Ngày 18/6 vừa qua, một trang tin của Úc đã đăng tải lại bản đồ bệnh viện cấy ghép nội tạng và bản đồ các trại giam giữ tù nhân  tập trung tại Trung Quốc, phần nào tiết lộ bí mật về những “Trang trại người” (Human Farms) tại Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới này hiện có khoảng hơn 1 triệu người bị bắt và giam giữ, họ có thể bị thu hoạch nội tạng bất cứ lúc nào. Bản tin dẫn lại tuyên án của Toà án quốc tế, xác định chính quyền Trung Quốc đang cưỡng chế thu hoạch nội tạng của hàng triệu tù nhân, đồng thời mở một thị trường đen y tế trị giá 1 tỷ USD mỗi năm.

Nhiều năm qua, các tổ chức nhân quyền vẫn luôn kêu gọi công chúng chú ý tới khoảng 1,5 triệu tù nhân đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ, nhiều người trong số họ trở thành một phần trong “Hệ thống trang trại người” (Human Farming system) của chính quyền ĐCSTQ.

Trong bối cảnh các cáo buộc về tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc ngày càng thu thập được nhiều chứng cứ, thì nhu cầu về một tòa án để đánh giá các cáo buộc này là rất quan trọng. Một tòa án quốc tế như vậy đã không thể được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức, do Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên có quyền phủ quyết (veto right) trong Hội đồng Bảo an. Do các vấn đề về ngoại giao và lợi ích kinh tế, việc xét xử chính quyền Trung Quốc tại một quốc gia khác cũng trở nên không còn thích hợp.

“Toà án Quốc tế Độc lập” (China Tribunal) được thành lập tại Thủ đô London của Anh đã giải quyết nhu cầu đó. Toà án được thành lập bởi các chuyên gia đến từ Anh, Mỹ, Malaysia và Iran, trong đó có chuyên gia nhân quyền, bác sĩ và y tá về phẫu thuật cấy ghép, và các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Toà án độc lập đã lắng nghe điều trần của 50 nhân chứng, đồng thời cũng có được nhiều bằng chứng là video và văn bản đã thu thập thẩm tra trong một năm qua.

Chủ tọa của tòa án độc lập là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân khác nhau. Đáng chú ý, ông đã đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.

Tòa án độc lập: TQ thu hoạch nội tạng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng
Ngài Geoffrey Nice. (Phải)

Tòa cũng đặc biệt quan tâm tới hai nhóm người bị giam giữ và trở thành nguồn cung chính cho nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ là những người tập Pháp Luân Công và những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Hôm 17/6, tòa tuyên bố phán quyết cuối cùng, một lần nữa khẳng định nạn thu hoạch tạng do ĐCSTQ hậu thuẫn đang diễn ra trên quy mô lớn, đồng thời cho biết chính quyền ĐCSTQ đã phạm Tội ác chống lại loài người.

Đáng chú ý, trong số các chứng cứ trực quan tại tòa, bản đồ về các bệnh viện có dịch vụ cấy ghép tạng cùng bản đồ các trung tâm giam giữ người đã cho thấy mối liên hệ mật thiết của chúng, theo trang tin Úc.

Bản đồ tiết lộ "Trang trại người" để thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc
Bản đồ các trại tập trung (đã xác định) tại Trung Quốc phân theo cấp độ.
Bản đồ tiết lộ "Trang trại người" để thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc
Bản đồ nơi tập trung các bệnh viện ghép tạng tại Trung Quốc.

Phán quyết của toà án chỉ rõ: số lượng các ca phẫu thuật cấy ghép đã thực hiện, thời gian đợi nhận tạng của người cần ghép, cho đến việc mở rộng bệnh viện một cách bất thường đều cho thấy ngành cấy ghép tạng của Trung Quốc vượt xa phạm vi nghi ngờ. Tòa khẳng định “thu hoạch tạng trên quy mô lớn đã xảy ra nhiều năm ở Trung Quốc”.

Chủ tọa Geoffrey Nice nhận định, “Thu hoạch nội tạng là sự tàn ác chưa từng có, là thủ đoạn giết hại sinh mệnh, còn vượt quá cả những tội ác giết người hàng loạt trên quy mô lớn ở thế kỷ trước.”

Toà án cho biết, việc ĐCSTQ thu hoạch tạng rất có thể đã bắt đầu từ rất lâu trước đó, nhưng khoảng năm 2001 mới bắt đầu tiến hành trên quy mô lớn. Trong 20 năm qua, ước tính mỗi năm Trung Quốc tiến hành khoảng 60.000 ca phẫu thuật, trong đó phần lớn là tạng của những tù nhân bị giết hại.

“Ngoài những năm bị giam cầm mà không được xét xử công bằng, điều kiện sống khắc nghiệt, bị tra tấn và đe doạ đến tính mạng, người may mắn sống sót đã đưa ra bằng chứng về việc bị kiểm tra sức khoẻ, bao gồm xét nghiệm máu, chụp X-Quang, và siêu âm”, báo cáo của toà án viết. “Chuyên gia cho rằng, giải thích hợp lý và duy nhất cho việc kiểm tra sức khoẻ này là để đảm bảo nội tạng khoẻ mạnh và phù hợp để cấy ghép”.

Giá thị trường chợ đen rất cao, đơn cử một lá gan khoẻ mạnh có giá lên tới khoảng 160.000 USD.

Chính quyền ĐCSTQ vẫn luôn phủ nhận các cáo buộc liên quan đến vấn nạn thu hoạch nội tạng. Tuy nhiên hồ sơ tại toà cũng chỉ ra, lập trường ĐCSTQ trong quá khứ liên tục thay đổi.

“Năm 2001, một phát ngôn chính thức từ một quan chức ĐCSTQ tuyên bố, nguồn cung cấp tạng người chủ yếu là từ công dân Trung Quốc hiến tặng,” hồ sơ tại toà viết.  “Tuy nhiên, chỉ sau đó 4 năm, tuyên bố của chính quyền đã thay đổi và nói rằng, đa số nội tạng đến từ tử tù tự nguyện hiến tặng.”

Ngày càng nhiều nhân sĩ trong giới y học và học thuật trên thế giới chỉ ra, với quy mô giao dịch nội tạng lớn như thế, nếu chỉ dựa vào nguồn tạng do hiến tặng tự nguyện thì không thể nào chèo chống được.

Chủ tọa Geoffrey Nice cũng đồng thời lên án việc một số cộng đồng quốc tế vẫn nhắm mắt làm ngơ, để cho nhiều trường đại học và các bệnh viện tích cực hợp tác với Trung Quốc nhằm tiến hành nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực cấy ghép tạng. Nhiều năm qua, thị trường đen buôn bán nội tạng người của Trung Quốc vẫn không ngừng tăng trưởng nhanh chóng.

Huệ Anh

Xem thêm: