửi danh sách các khách hàng tăng/giảm bất thường theo các ngưỡng thiết lập (ví dụ: 3 lần, 4 lần…) và tương ứng gửi email, tin nhắn SMS đến các vị trí quản lý của đơn vị từ tổ trưởng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc và các phòng, ban đơn vị cấp trên.

Các trường hợp hóa đơn tiền điện khi phản ánh về trung tâm chăm sóc khách hàng, đặc biệt vào các ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính sẽ được chuyển đến lãnh đạo của đơn vị điện lực xử lý qua email, tin nhắn SMS, tin nhắn Zalo… để giải quyết.

Tập đoàn này cũng nhắc lại quy trình áp dụng từ năm 2017, rằng khách hàng có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ theo lịch ghi được công bố công khai, người ghi chỉ số không được kiêm nhiệm thu tiền điện, không được ghi chỉ số cùng một lộ trình trong 6 tháng liên tiếp.

Trường hợp công-tơ đặt trong phạm vi quản lý của khách hàng, sau 2 lần đến không ghi được chỉ số thì cho phép tạm tính điện năng tiêu thụ bằng tháng trước hoặc chỉ số công-tơ do khách hàng tự báo nhưng thực hiện không quá 2 chu kỳ ghi chỉ số liền kề. Nếu việc ghi được chỉ số công-tơ không thực hiện được từ 3 chu kỳ trở lên cần thoả thuận với khách hàng chuyển vị trí lắp đặt công-tơ.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), vấn đề lớn nhất dẫn đến việc người dân kêu ca về giá điện hiện nay là sự minh bạch trong việc công khai số liệu đầu ra – đầu vào, số liệu lãi – lỗ của ngành điện. Mặc dù EVN đã công khai số liệu cũng như thực hiện kiểm toán, nhưng những tài liệu ấy vẫn chưa đủ để phản ánh sự công khai và minh bạch – điều mà người dân muốn biết.

“Người dân cần được biết vốn đầu tư sản xuất và kinh doanh của ngành điện từ đâu ra? Việc huy động vốn được thực hiện như thế nào? Đầu tư vào sản xuất kinh doanh điện ra sao và lãi thu về là bao nhiêu…? Đặc biệt là những chi phí đầu vào của ngành điện như giá than, giá khí… để ra từ đó có giá điện cuối cùng. Những vấn đề này liên quan đến tiêu chí quản lý, đầu tư… nhưng khi được hỏi đến tính minh bạch thì EVN vẫn chưa giải quyết được”, ông Thịnh nói.

Theo VOV ngày 7/5/2019

Nguyễn Quân