Với các đề xuất tăng thuế gần đây của Bộ Tài chính đang cho thấy có sự không đồng nhất giữa những gì được nói và làm. Và chừng nào câu chuyện “nói một đằng làm một nẻo” vẫn còn tiếp tục, chừng đó người dân vẫn chỉ là những khán giả bất đắc dĩ, còn lãnh đạo là những kịch giả thiên tài.

ganh nang thue
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Mới đây trong phiên chất vấn về vấn đề quản lý thu chi ngân sách tại Kỳ họp Quốc hội khóa XIV tháng 10/2017, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng tham gia trả lời chất vấn đã khẳng định chủ trương của Chính phủ: “Hoàn thiện chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường chống thất thoát và giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu hơn là tăng thuế suất… Đặc biệt chúng ta cần giảm thuế để bồi dưỡng nguồn thu”.

Chưa nói đến việc giảm thuế, ngay sau khi lời hứa trước toàn dân chưa kịp ráo lời, các kế hoạch tăng thuế, đề xuất đánh thuế của Bộ Tài chính đã rục rịch được đệ trình lên Chính phủ xem xét. Gần đây nhất là đề xuất đánh thuế tài sản đối với đất ở, nhà ở, ô tô từ 700 triệu hoặc từ 1,5 tỷ đồng trở lên…

Trước đó trong cuộc họp báo Quý 1/2018 diễn ra vào đầu tháng 4, kế hoạch tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung 4.000 đồng/lít gần như đã được thông qua mặc nhiều chuyên gia, giới doanh nghiệp, dư luận lên tiếng lo ngại, phản đối. Một trong những lý do quen thuộc được Bộ Tài chính đưa ra là thu thuế để “phù hợp với thông lệ quốc tế, bù đắp thiếu hụt nguồn thu do hội nhập”.

Là kịch giả hay trí giả chỉ cách nhau một lằn suối nhỏ giữa việc nói và làm. Chừng nào câu chuyện “nói một đằng làm một nẻo” vẫn còn tiếp tục, chừng đó người dân vẫn chỉ là những khán giả bất đắc dĩ.

Hơn 3% dân số đang “ngốn” gần 80% tổng chi ngân sách

Chỉ tính riêng quý 1/2018, gần 80% tổng chi ngân sách đang dùng để nuôi bộ máy gần 3 triệu công viên chức, tương đương khoảng hơn 3% dân số cả nước. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhiều lần lên tiếng báo động: “Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy”.

Trong khi phần lớn ngân sách dùng vào chi thường xuyên, ví như ngân sách 100 đồng thì có gần 80 đồng là để “nuôi” bộ máy quản lý,  chỉ có 12 đồng cho đầu tư phát triển phục vụ xã hội, số còn lại cắt cho trả nợ nước ngoài.

chi thuong xuyen qua cac nam
Chi thường xuyên tăng đều trong nhiều năm qua. (Nguồn: TS. Vũ Thành Tự Anh)

Như vậy, nghịch lý ở đây là 3% dân số là công viên chức đang “ngốn” hầu hết ngân sách, 97% dân số còn lại là những người đóng thuế chỉ để đổi lại những phúc lợi xã hội nghèo nàn như: bệnh viện thiếu giường nằm, trường học tăng nhiều khoản phí, bảo hiểm y tế nhiều bất cập, đất nông nghiệp bị lấy chiếm thành đất sản xuất, đất thổ cư, môi trường sống bị đe dọa, thực phẩm bẩn nhập khẩu từ Trung Quốc tràn lan.v.v.

Vậy, đối với tình thâm hụt ngân sách, thì giải pháp nên làm và có thể làm được ngay là tinh gọn bộ máy. Điều này không mới, chuyên gia kinh tế Fulbright TS. Vũ Thành Tự Anh từng khuyến nghị nhiều lần rằng Chính phủ cần thiết nhất không phải là tận thu ngân sách mà quan trọng hơn phải tiết giảm và tăng hiệu quả chi tiêu.

Thực tế, sau 10 năm tinh giản từ 2002 – 2012, bộ máy không những giảm đi mà thậm chí còn tăng hơn 675 ngàn người.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thu thuế tài sản sẽ giúp ngân sách tăng thêm khoảng 31 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc giảm bớt số công viên chức đi sẽ giảm được hàng trăm ngàn tỷ đồng (chi thường xuyên năm 2017 là 863 ngàn tỷ, theo Tổng cục Thống kê). Giải pháp nào hiệu quả lại “dưỡng sức dân” hơn, các nhà hoạch định chính sách hẳn có thể nhìn thấy rõ.

Nước ngoài và thời xưa thu thuế như thế nào?

Nhìn nhận khách quan, “Thuế” chính là một phương cách thông thường để một chế độ tồn tại, dù là quân chủ hay tư bản, cộng sản. Tuy nhiên, cách thu như thế nào và sử dụng những đồng tiền thuế hiệu quả ra sao nói lên được tính nhân văn của chế độ đó như thế nào.

Mỹ cũng như các nền kinh tế lớn ở châu Âu luôn phải đối mặt với những vấn đề về chi tiêu phù hợp trong nguồn ngân sách hạn chế. Để có nhiều tiền chi tiêu hơn, Chính phủ các nước đó buộc phải cải thiện chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng để kích thích dân chúng bỏ tiền đầu tư và hồi hương dòng tiền của doanh nghiệp đang đầu tư ở nước ngoài về nước.

Tại Mỹ, với chính sách giảm thuế lớn nhất trong hơn 3 thập kỷ qua được thông qua vào tháng 11/2017, Tổng thống Trump đã giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế cá nhân tiêu chuẩn giúp tiết kiệm 12.700 USD cho mỗi cá nhân và 25.400 USD cho hộ gia đình, đồng thời cắt giảm thuế trong dịch vụ giữ trẻ và lệ phí chăm sóc điều dưỡng, loại bỏ thuế bất động sản, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15% từ mức 35% hiện hành nhưng cuối cùng được Quốc hội Mỹ thông qua ở mức 21%.

Đặc biệt, chính sách thuế mới còn cho phép hồi hương một lần lợi nhuận của công ty Hoa Kỳ ở nước ngoài với mức giảm. Đây là một điểm quan trọng trong chiến lược “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà chính quyền Trump đang thực thi.

Tại Thụy Sĩ, Chính phủ nước này chú trọng vào việc đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ (không chú trọng phát triển doanh nghiệp lớn, chú trọng trợ cấp về thuế (được cắt giảm đến mức thấp nhất có thể) và trợ cấp về chi phí quản lý, tôn trọng quyền tự do của công dân.

Luật pháp Thụy Sĩ quy định chính phủ phải duy trì tình trạng cân bằng của ngân sách quốc gia, mọi quyết định tăng thuế đều phải thông qua trưng cầu dân ý. 70% số tiền thu được từ thuế phải được chi tiêu theo danh sách các khoản mục được liệt kê sẵn ở các địa phương.

Ngược lại quá khứ, thời thịnh thế vua Lê Thánh Tông, để giảm bớt gánh nặng cho cho dân chúng, nhà vua nhiều lần ban chiếu miễn thuế, cấp phát tiền cho người dân mỗi khi mất mùa, ốm đau…

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại rằng nhà vua “ra lệnh ngừng việc xây cung thành, vì có nhiều tờ tâu gửi lên, nói là mất mùa, giá gạo cao vọt, cho nên hoãn lại”.

Ngày Ất Tỵ, mồng 9, dụ cho quan lưu thủ là Lê Niệm phát 50 quan tiền kho nhà nước, sai Tế sinh đường mua thuốc, sai người chữa chạy cho những người mắc bệnh dịch ở các phủ Quốc Oai, Tam Đới và dụ rằng: “Từ nay về sau, phủ nào có bệnh dịch thì cho phép các quan địa phương đó dùng tiền thuế mua thuốc chữa cho dân”.

Hay như việc tăng thuế không được làm một cách tùy tiện. Điều 11 chương Quân chính Bộ Luật Hồng Đức có nêu: “Những đầm bãi công hay tư, cho phép những dân xã gần đó được lĩnh canh, đánh cá mà nộp thuế theo đúng ngạch thuế; nếu quan trông coi hay người chủ tự ý tăng thuế, thì phải trả lại số thuế tăng cho dân”.

Ngoài ra, các quan được cấp một khoản “Dưỡng liêm” để khuyến khích họ tránh xa những hành vi tiêu cực. Vua Lê Thánh Tông đặt họ luôn đứng trước nguy cơ bị bãi chức nếu tài năng và đức độ không đáp ứng.

Cụ thể, vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ về các kỳ khảo khóa: “Phép khảo khóa cốt để phân biệt người hay, kẻ dở, nâng cao hiệu quả trị nước. Đời Đường, Ngu ba năm một kỳ xét công để thăng hạng. Nhà Thanh Chu, ba năm một lần xét việc để định thưởng phạt. Nay nha môn trong ngoài các ngươi, người nào nhậm chức đủ ba năm, phải báo ngay lên quan trên không được để chậm. Nếu quá một trăm ngày mà không kê danh sách gửi thì tính số người chậm, mỗi người chậm thì phạt một quan tiền, kẻ nào theo tình riêng mà dung túng đều phải trị tội cả”.

Cũng có lần Vua ra chỉ dụ: “Giảm bớt số quan châu, huyện thuộc hai phủ Bắc Bình, Thông Hóa mỗi phủ, châu, huyện một viên.”

>> Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”

Chính sách phải hợp lòng dân

quan thanh tra, Khlestakov
Các nhân vật trong vở kịch “Quan thanh tra” của V.Gogol. (Tranh minh họa qua: http://kristof-blog.ru)

Trong khi đó, Chính quyền đương đại có khá nhều khác biệt. Dường như đã thành thông lệ, hễ gặp điểm nghẽn về ngân sách, Chính phủ lại tìm đến dân; thiếu nguồn dự trữ Chính phủ cũng lại huy động vàng, đô la trong dân.

Song với tình trạng tạo phí, tăng thuế vô lý, bất tận như hiện nay, TS. Vũ Đình Ánh đã ví von: “Thu thuế như vặt lông vịt, vặt làm sao cho sạch nhưng đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên”, thì không sức dân nào chịu nổi.

Xưa nay các Vương triều thịnh thế, triều đại này nối tiếp triều đại kia thì đều luôn lấy dân làm gốc, mọi chính sách đều xuất phát từ lo lắng cho an nguy của dân chúng mà được tạo ra. Nếu Chính phủ liêm minh thì lòng dân mới thuận hòa. Do đó, một khi để dân phải lên tiếng chỉ là chứng tỏ rằng Chính phủ đang không hợp lòng dân, đang rẽ lối lệch đường?

Vũ Phong

Xem thêm: