Một số CEO (giám đốc điều hành) đã giảm tiền lương của họ xuống chỉ còn 1 USD/năm. Nếu thoạt nghe, chúng ta dễ lầm tưởng rằng đó là sự hy sinh đến từ những người đứng đầu công ty, tuy nhiên mọi chuyện hoàn toàn không phải như vậy.

CEO của Mỹ chỉ nhận lương 1 USD
(Ảnh: Wiki)

Một xu hướng lạ lùng đã xuất hiện trong vài thập kỷ qua, đó là tình trạng một số các CEO có danh tiếng chấp nhận mức lương 1 USD/năm (93 cents sau thuế) ngày một gia tăng.

Chúng ta dễ thấy điều này ở các CEO tại Thung lũng Silicon, bao gồm Mark Zuckerberg (Facebook), Evan Spiegel (Snapchat), Jack Dorsey (Twitter), và Larry Page, CEO vừa rời khỏi tập đoàn Alphabet (trao lại cho ông Sundar Pichai).

CEO của Mỹ chỉ nhận lương 1 USD
Các CEO tại Thung lũng Silicon từng nhận lương 1 USD (Ảnh: internet)

Trên thực tế, việc giảm lương mang tính tượng trưng này được các CEO sử dụng nhằm thể hiện sự chung tay đồng lòng về mặt lợi ích cùng với các cổ đông để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nó được ngợi ca như một hành động vị tha, một sự hy sinh mà các nhân viên khác nên học theo.

Sự thật là, việc chấp nhận mức lương 1 USD của các CEO thường không phải là hành động cao đẹp như mọi người vẫn tưởng tượng.

Để tìm hiểu bí ẩn đằng sau câu chuyện này, chúng ta hãy cùng quay trở lại thời điểm mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kiếm phần lớn thu nhập của mình từ lương cơ bản, qua đó thấy được bản chất thật sự của việc cắt giảm lương.

Nguồn gốc của mức lương 1 USD mà các CEO nhận

Đầu những năm 1940, thời điểm diễn ra Thế chiến II, nước Mỹ lúc ấy đang trải qua thời kỳ kinh tế vô cùng khó khăn. Tất cả mọi người, trong đó có những nhà lãnh đạo kinh doanh hàng đầu của quốc gia đều được kỳ vọng sẽ mang lại sự thay đổi tích cực.

Một số nhà lãnh đạo kiệt xuất, như Philip Reed (CEO của tập đoàn GE) và William S. Knudsen (Chủ tịch General Motors), đã cung cấp dịch vụ miễn phí cho chính phủ. Tuy nhiên, quy định pháp luật cấm Washington thuê các tình nguyện viên mà không trả lương, vậy nên những người này đã được đề nghị trả mức lương là 1 USD. Kể từ đó, họ được biết đến như “những người đàn ông 1 USD/ năm.”

Nhiều thập kỷ sau, ý tưởng trên đã được áp dụng bởi một nhóm các CEO mới trong khu vực kinh tế tư nhân. Đây không phải là sự hy sinh trong thời chiến, mà là một động thái hướng đến các cổ đông.

Người dẫn đầu xu hướng này là Lee Iacocca, CEO của Công ty Chrysler.

Năm 1979, Chrysler, một trong những công ty  ô tô nằm trong “Big 3” (nhóm 3 công ty mạnh nhất nước Mỹ về lĩnh vực này), đã rơi vào tình cảnh vô cùng tồi tệ. Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu mỏ, Chrysler đã phải vật lộn trong việc huy động nguồn vốn nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên trường quốc tế và giải quyết vấn đề thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, trong đó khách hàng có xu hướng ưa chuộng những chiếc xe với kích cỡ nhỏ hơn.

Trước tình hình này, Iacocca đã quyết định nhờ đến sự giúp đỡ từ phía chính phủ. Để thể hiện quyết tâm xoay chuyển tình thế của mình, vị CEO này đã cắt giảm lương xuống còn 1 USD.

Khi Chrysler vay có bảo đảm 1,5 tỷ USD từ chính phủ và cuối cùng hoạt động ổn định trở lại, Iacocca đã được ca tụng và xem như  một “tấm gương tiêu biểu” cho “tinh thần hy sinh”. Từ đó trở đi, mức lương 1 USD đã trở thành một hình thức quảng bá mà giới CEO thường dùng nhằm thể hiện sự sẵn lòng cắt giảm lương trong thời điểm công ty gặp khó khăn.

>> Bí quyết thành công của Starbucks và CEO Howard Schultz

Trong sự cố “dot-com” (bong bóng thị trường cổ phiếu) xảy ra vào đầu những năm 2000, một số CEO công nghệ đã tham gia vào “câu lạc bộ 1 USD.”

Steve Jobs được nhiều người biết đến khi cắt giảm lương của mình xuống 1 USD ngay sau khi tái gia nhập Apple và giữ mức lương này trong hơn một thập kỷ. James Barksdale (Netscape), John Chambers (Cisco), Tom Siebel (Siebel Systems) và Larry Ellison (Oracle) sau đó đã nhanh chóng học theo phương thức này.

Đến năm 2006, việc các CEO công nghệ nhận mức lương 1 USD đã trở thành một xu thế. Theo Tờ Los Angeles Times, đây là “một biểu tượng mới.”

Ngày nay, một số các CEO giàu có nhất tại Mỹ cũng tiếp bước truyền thống trên. Tuy nhiên, “sự hy sinh” của các CEO này hoàn toàn khác xa với những người trong thập niên 1940. Các CEO khi xưa kiếm được ít tiền hơn nhiều (đã điều chỉnh theo lạm phát) và phần lớn trong đó là dưới dạng tiền lương.

Ngược lại, tiền lương chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số tiền thu nhập dành cho các CEO ngày nay; tiền của họ nằm dưới dạng các khoản thưởng (không phải tiền mặt) như cổ phiếu và cổ phần. Chẳng hạn, năm 2018, Jeff Bezos đã tự trả cho mình mức lương 81.840 USD, nhưng giá trị cổ phần của ông tại Amazon đã tăng thêm 24 tỷ USD, khiến Bezos trở thành người đàn ông duy nhất trên Trái đất có giá trị tài sản ròng (net worth) lên tới 12 chữ số.

>> Người giàu nhất thế giới – tỷ phú Jeff Bezos của Amazon đã khởi nghiệp như thế nào?

Việc “hưởng” mức lương 1 USD thường được ca ngợi là một hành động nhân ái, tuy nhiên, những hình thức bồi thường thay thế cho nó thường mang lại cho cá nhân rất nhiều lợi ích.

Đằng sau mức lương khiêm tốn

Trước hết, nghiên cứu cho thấy rằng nhiều CEO có mức lương 1 USD sẽ được thưởng bằng cổ phiếu, cổ phần hoặc các khoản khác tương xứng, thậm chí lớn hơn nhiều so với khoản tiền mặt mà họ hy sinh.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 đối với 50 CEO cho thấy các CEO 1 USD đã từ bỏ mức lương 610.000 USD nhưng bù lại kiếm được 2 triệu USD từ khoản bồi thường dựa trên vốn cổ phần. Điều này không phải ai cũng biết.

“Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy mức lương 1 USD thực chất là một chiêu trò nhằm che giấu lợi ích của các CEO nhận mức lương này,” nhà nghiên cứu cho hay. “Ngoài các hành vi thể hiện sự hy sinh mà họ định làm, chúng tôi còn phát hiện thấy việc áp dụng mức lương 1 USD là hành vi cơ hội của những CEO giàu có, tự tin và có tầm ảnh hưởng.”

Một nghiên cứu tương tự đánh giá các CEO nhận và không nhận mức lương 1 USD cho thấy tuy các CEO 1 USD kiếm được ít hơn khoảng 1,6 triệu USD về tiền mặt so với những người đồng nghiệp, nhưng rốt cuộc họ lại kiếm được nhiều hơn 3,5 triệu USD bằng các hình thức bồi thường thay thế.

Ví dụ, Steve Jobs, người đã nhận mức lương 1 USD/năm từ năm 1997 đến 2011, tức là 15 USD tiền mặt. Trong cùng thời gian đó, giá trị cổ phiếu của ông đã tăng từ 17,5 triệu USD lên 2,2 tỷ USD và Apple đã thưởng cho ông một chiếc máy bay riêng trị giá 90 triệu USD. Chỉ riêng trong năm 2007, ông đã thu về 647 triệu USD từ cổ phiếu hạn chế, theo hồ sơ của SEC (Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ).

>> Tại sao các CEO vĩ đại không bao giờ có người kế vị vĩ đại?

Một số ví dụ khác:

  • Năm 2011, Larry Ellison đã tự trả cho mình mức lương 1 USD nhưng đã kiếm được hơn 77 triệu USD bằng các hình thức bồi thường khác.
  • Năm 2018, CEO Steve Kean của tập đoàn Kinder Morgan, nhận mức lương 1 USD nhưng được trao tặng cổ phiếu trị giá 16 triệu USD.
  • Năm 2018, CEO Richard Fairbank của tập đoàn tài chính Capital One đã nhận 0 USD tiền lương nhưng có cổ phiếu trị giá khoảng 13 triệu USD và khoản tiền thưởng trị giá 4,2 triệu USD.

Ở đây, chúng ta không đề cập đến các CEO tại những công ty khởi nghiệp nhỏ. Những CEO có thể nhận mức lương 1 USD thường thuộc giới siêu giàu. Cụ thể, 30% trong số này nằm trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ (theo tạp chí Forbes), và phần lớn những vị CEO này đều nắm giữ vốn cổ phần rất lớn trong công ty của mình, khác với các CEO không nhận mức lương 1 USD.

Tinh thần “hào phóng” của các CEO này cũng thường đi xuống khá nhanh khi họ chỉ giữ mức lương 1 USD trong khoảng 3 năm. Ví dụ, Meg Whitman đã nhận mức lương 1 USD khi giữ chức CEO của HP vào năm 2011, nhưng đến năm 2013, mức lương của cô đã trở lại 1,5 triệu USD.

Còn đối với CEO Lee Iacocca đã đề cập ở đầu bài viết, trong năm 1983, ông là CEO được trả lương cao nhất tại Mỹ với mức 20,5 triệu USD (53 triệu USD sau khi điều chỉnh dựa trên lạm phát).

Một trong những lợi ích thường dễ thấy nhất của việc áp dụng mức lương 1 USD là nó phù hợp với mục tiêu của CEO và công ty của mình, giúp việc lãnh đạo trở nên tốt hơn, qua đó khiến công ty hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Trên thực tế, các công ty được điều hành bởi những CEO 1 USD có tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) và thu nhập thấp hơn 1% mỗi tháng so với các công ty được điều hành bởi các CEO quan tâm đến tỷ lệ trên thị trường. Việc cắt giảm lương không có nhiều ảnh hưởng đến sự cải thiện khả năng lãnh đạo.

Tất nhiên, các CEO có động cơ khác nhau khi nhận mức lương 1 USD. Nhưng xem ra lợi ích cá nhân cũng đóng một vai trò nhất định trong một số trường hợp.

Một nhà phân tích trong ngành công nghiệp cho biết trên tờ Atlanta Constitution (Mỹ) vào năm 2007 rằng: “Họ mong chờ những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai. Họ sẵn lòng đánh đổi thu nhập ngắn hạn để nhận được một khoản thu nhập dài hạn.”

1 USD của nhóm 1%?

Một lý do khác để nhận mức lương 1 USD, theo quan điểm một nhà nghiên cứu, đó là hành động này được xem như một chiến lược quảng cáo tài tình đến công chúng, đồng thời cũng là một nghệ thuật đánh lạc hướng.

Trong thời gian gần đây, việc nhận một mức lương thấp hơn đã trở thành cách thức “ngụy trang” trước tình trạng chênh lệch giàu nghèo.

Kể từ năm 1978, lương CEO đã tăng lên 940%. Trong cùng khoảng thời gian đó, lương của đại đa số chúng ta chỉ tăng lên 11,9%. Một CEO ở Mỹ hiện có mức lương cao gấp khoảng 278 lần so với công nhân bình thường.

Phần lớn sự giàu có của các CEO “đặt hiệu quả lên trên hết” này đến từ cổ phiếu và cổ phần. Đây là những khoản bị đánh thuế thấp hơn thu nhập cá nhân phát sinh từ tiền lương.

Tệ hơn nữa, nhờ một đạo luật được Quốc hội thông qua vào năm 1993, tiền lương dựa trên hiệu suất lao động có thể được khấu trừ từ thu nhập chịu thuế của công ty. Khi các CEO chỉ nhận một mức lương thấp và chuyển phần lớn số tiền bồi thường của họ thành hình thức cổ phần, những người nộp thuế này đang tối ưu hóa thu nhập của mình một cách hiệu quả.

Vì vậy, lần tới nếu có ai đó nói với bạn rằng “1 USD không làm nên trò trống gì trong thời buổi này đâu”, thì chắc hẳn người đó nên làm một CEO.

>> Buổi điều trần của CEO Google: Một cơ hội lớn bị bỏ lỡ

Theo Zachary Crockett/The Hustle,
Phan Anh dịch