Bộ Công Thương đề xuất thay đổi bậc lũy tiến tính giá bán lẻ điện theo 5 bậc thay vì 6 bậc, biểu giá tối đa áp dụng cho mức 701 kWh trở lên thay cho mức 401 kWh trở lên như hiện hành. 

giá bán lẻ điện
Sau đợt tăng giá bán lẻ điện vào tháng 3/2019, Bộ Công thương đang đưa ra phương án tính giá bán lẻ điện mới. (Ảnh: Xuanhuongho/Shutterstock)

Đề xuất của Bộ Công Thương được chỉnh lý dựa trên tờ trình trước đó của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê đơn vị tư vấn xây dựng và đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 11/2019.

Theo Bộ Công Thương, việc thay đổi để đảm bảo giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân giữ nguyên như tính toán cơ cấu tại Quyết định 28/2014 là 1.896,89 đồng/kWh.

Kịch bản xây dựng này dựa theo cơ cấu, sản lượng điện khách hàng sinh hoạt và giá bán lẻ điện năm 2018, được đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg), để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo cơ cấu giá điện sinh hoạt hiện hành, giá bán lẻ được tính theo 6 bậc, với mức thấp nhất áp dụng cho 0-50 kWh, mức cao nhất từ 401 kWh trở lên.

Tại dự thảo đề xuất, Bộ Công Thương trình phương án tính giá bán lẻ điện theo 5 bậc thay cho 6 bậc. Giá bán lẻ điện ở mức thấp nhất áp dụng cho 0-100 kWh, mức cao nhất từ 701 kWh trở lên.

phuong an tinh gia ban le dien 5 bac
So sánh biểu giá bán lẻ điện hiện hành với phương án 5 bậc theo kịch bản 1 và 2. (*) đồng/kWh

Cụ thể, ở cả hai kịch bản, gộp bậc 1 và bậc 2; gộp bậc 4 và 5; thêm bậc từ 401 – 700 kWh; thay đổi bậc cao nhất từ 401 kWh trở lên lên từ 701 kWh trở lên. Theo đó, khung tiêu thụ cao nhất sẽ áp dụng từ 701 kWh trở lên.

Theo Bộ Công Thương, việc ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

Bộ Công Thương cho rằng với kịch bản 1, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần. Các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng, tương ứng khoảng 1,1% tổng số tiền điện phải trả.

Tại kịch bản 2, mức chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 1,86 lần, thấp hơn so với kịch bản 1 nêu trên. Theo Bộ Công thương, với kịch bản này, hộ sinh hoạt có mức dùng điện 200-300 kWh một tháng (khoảng 3,6 triệu hộ) và từ 701 kWh một tháng trở lên (0,5 triệu hộ) phải trả tăng thêm 6.000 – 14.000 một tháng. Mức tăng giá giữa các bậc không đồng đều.

Sau khi tính toán, Bộ Công Thương đề xuất sử dụng kịch bản 1 thay thế biểu giá điện hiện hành. Kịch bản 1 có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý; mức tác động đến các hộ có mức sử dụng trên 700 kWh so với kịch bản 2 là không lớn; các hộ sử dụng điện dưới 700 kWh có tiền điện phải trả thấp hơn so với kịch bản 2.

Ngoài ra, theo Bộ này, mức chênh lệch giữa bậc thang cuối và bậc thang đầu của kịch bản 1 phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới (Nam California, Mỹ là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần, Thái Lan là 1,65 lần). Điều này nhằm khuyến khích các hộ có mức sử dụng điện lớn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Nguyễn Sơn

(*) Bài được chỉnh sửa sai sót theo góp ý của độc giả. Xin chân thành nhận lỗi. 

Xem thêm: