y ta cau nguyen
Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Jackson tại Miami quỳ trong khi cầu nguyện trên mái bệnh viện

Trong bối cảnh nhiều bệnh viện tại Mỹ đang trở nên quá tải với bệnh nhân nhiễm COVID-19, các nhân viên y tế ở trên tuyến đầu đối mặt với đại dịch là những người phải chịu áp lực căng thẳng nhất. Dùng sự lan tỏa của truyền thông xã hội, rất nhiều nhân viên y tế tại Mỹ cho thế giới thấy họ làm gì trong những thời gian rảnh rỗi hiếm hoi: Cầu nguyện. 

“Khi bạn có thêm vài phút tại nơi làm việc, bạn đi lên mái nhà và cầu nguyện”, Angela Gleaves, y tá tại Cơ quan y tế Vanderbilt, bang Tennessee viết trên Facebook và chia sẻ một số bức ảnh của cô cùng đồng nghiệp cầu nguyện trên mái bệnh viện.

Chúng tôi đang cầu nguyện cho các đồng nghiệp trong đơn vị của mình, cũng như cho nhân viên toàn bệnh viện. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho các bệnh nhân và gia đình của họ trong thời gian thử thách này. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho các đồng nghiệp toàn thế giới, những người đang chăm lo cho bệnh nhân. Tôi cảm thấy thật tốt khi làm việc này cùng với các đồng nghiệp tuyệt vời của tôi. Chúng tôi có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa ở trong gió, và biết rằng tất cả các bạn đều được chở che trong lời cầu nguyện”, Gleaves viết.

Bệnh viện Y tế Jackson tại Miami cũng chia sẻ một bức ảnh chụp 8 nhân viên y tế quỳ  trên mái bệnh viện để cầu nguyện. “Đây là cách chúng tôi bắt đầu buổi sáng hôm nay. Đội của tôi đọc chung lời cầu nguyện, cầu xin sự chỉ dẫn và bảo vệ của Chúa khi chúng tôi làm việc, và xin Ngài che chở cho gia đình chúng tôi”, Danny Rodriguez, làm việc tại Trung tâm Y tế Nam Jackson nói.

Tại Georgia, video quay một nhóm y, bác sĩ đứng trên mái nhà của bệnh viện Cartersville, bàn tay hướng lên trời cầu nguyện đã truyền cảm hứng và lan tỏa khắp mạng xã hội Twitter.

Ngày 15/3, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, Tổng thống Mỹ Donald tuyên bố đây là ngày Quốc gia Cầu nguyện cho người Mỹ bị ảnh hưởng bởi Đại dịch corona và cho đội ngũ y tế của nước Mỹ. Ông viết:

Trong những giờ phút nguy khốn nhất, người Mỹ vẫn luôn luôn cúi đầu cầu nguyện để xin chỉ dẫn giúp chúng ta vượt qua những thách thức khó khăn và những giai đoạn đầy bất ổn. Nay khi chúng ta tiếp tục phải đối mặt với những thách thức chưa từng có đặt ra bởi đại dịch virus corona, hàng triệu người Mỹ không thể tập hợp cùng nhau về nhà thờ, đạo viện, giáo đường Do Thái hay nhà thờ Hồi giáo và các tu viện thờ phượng khác. Nhưng trong thời kỳ này, chúng ta không được ngừng xin Chúa ban cho trí tuệ, sự vỗ về an ủi và sức mạnh. Chúng ta đặc biệt phải cầu nguyện cho những người phải chịu khổ đau và những ai đã mất đi người thân. Tôi mong các bạn tham gia cùng với tôi trong một ngày cầu nguyện cho tất cả những ai đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona. Chúng ta sẽ cầu xin Chúa đặt bàn tay chữa lành của Ngài lên người dân của đất nước chúng ta.”

Trên khắp thế giới, đội ngũ y, bác sĩ đang được tôn vinh như những anh hùng đứng giữa lằn ranh giữa virus và người dân, và những lời cầu nguyện trong những giờ phút nghỉ ngơi ngắn ngủi giúp họ bình tâm và có thêm sức mạnh thực hiện nhiệm vụ của mình.

Các nhân viên y tế cũng chia sẻ về những giờ phút khó khăn nhất trong công việc của họ khi chiến đấu với dịch bệnh để nâng cao nhận thức của người dân về nguy hiểm trong đại dịch, trong đó việc đăng các bức ảnh chụp khuôn mặt mệt mỏi và bị hằn lên do đeo khẩu trang và kính bảo vệ mắt trong thời gian dài.

 

View this post on Instagram

 

A post shared by Alessia Bonari (@alessiabonari_) on

Một số người cũng chia sẻ cảm xúc của mình về công việc.

“Tôi sợ đi làm”, Alessi Bonari, một y tá từ Tuscany, Ý, viết lên Instagram. “Tôi sợ bởi vì khẩu trang có thể không bám chặt vào mặt, hoặc tôi có thể vô tình chạm tay vào mặt khi đang đeo găng tay bẩn, hoặc có thể kính bảo vệ không hoàn toàn che được đôi mắt và có cái gì đó có thể lọt qua”. 

Một y tá khác chia sẻ trải nghiệm tương tự: “Hôm nay tôi đã gục xuống và khóc. Tôi khóc vì kiệt sức và cảm thấy thất bại. Bởi vì sau 4 năm làm y tá phòng cấp cứu, đột nhiên tôi thấy mình chẳng biết gì cả”, Sydny Lane viết trong một bài chia sẻ được lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội.

Đức Trí (theo CBS News)