Các số liệu về khoản vay mới, lượng cung tiền và gia tăng tài chính xã hội trong tháng 7/2019 thấp hơn dự kiến, đồng thời tốc độ tăng trưởng công nghiệp và tiêu dùng cũng sụt giảm đáng kể, tất cả đã cho thấy bức tranh kinh tế ảm đạm của Trung Quốc. Cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) đều thể hiện nền kinh tế Trung Quốc rơi vào trạng thái đình lạm rất khó giải quyết.

Trong kinh tế học, đình lạm chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao.

Embed from Getty Images

Các số liệu tài chính của Trung Quốc trong tháng 7 thấp hơn dự kiến. (Ảnh: Getty Images)

Theo số liệu tài chính do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) công bố hôm 12/8, so với tháng trước, các khoản vay CNY (Nhân dân tệ) tăng thêm trong tháng 7 là 1,06 nghìn tỷ, lượng cung tiền M2 vào cuối tháng tăng 8,1%. Số dư cho vay CNY vào cuối tháng 7 là 147,02 nghìn tỷ CNY, tăng 12,6%.

Số liệu cũng cho thấy mức tăng của quy mô tài chính xã hội trong tháng 7/2019 là 1,01 nghìn tỷ CNY, thấp hơn nhiều so với mức trung bình dự kiến ​​là 1,5 nghìn tỷ CNY, thấp hơn 210,3 tỷ CNY so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các số liệu kinh tế trong tháng 7/2019 của Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với dự kiến cho thấy tình hình kinh tế đang rất ảm đạm. Mặc dù tình trạng yếu kém do suy thoái kinh tế không thay đổi, nhưng xét đến áp lực của việc đồng CNY mất giá nên việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ vẫn còn hạn chế.

Nhiều phân tích chỉ ra, trong ngắn hạn khả năng cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là rất nhỏ. Điều chỉnh cơ cấu tín dụng và giảm chi phí vẫn là mục tiêu quan trọng của chính sách trong thời gian tới. Chu Hạo, nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc tại Ngân hàng Thương mại Đức (Commerzbank) cho rằng, vì những hạn chế về tỷ giá hối đoái nên về mặt chính sách, Trung Quốc không có nhiều biện pháp đối phó. Hơn nữa thực tế cho thấy việc tiếp tục nới lỏng chính sách trong thời gian ngắn cũng không có hiệu quả, do đó trước mắt Trung Quốc chỉ có thể tiếp tục con đường như hiện nay – điều chỉnh cơ cấu chính sách.

Hãng tin Reuters dẫn ý kiến của ông La Vân Phong, chuyên gia phân tích cao nhất của Trung tâm nghiên cứu và phát triển chứng khoán China Merchants, theo đó chuyên gia này cho rằng lý do dẫn đến tình trạng đình lạm có thể do chính sách kinh tế chung không còn khuyến khích tổng nhu cầu, hoặc nói cách khác là tăng cường tạo tín dụng.

Ông Trịnh Lương Hải, một nhà phân tích thu nhập cố định của Quỹ Caitong cho biết, sự gia tăng khoản vay mới trong tháng 7/2019 suy giảm chủ yếu là do giảm khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp, còn mức tăng khoản vay ngắn hạn mới của người dân cũng giảm nhanh.

Nhà kinh tế Trương Nhất tại quỹ Trung Hải (Zhong Hai Sheng Rong) nhận định, tốc độ tăng trưởng M2 và các khoản vay CNY mới trong tháng 7 thấp hơn dự kiến chủ yếu là do hai yếu tố. Thứ nhất, sau cuộc họp của Bộ Chính trị trong quý đầu tiên, Ngân hàng Trung ương đã không cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) toàn diện, hành động ở mức độ nhất định đã ảnh hưởng đến cung tiền và tăng tín dụng. Thứ hai, kể từ quý đầu tiên, nhu cầu của nền kinh tế không tốt, đặc biệt là động thái căng thẳng với bất động sản đã ngăn chặn nhu cầu tín dụng, điều này cũng dẫn đến số liệu không như mong đợi.

Tối ngày 9/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ban hành “Báo cáo thực thi chính sách tiền tệ quý II”, trong đó nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ có tác động hiệu quả với những bất ổn trong và ngoài nước.

Tuy nhiên theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 9/8, CPI tháng 7/2019 đạt mức cao mới trong 17 tháng qua (tăng 2,8% so với tháng trước), trong khi PPI giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua. Điều này cho thấy rủi ro kinh tế đã tăng thêm một mức.

Tốc độ tăng trưởng CPI tháng 7/2019 của Trung Quốc tiếp tục ở mức cao, trong khi PPI giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua, chính thức bước vào khu vực giảm phát (biểu hiện khi kinh tế suy thoái). Nhiều phân tích cho rằng, do tình hình căng thẳng nguồn cung thịt heo không thay đổi, thêm vào đó là cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ ở mức độ nhất định đã làm tăng chi phí cung ứng nông sản nên CPI vẫn còn điều kiện gia tăng nhất định.

Kết quả trung bình của các dự đoán mà Reuters tổng hợp từ gần 30 tổ chức cho thấy, trong bối cảnh nhu cầu cả trong và ngoài Trung Quốc đều suy yếu, những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp và tiêu dùng trong tháng 6/2019 đã suy giảm đáng kể trong tháng 7. Ngay cả doanh số bán xe hơi cũng giảm mạnh, giá trị gia tăng công nghiệp và tiêu dùng trong tháng 7 thậm chí còn thấp hơn nhiều so với tháng trước.

Có chuyên gia cho rằng thực tế nền kinh tế Trung Quốc là lạm phát trì trệ, nghĩa là đình lạm (nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao). Hiện nay nền kinh tế trì trệ, thất nghiệp và lạm phát gia tăng cùng lúc, vật giá cũng bắt đầu gia tăng, tình hình kinh tế này một khi bắt đầu thì rất khó để đảo ngược.

Ngày 9/8 Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn quan điểm của học giả tài chính Trung Quốc Hạ Giang Binh nhận định về hiện tượng đình lạm: “Kinh tế đình trệ, lạm phát gia tăng. Hiện tượng kinh tế này đặc biệt khó đối phó. GDP quý II của Trung Quốc tăng 6,2%, đây là lấy mức thấp nhất trong thống kê. Lý do chính là vì Trung Quốc tham gia cuộc chiến nông sản với Mỹ, trong khi giá nông sản của Mỹ khá mềm nhưng Trung Quốc không nhập khẩu kéo theo hàng loạt hậu quả, không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Tình hình kinh tế đình lạm còn kéo dài.”

Ông Hạ Giang Binh chỉ ra: “Giải pháp chủ yếu là cắt giảm thuế. Kinh tế đình lạm từng xảy ra ở Mỹ rất nghiêm trọng, nhưng khi đó chính quyền Reagan đã giải quyết bằng cách cắt giảm thuế. Thời tổng thống Trump hiện nay không bị hiện tượng này, nhưng ông ấy sử dụng cắt giảm thuế mà nền kinh tế vẫn rất tốt. Thuốc giải độc tốt nhất cho Trung Quốc là nhập khẩu một lượng lớn nông sản, thịt heo từ Mỹ, giá lại tương đối rẻ. Thứ hai là cắt giảm thuế, đây là cách nhẹ nhàng để giải quyết vấn đề tăng trưởng. Làm như vậy sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách hiệu quả.”

Huệ Anh

Xem thêm: