Phát biểu tại Phiên họp Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lần thứ 44, Cuba đại diện cho 52 nước đã ký đơn ủng hộ, tuyên bố hoan nghênh việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông và thúc giục các nước khác không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước thành viên.

carrie lam youtube
Bà Carrie Lam đọc thông điệp gửi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trong phiên họp 44 (youtube)

Đại sứ Cuba đã đọc tuyên bố chung do 52 nước ngoài Trung Quốc ký tên tại hội đồng.

“Việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền là nguyên tắc cơ bản được ấn định trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc như một chuẩn mực cốt lõi trong quan hệ quốc tế”, đại diện của Cuba đọc.

“Tại bất kỳ một quốc gia nào, quyền lực lập pháp về vấn đề an ninh quốc gia nằm trong tay Nhà Nước, mà về bản chất không phải là một vấn đề nhân quyền, và vì thế không phải là chủ đề để thảo luận tại Hội Đồng Nhân Quyền”.

“Chúng tôi tin rằng nước nào cũng có quyền bảo vệ an ninh quốc gia của mình thông qua lập pháp và đánh giá cao các bước đi liên quan mà một nhà nước tiến hành vì mục đích này.

“Trong bối cảnh này, chúng tôi hoan nghênh quyết định của cơ quan lập pháp Trung Quốc là thiết lập và cải thiện khung pháp lý và các cơ chế thiết pháp đối với Đặc Khu hành chính Hồng Kông vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, cũng như việc Trung Quốc tái khẳng định cam kết tuân thủ đúng nguyên tắc “Một quốc gia, Hai chế độ”.

“Chúng tôi tin chắc rằng hành động này của Trung Quốc là nhằm đảm bảo ‘một quốc gia, hai chế độ’ được xây dựng ổn định và bền vững hơn, mà rằng người Hồng Kông sẽ được hưởng ổn định và thịnh vượng dài lâu. Các quyền và nền tự do hợp pháp của người Hồng Kông cũng có thể được thực thi tốt hơn trong một môi trường an toàn”, tuyên bố viết.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng Hồng Kông là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, rằng vấn đề của Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào từ các thế lực nước ngoài. Chúng tôi thúc đẩy các bên liên quan ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc thông qua vấn đề tại Hồng Kông”.

Danh sách 52 nước ký tên ủng hộ, không tính Trung Quốc:

“Antigua và Barbuda, Bahrain, Belarus, Burundi, Campuchia, Cameroon, Cộng Hòa Trung Phi, Comoros, Congo-Brazzaville, Cuba, Djibouti, Dominica, Ai Cập, Eritrea, Guinea Xích Đạo, Gabon, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Iran, Iraq, Kuwait, Lào, Lebanon, Lesotho, Mauritania, Morocco, Mozambique, Myanmar, Nepal, Nicaragua, Niger, Bắc Hàn, Oman, Pakistan, Palestine, Papua New Guinea, Ả Rập Saudi,  Sierra Leone, Somalia, Nam Sudan, Sri Lanka, Sudan, Suriname, Syria, Tajikistan, Togo, UAE, Venezuela, Yemen, Zambia, và Zimbabwe.”

Việt Nam không có tên trong danh sách này. Hôm 2/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam tôn trọng chính sách một Trung Quốc và không can thiệp vào chuyện nội bộ của Hồng Kông.

lê thị thu hằng
Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Việt Nam tôn trọng và ủng hộ chính sách một quốc gia hai chế độ của Trung Quốc, luật cơ bản Hồng Kông và các quy chế liên quan của Hồng Kông”, Bà Hằng nói.

Các vấn đề liên quan đến Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc. Việt Nam mong muốn tình hình Hồng Kông được ổn định và phát triển thịnh vượng, là một trung tâm tài chính, kinh tế quan trọng của thế giới”, người phát ngôn Việt Nam nói thêm.

Tuyên bố trên của 52 nước được xem là động thái đáp trả việc 27 quốc gia trước đó ký tuyên bố chung gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Trung Quốc phải xem xét lại luật anh quốc gia Hồng Kông.

Hôm 30/6, đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Julian Braithwaite đã thay mặt 27 các quốc gia cùng ký tên đọc tuyên bố chung này, trong đó các nước bày tỏ “quan ngại sâu sắc và ngày càng gia tăng” về luật an ninh quốc gia mới mà chế độ Trung Quốc mới thông qua.

Việc áp đặt luật an ninh mới này mà không có sự tham gia trực tiếp của người dân, cơ quan lập pháp hoặc tư pháp Hồng Kông “làm xói mòn” nguyên tắc “Một quốc gia, Hai chế độ” đang bảo vệ quyền trị cao độ, các quyền và tự do của Hồng Kông, tuyên bố chung nói.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông hãy xem xét lại việc áp đặt luật này và hãy khuyến khích người dân, các thể chế và nền tư pháp Hồng Kông tham gia vào ngăn chặn việc làm xói mòn hơn nữa các quyền và tự do mà người dân Hồng Kông đã được thụ hưởng trong nhiều năm qua”.

Danh sách Các nước phản đối luật an ninh quốc gia Hồng Kông:

“Úc, Áo, Bỉ, Belize, Canada, Đan mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Iceland, Ireland, Đức, Nhật Bản, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Quần đảo Marshall, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Palau, Slovakia, Slovenia, Thụy Điển, Thụy Sĩ, và Anh Quốc.”

Mỹ cũng lên tiếng phản đối luật an ninh Hồng Kông, tuy nhiên Mỹ không có tên trong danh sách 27 quốc gia này do đã rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc từ trước.

Trong buổi lễ kỷ niệm 23 năm ngày Hồng Kông trở về Trung Quốc và trở thành đặc khu hành chính, Trưởng Đặc khu Carrie Lam nói rằng luật an ninh quốc gia là một bước ngoặt cho Hồng Kông để chấm dứt hỗn loạn và đem hòa bình, ổn định trở lại. Bà khẳng định luật này không phải là “ngày tận thế” cho Hồng Kông như bị thổi phồng trên truyền thông phương Tây và thời gian sẽ chứng minh phần lớn người dân thành phố sẽ không gặp rắc rối với luật này.

Trần Minh

Xem thêm: