Không phải chỉ đến năm 2019, Hà Nội mới đề xuất hạn chế xe máy. Kiến nghị này đã được đưa ra, đã chớm đi vào thực hiện từ những năm 2000 nhưng bị bỏ dở giữa chừng…

han che xe may ha noi
Giao thông tại một ngã tư tại Hà Nội, ngày 27/9/2016. (Ảnh: Lu Quyen/Shutterstock)

Từ Quảng Châu, Yangon tới Hà Nội

Tháng 3/2019, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tuyên bố đang nghiên cứu triển khai đề án hạn chế xe cá nhân tại nội đô, theo đó sẽ hạn chế xe máy trên 6 tuyến đường tại Hà Nội. Tuy nhiên, cũng như những năm 2000, ý tưởng hạn chế xe máy lại bị cộng đồng mạng phản đối mạnh mẽ với lý do chính là giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và xe máy là công cụ mưu sinh của người dân thành phố. Tham gia vào phản đối đề án là các hiệp hội, các kênh truyền thông, các chuyên gia kinh tế, các luật gia,…

Tình cảnh này diễn ra đúng như vậy vào 15 năm trước. Năm 2003, lần đầu tiên Hà Nội quyết định tạm dừng đăng ký xe máy tại 4 quận nội thành, năm 2004 mở rộng thêm 3 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ. Khi ấy, Hà Nội chỉ có 5,3 triệu dân, đường phố chỉ gánh có khoảng 2 triệu xe máy (1,5 triệu xe máy do Hà Nội quản lý, khoảng 500.000 xe máy vãng lai). Nhưng sau một năm thực hiện quyết định tạm dừng đăng ký xe máy, dưới nhiều áp lực, Hà Nội đã rút lại quyết định tạm ngừng đăng ký xe máy mới và thả lỏng phát triển phương tiện cá nhân cho tới hiện nay.

Cùng thời điểm những năm 2000, trong khi Hà Nội còn đang lúng túng với quyết định có cấm xe máy hay không thì Quảng Châu (Trung Quốc) đã bước sang giai đoạn 3 của lộ trình cấm xe máy. Giai đoạn đầu được Quảng Châu thực hiện từ năm 1995 là không cho phép đăng ký mới bất cứ xe máy nào. Giai đoạn 2 (từ năm 1999), xe máy không đăng ký tại Quảng Châu bị cấm lưu hành hoàn toàn tại thành phố. Đến giai đoạn 3, bắt đầu từ năm 2001, chính quyền Quảng Châu tuyên truyền cho người dân về việc cấm tất cả xe máy trên toàn phạm vi thành phố, các xe máy cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải sẽ bị tiêu hủy. Đến tháng 3/2004, Quảng Châu đã thực hiện cấm xe máy theo lộ trình cụ thể nhằm giới hạn dần dần việc sử dụng loại hình phương tiện này. Từ đầu năm 2006, thành phố Quảng Châu cấm xe máy 24 giờ/ngày trong suốt 7 ngày trong tuần trên một số tuyến phố chính và đến đầu năm 2007 địa phương này cấm hoàn toàn xe máy trong nội thành.

Hạn chế xe máy tiến tới giao thông “xanh”, Quảng Châu chuẩn bị những gì? Thay vì cấm xe máy dứt điểm và đột ngột, chính quyền thành phố thực hiện lệnh cấm kéo dài trong suốt 16 năm từ 1991 đến 2007, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông công cộng, dần chuyển nhu cầu đi xe máy sang đi phương tiện công cộng như xe buýt, metro… Đến thời điểm áp dụng lệnh cấm xe máy, Quảng Châu có tất cả 357 tuyến xe buýt chạy ban ngày và 40 tuyến chạy ban đêm, với 8.356 xe, bình quân cứ 10.000 người có 15,9 xe buýt tiêu chuẩn, nhiều hơn Bắc Kinh (15,2) và Thượng Hải (15,3). Về tàu điện ngầm, đến năm 2010, với 9 tuyến có chiều dài khoảng 250 km, lượng vận chuyển hành khách hàng năm của Quảng Châu đạt khoảng 1,2-1,4 tỷ lượt người. Hiện các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm đáp ứng được nhu cầu của 15 triệu dân thành phố.

Cũng năm 2003, tại Yangon, Myanmar cũng ban hành sắc lệnh cấm xe máy. Xe máy chạy bằng nhiên liệu bị cấm triệt để trong toàn thành phố, xe đạp bị cấm ở trung tâm. 6 thị trấn ngoại ô Yangon cũng hạn chế để xe đạp và xe đạp điện di chuyển.

Dù hạ tầng giao thông Yangon còn thấp kém, quyết định cấm xe máy của thành phố được tuyên bố vì loại hình vận tải này rất nguy hiểm, ý thức người điều khiển kém, gây nhiều tai nạn giao thông và khiến các du khách khiếp sợ. Đối diện với tình trạng số lượng ô tô giá rẻ nhập khẩu tăng lên nhanh chóng, giới chức Yangon quyết định tăng thuế với xe cá nhân, siết chặt nhập khẩu ô tô. Mặc dù việc cấm xe máy không đi theo một lộ trình cụ thể khiến Yangon phải đối mặt với vấn đề điều tiết một lượng phương tiện giao thông khổng lồ, nhiều cầu vượt đang được xây dựng, hệ thống xe buýt nhanh (BRT) cũng đang được tích hợp với đường sắt đô thị, hệ thống xe buýt trở thành phương tiện được sử dụng nhiều nhất ở Yangon, ý thức người sử dụng xe cá nhân thay đổi, trở nên kiên nhẫn hơn. Việc cấm xe máy tại Yangon thực tế không ảnh hưởng tới tiềm năng du lịch tại thành phố của đất nước vạn chùa. Khi tham quan và khám phá Yangon, du khách vẫn có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện khác như taxi, xe bus, xe ngựa hay dùng thuyền tại các điểm thăm quan đường thủy. Trong khi đó, Yangon từ một thành phố lạc hậu, nhiều tai nạn trở nên chỉn chu, bớt hỗn loạn hơn.

Như vậy, xuất phát điểm đồng thời nhưng Hà Nội đã không bước thêm một bước nào trong lộ trình hạn chế xe máy như kế hoạch đề ra. Ngược lại, tình trạng phụ thuộc vào xe máy của người dân ngày càng trở nên trầm trọng. Cuối năm 2018, Hà Nội tăng hơn gấp 3 số lượng xe máy lưu hành (khoảng 6,5 triệu xe máy lưu thông, gồm 5,5 triệu xe thành phố quản lý và khoảng 1 triệu xe máy vãng lai). Điều đáng nói, Việt Nam đã trở thành quốc gia sở hữu xe máy đứng thứ ba trên thế giới, là thị trường tiêu thụ xe máy thứ tư trên thế giới với số lượng tiêu thụ trên 3 triệu chiếc/năm.

Có phải lợi ích nhóm quá lớn cản trở lộ trình cấm xe máy?

Chia sẻ bên hành lang Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội sáng 10/4, Chủ tịch Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết việc hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy đang là thách thức, trong đó có thách thức đến từ “lợi ích nhóm” của những doanh nghiệp sản xuất xe máy. “Hiện nay, lợi ích nhóm của các doanh nghiệp sản xuất xe máy đang rất lớn vì mỗi năm họ sản xuất 3,5 triệu chiếc xe máy” – ông Chung nói.

Mỗi năm thị trường Việt Nam đang tiêu thụ trên 3 -3,5 triệu chiếc xe máy, đem lại doanh số trên 100.000 tỷ đồng/năm, tương đương với 5 tỷ USD. Phần lớn thị trường nằm trong tay 5 hãng sản xuất lớn là Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki.

Chỉ một thông tin cấm xe máy đưa ra vào hồi đầu năm nay đã khiến thị trường tiêu thụ xe máy suy giảm đáng kể. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), doanh số bán xe máy quý I/2019 giảm 6,13% so với cùng kỳ năm 2018. Năm thành viên VAMM gồm: Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki chỉ bán ra được 753.934 xe.

Ngay sau khi Hà Nội thông qua Nghị quyết tăng cường quản lý vận tải nhằm giảm tình trạng tắc nghẽn và ô nhiễm ở Hà Nội từ năm 2017 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, theo đó đưa ra lộ trình cấm xe máy ở 12 quận nội thành ở Hà Nội từ năm 2030, Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm) đã có phản ứng đề nghị xem xét lại quan điểm cấm xe máy. Tổ chức này cho rằng xe máy đóng vai trò quan trọng trong việc đi lại hàng ngày của người dân và trở thành lựa chọn kinh tế nhất, thuận tiện và linh hoạt trong giao thông, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, có cơ sở hạ tầng kiến trúc điển hình của đường phố hẹp. Cấm xe máy không phải là cách hiệu quả để giải quyết kẹt xe, ô nhiễm và tai nạn giao thông ở các thành phố lớn.

EuroCharm cũng cho biết việc cấm xe máy có thể gây ra những thách thức lớn cho ngành sản xuất xe máy vì từ hơn 10 năm qua, ngành công nghiệp này đã tạo ra sự đầu tư lâu dài tại Việt Nam cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu, có đóng góp to lớn và tạo ra giá trị gia tăng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước thông qua việc đóng góp thuế, tạo việc làm tại địa phương.

Được biết, Honda đã đầu tư 375 triệu USD để xây dựng 3 nhà máy lắp ráp xe máy ở Vĩnh Phúc với công suất 2,5 triệu chiếc/năm. Trong 20 năm đầu tư ở Việt Nam, hãng này cũng tiêu thụ 20 triệu sản phẩm, thu lại xấp xỉ 40 tỷ USD.

Còn Piaggio (một thành viên của EuroCharm) dù đầu tư muộn hơn nhưng hãng này cũng nhanh chóng và đạt được nhiều thành công. Đặt nhà máy tại Vĩnh Phúc từ cuối năm 2007, hãng xe Ý đã biến Việt Nam trở thành một trong ba trung tâm sản xuất của mình trên thế giới. Dù sản lượng xe bán ra tại Việt Nam giảm mạnh so với các năm trước đây nhưng trong 3 năm qua Piaggio vẫn đạt lợi nhuận 400 – 500 tỷ đồng mỗi năm.

Vậy, liệu một trung tâm sản xuất xe máy trên toàn cầu, một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng có thể nhìn lộ trình cấm xe máy dễ dàng đạt được kết quả như mong muốn? Đây là câu hỏi nhiều người đặt ra khi các quyết tâm hạn chế xe máy của các lãnh đạo thành phố, Sở Giao thông trong thời gian qua cứ dấy lên cao trào một thời rồi lại đi vào quên lãng.

Tuệ San

Xem thêm: