Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết đang đẩy nhanh việc hoàn thành báo cáo tổng kết để báo cáo Chính phủ, Quốc hội làm cơ sở để nâng công suất 2 dự án thí điểm và mở rộng đầu tư khai thác bauxite, ngành công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên. 

bo xit tay nguyen
Mỏ quặng bauxite tại Nhân Cơ. (Ảnh: boxit.vinacomin.vn)

Ngày 4/4, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Đắk Nông để đánh giá tình hình các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin tại Tây Nguyên.

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), từ tháng 10/2013 đến hết năm 2018, Tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng đã sản xuất được hơn 3 triệu tấn alumin. 97% sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc… Về doanh thu, 3 năm đầu dự án bị lỗ theo kế hoạch. Từ năm 2017 đến nay, dự án chuyển sang có lãi; năm 2018 lãi trên 1.700 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Công ty Nhôm Đắk Nông, năm 2018, Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ sản xuất được 655.568 tấn alumin, tương đương 102,43% kế hoạch năm, vượt mức công suất thiết kế. Xuất bán 647.208 tấn alumin quy đổi cho khách hàng các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Thụy Sỹ, Ấn Độ và các Tiểu vương quốc Ả Rập; doanh thu đạt 6.491 tỷ đồng; nộp ngân sách cho tỉnh Đắk Nông đạt trên 330 tỷ đồng. Ngay năm đầu tiên dự án đã có lãi (theo kế hoạch lỗ trong 5 năm đầu sau khi đi vào hoạt động).

Năm 2019, Công ty Nhôm Đắk Nông được giao kế hoạch sản xuất 650.000 tấn alumin quy đổi. Lãnh đạo điều hành Công ty triển khai thực hiện với kế hoạch điều hành dự kiến đạt 670.000 tấn alumin quy đổi. Quý I, nhà máy sản xuất được trên 162.000 tấn alumin; dự kiến quý II sản xuất khoảng 173.000 tấn alumin.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trước đây có những nghi ngờ về hiệu quả của dự án nhưng thực tế 2 nhà máy alumin đã đạt hiệu quả. Ông Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành báo cáo tổng kết, đánh giá thí điểm 2 dự án để báo cáo Chính phủ, Quốc hội làm cơ sở tiếp tục nâng công suất 2 dự án và mở rộng đầu tư phát triển các dự án khai thác, chế biến bauxite, alumin, nhôm tại Tây Nguyên.

Đối với đề nghị phát triển Trung tâm luyện kim màu của Việt Nam của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần có luận cứ chắc chắn trong việc mở rộng đầu tư công nghiệp Alumin cũng như luyện kim nặng, cần đảm bảo lợi ích của các bên (người dân và doanh nghiệp), chú ý đến vấn đề dất hoàn thổ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) là 2 dự án thí điểm trong ngành công nghiệp khai thác chế biến quặng bauxite để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm.

Dự án Tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng (thường được gọi tắt là dự án Tân Rai) có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm; gồm 3 hợp phần là khai thác mỏ, nhà máy tuyển và nhà máy alumin, do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư.

Gói thầu EPC nhà máy alumin (là gói thầu lớn nhất và quan trọng nhất của Dự án) do Công ty Hữu hạn công trình quốc tế Nhôm Trung Quốc (Chaelico) thực hiện.

Dự án bị chậm tiến độ 4 năm, 4 lần điều chỉnh vốn; tổng mức đầu tư là 15.414,4 tỷ đồng (tương đương 805 triệu USD), tăng gấp 2 lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, từ 10/2013 đến hết tháng 9/2016, Tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng thua lỗ 3.696 tỷ đồng. Con số này vượt xa so với số lỗ luỹ tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá).

Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) có cùng công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, do Công ty Nhôm Đắk Nông (công ty con của TKV) quản lý; gồm 3 hợp phần là khai thác mỏ bauxite, nhà máy tuyển quặng bauxite và nhà máy sản xuất alumin.

Dự án được khởi công từ ngày 28/2/2010. Gói thầu EPC nhà máy alumin cũng do nhà thầu Chaelico thực hiện. Gói thầu EPC nhà máy tuyển quặng và tuyến băng tải do nhà thầu EPC trong nước thực hiện.

Dự án bị chậm tiến độ 3 năm, 2 lần điều chỉnh vốn; tổng mức đầu tư là 16.821 tỷ đồng (tương đương 814,9 triệu USD), gấp hơn 5 lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu.

Từ ngày 1/7/2017, nhà máy đi vào vận hành sản xuất thương mại.

Nguyễn Quân

Xem thêm: