Hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc được ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đồng ý khôi phục. Thông tin được đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, chiều 10/7. 

noi chuyen bay trung quoc viet nam
Một chiếc Airbus A321 của hãng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay Quảng Châu, Trung Quốc, ngày 24/9/2019. (Ảnh: Markus Mainka/Shutterstock)

Báo Giao thông ngày 13/7 dẫn tin cho biết tại cuộc họp, đối với việc mở các chuyến bay quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không Việt Nam và Trung Quốc thống nhất.

Ông Phúc giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan làm việc với các nước về tăng các chuyến bay cứu hộ, mở các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước; tổ chức đón công dân Việt Nam tại các điểm trung chuyển lớn các chuyến bay quốc tế, trong đó có các điểm như Seoul (Hàn Quốc); Tokyo (Nhật Bản); Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc); Viêng Chăn (Lào); Phnôm Pênh (Campuchia).

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm cung cấp thông tin các điểm trung chuyển đón công dân về nước cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Phúc cũng yêu cầu Bộ Lao động – Thượng binh và Xã hội nhanh chóng đưa công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nhu cầu của các quốc gia, nhất là ở những nơi có kết quả tốt trong phòng dịch COVID-19.

Như vậy, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên được Chính phủ Việt Nam công bố sẽ nối lại vận chuyển hàng không sau khi các chuyến bay giữa hai nước phải tạm dừng từ ngày 1/2/2020 để tránh nguồn lây nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Cuối tháng 6 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị những quy định để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7.

Một số quy định kiến nghị như quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác phải không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục; khách phải ở quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác tối thiểu 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay; khách phải có giấy chứng nhận âm tính với virus nCoV được cấp trong vòng 3 ngày trước chuyến bay; khách nhập cảnh phải được xét nghiệm nhanh tại cảng hàng không đến của Việt Nam (chi phí xét nghiệm do hãng hàng không chi trả) và phải lưu trú tại các địa điểm do cơ quan chức năng Việt Nam xác định (có trả phí).

Báo cáo trên được đưa ra khi trước đó, khoảng trung tuần tháng 6, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông qua Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng công bố tên một số nước mà Việt Nam đang trao đổi nối lại đi lại, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; nhóm người được di chuyển qua lại trước là các chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài, các thực tập sinh, lao động Việt Nam.

Mặc dù vậy, hiện cả ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới.

Theo một số liệu do ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam đưa ra vào tháng 3, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 19,5% thị trường vận tải của các hãng hàng không Việt Nam, Hàn Quốc chiếm 23,1%, Đài Loan chiếm 7,7%, Hồng Kông chiếm 4,1% và Nhật Bản chiếm 6,8%.

Trước khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19, ba hãng hàng không của Việt Nam khai thác 87 đường bay thường lệ và thuê chuyến (charter) đến 54 điểm tại Trung Quốc, tần suất 401 chuyến/tuần. Đây là thị trường mà các hãng cạnh tranh gay gắt vì quy mô lớn và tăng trưởng ổn định, theo News Zing ngày 12/2.

Nguyễn Quân