Sau gần 3.000 người phải chấm dứt hợp đồng, thêm khoảng 6.000 công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP.HCM) phải ngưng việc từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/7/2020 do không còn việc làm.

pouyuenpvietnam
Công nhân tại Công ty PouYuen Vietnam. (Ảnh: FB)

Theo thông báo của công ty PouYuen, tình trạng không còn việc làm do đơn hàng giảm mạnh từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Từ tháng 4, công nhân đã được sắp xếp nghỉ luân phiên chờ việc song, tình hình đơn hàng đến hết năm 2020 vẫn chưa khả quan.

Dự tính thời gian tới sẽ còn tiếp tục khó khăn, nên công ty cho người lao động tạm ngừng việc, nhận mức lương tối thiểu vùng. Công nhân sẽ quay lại làm khi có việc làm trở lại, công ty cũng không phải tuyển dụng lao động.

Trong thời gian nghỉ chờ việc, công nhân được nhận mức lương tối thiểu vùng 4,42 triệu đồng/người/tháng.

Hôm 20/6, công ty này đã phải ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 2.786 công nhân kể từ ngày 5/8, gồm: 2.321 lao động nữ (83%) và 465 lao động nam (17%). Trong 2.786 lao động phải nghỉ việc, có 2.347 công nhân tại các tỉnh, chiếm 84,24%.

Những người bị mất việc được công ty PouYuen trả thêm 1 tháng lương/năm làm việc, kể cả thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 đến nay, ngoài những khoản trợ cấp thôi việc theo quy định.

Mặc dù ngày 5/8 mới chấm dứt hợp đồng, gần 3.000 công nhân được thông báo sẽ nghỉ việc ngay từ ngày 20/6. Công ty trả đủ lương (mức lương theo hợp đồng) vào các ngày thanh toán lương hàng tháng.

Trước khi cắt giảm, công ty PouYuen Việt Nam (100% vốn Đài Loan) có quy mô hơn 62.000 người lao động, chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu. Đây được coi là tập đoàn da giày có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam.

Các đợt cắt giảm nhân sự qua thông báo công khai được ví như “phần nổi của tảng băng”, song con số đã lên tới hàng chục nghìn người. Ngoài gần 9.000 công nhân tại công ty PouYuen Việt Nam bị ảnh hưởng, cuối tháng 5, Công ty TNHH Giày da Huê Phong đã cho hơn 2.200 công nhân (chiếm khoảng 50% lao động) nghỉ việc do không có đơn hàng xuất khẩu; Công ty gỗ Woodworth Wooden (TP.HCM) dự kiến cắt giảm hơn 2.000 lao động do lượng đơn hàng giảm 50%, dự kiến sẽ còn giảm nhiều hơn vào cuối năm…

Dù hoạt động kinh tế tại Việt Nam đã trở lại bình thường từ trong tháng 4, đầu tháng 5, số lao động mất việc, nghỉ việc luân phiên, giảm thu nhập vẫn liên tục tăng.

Theo công bố của Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam vào cuối tháng 6/2020, 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch. Trong đó, 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc (chiếm 25%); 17,6 triệu người bị giảm thu nhập (chiếm 57,3%).

Trong khoảng 1,4 triệu người mất việc trong 6 tháng đầu năm, gần 900.000 người mất việc do các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất…

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH ngày 2/7 lý giải nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh vẫn ngày càng nghiêm trọng trên thế giới khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Tuy nhiên, từ một góc độ khác, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng do Chính phủ ra quyết định thực hiện từ cuối tháng 4, tới ngày 29/6, mới chỉ giải ngân được gần 30%, chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay.

Sơn Nguyên