Bộ Công Thương vừa thông báo phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày từ 0h ngày 1/4.

cach ly toan
Việt Nam sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày từ 0h ngày 1/4 để ngừa dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan. (Ảnh minh họa: J.N)

Cụ thể, về việc vận chuyển hàng hóa, Bộ Công Thương cho biết trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động, các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, Công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng.

Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho địa bàn cách ly.

Trường hợp giới nghiêm chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động, Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn.

Về các điểm bán hàng, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh.

Điểm bán hàng bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…).

Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết 63 tỉnh, thành đều đã có “kế hoạch tác chiến”, kịch bản ứng phó dịch bệnh theo 5 cấp độ. Trong đó, cơ quan này đã tính đến tình huống cung ứng hàng hoá khi cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh.

Trước đó, theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Quốc phòng, kịch bản 5 cấp độ dịch gồm: cấp độ 1: có trường hợp bệnh xâm nhập; cấp độ 2: dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong nước; cấp độ 3: dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong nước; cấp độ 4: dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ trên 1.000 – 3.000 trường hợp mắc; cấp độ 5: dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng từ trên 3.000 – 30.000 trường hợp mắc.

Ngày 21/3, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố.

Kịch bản 1, có 1 khu vực cách ly thuộc địa bàn 1 quận, huyện với số người trong khu vực cách ly 200 người và 2.350 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường.

Kịch bản 2, có nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn 1 quận, huyện, giả định có 5 khu vực cách ly với số người trong khu vực cách ly 1.000 người và 12.750 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày. Hoạt động mua sắm vẫn diễn ra bình thường.

Kịch bản 3, trên địa bàn có từ 20 ca nhiễm bệnh trở lên và nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Giả định có 10 khu cách ly với tổng số người trong khu vực cách ly 2.000 người và 127.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày.

Tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn đáp ứng đủ song vẫn có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ tại môt thời gian ngắn nhất định do số lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm. Hàng hóa phải điều tiết mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong thành phố.

Kịch bản 4, trên địa bàn có hơn 1.000 người nhiễm và 30 quận, huyện đều có khu cách ly. Giả định mỗi quận, huyện có từ 1-5 khu vực bị cách ly với số người trong khu cách ly lên đến 30 nghìn người và 382,5 nghìn người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, kho dự trữ hàng hóa trong thành phố đã cạn hàng cần phải huy động hàng hóa từ các tỉnh, thành lân cận.

Tuần cuối tháng 3, Sở Công Thương TP.HCM cho biết phương án cung ứng hàng hóa cho người dân trong 3 tình huống.

Tình huống 1: số ca nhiễm mới dưới 100. Sở Công Thương TP.HCM nhận định người dân sẽ thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% so với ngày thường.

Tình huống 2: số ca nhiễm mới dưới 300. dự báo người dân TP.HCM có thể hoang mang, tăng cường thu gom tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phòng chống dịch, nhu cầu tăng đột biến dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, sốt hàng cục bộ.

Lúc này, Sở huy động nguồn lực toàn xã hội, trình UBND TP.HCM quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp tại TP dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50-100% so với ngày thường.

Kịch bản xấu nhất: dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Theo báo cáo của Sở Công Thương, khi đó, người dân tiếp tục hoang mang, nhu cầu tăng mạnh, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, sốt hàng tại nhiều nơi. Người dân sẽ hạn chế đến nơi đông người, thói quen mua sắm thay đổi sang hình thức thương mại điện tử.

Đối với tình huống trên, Sở căn cứ quy định pháp luật, tình hình diễn biến dịch bệnh trình UBND TP.HCM quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch bệnh.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết trong giai đoạn ứng phó phòng chống dịch, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35-50% nhu cầu thị trường, tăng so với mức 25-30% ngày thường.

Nguyễn Quân