“Một chiến thắng mạnh mẽ tối nay. Cảm ơn tất cả”, ông Trump viết trên Twitter ngay sau khi có kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ đêm 6/11, một điều có phần bất thường nếu xét đến kết quả là Đảng Cộng hòa để mất Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Ông Trump thắng hay bại?
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6/11/2018. (Ảnh: Youtube)

Tính đến thời điểm hiện tại, đảng của ông Trump đã để mất 26 ghế Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ, mất quyền kiểm soát Hạ viện mà họ đã giữ từ năm 2010. Đảng Dân chủ nay có thể mở các cuộc điều tra thuế với ông Trump cũng như chặn các đạo luật mà ông muốn thi hành như cấp ngân sách để xây tường biên giới, luật di trú và bảo hiểm. Đây là một bước thụt lùi nghiêm trọng nếu so với cuộc bầu cử 2016, khi Đảng Cộng hòa chiếm cả lưỡng viện lẫn Nhà Trắng. Vậy tại sao ông Trump khẳng định đêm 6/11 vừa qua là một chiến thắng?

Ngay trước bầu cử, trang Wall Street Journal, một trang tin tương đối ủng hộ phe bảo thủ của ông Trump đã cảnh báo: “Nếu cuộc bầu cử giữa kỳ này đi theo con đường thông thường của lịch sử, Đảng Cộng hòa sẽ mất một hoặc cả hai viện tại Quốc hội”. Quả thực trong lịch sử bầu cử của Hoa Kỳ, hầu như Đảng của Tổng thống nắm chắc sẽ để mất một hoặc cả hai viện Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Năm 2010, Đảng Dân chủ của Barack Obama mất 63 ghế Hạ viện, 6 ghế Thượng viện, mất quyền kiểm soát cả 2 viện vào tay Đảng Cộng hòa. Năm 1994, Đảng Dân chủ của Bill Clinton mất 54 ghế Hạ viện, 9 ghế Thượng viện trong một cuộc bầu cử được gọi là “cuộc cách mạng của Đảng Cộng hòa”.

Người Mỹ có một sự phòng ngừa rất nghiêm trọng đối với nền độc tài. Họ dường như e sợ một đảng nào đó nắm giữ cả ba nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp trong thời gian quá lâu sẽ làm xói mòn quyền dân chủ của họ. Điều này đã được truyền thông chống Trump khai thác tối đa. 2 ngày trước cuộc bầu cử, tờ New York Times đăng bài viết của cây bút kỳ cựu Paul Krugman tiêu đề: “Lối thoát cuối cùng để không bước vào chế độ chuyên quyền”, trong đó tờ báo nổi tiếng chống Trump vẽ ra một viễn cảnh tương tự như tận thế nếu cử tri không bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ.

“Sự tồn vong của nền dân chủ Hoa Kỳ đang treo trên hòm phiếu”, tờ NY Times viết. Kênh CNN thì cáo buộc ông Trump “sử dụng lừa dối và đe dọa” để vận động cử tri. Ban biên tập của tờ USA Today thì ra hẳn mặt thúc giục người đọc hãy “bỏ phiếu để tống cổ những con chó cảnh của Donald Trump ra khỏi Thượng viện và Hạ viện”... Sự đe dọa của truyền thông cánh tả cộng với sự hưởng ứng của những người nổi tiếng ghét Trump cũng như cựu Tổng thống Barack Obama đã có tác dụng. Trong cuộc bầu cử này, Đảng Dân chủ quyên được nhiều tiền gấp đôi các đối thủ Cộng hòa. Tính đến ngày 2/11, đảng Dân chủ nhận được 649 triệu đôla tiền ủng hộ, so với con số 312 triệu đôla của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, tiền bạc chưa phải là tất cả, tại bang Texas, ông Beto O’Rourke quyên được hơn 40 triệu đôla, gấp ba lần ông Ted Cruz, nhưng vẫn thua cuộc với tỷ lệ 48,3% – 50,9%.

Trong vòng 105 năm qua, chỉ có 5 lần một Đảng nắm quyền tại Nhà Trắng giữ được ghế trong Thượng viện, và ông Trump nằm trong danh sách này.

Có lợi thế về lịch sử, tiền bạc và người nổi tiếng, việc Đảng Dân chủ chiếm được Hạ viện không có gì đáng ngạc nhiên cả. Cũng chẳng hề có cơn sóng xanh “cuốn trôi tất cả” như cánh tả và truyền thông mong đợi. Van Jones, biên tập viên CNN, cựu nhân viên cấp cao chính quyền Obama tỏ ra thất vọng với kết quả bầu cử: “Thật là đau lòng, thật là đáng buồn. Niềm hy vọng là kháng thể sẽ có tác dụng. Rằng cơn dịch bệnh của sự thù ghét và chia rẽ sẽ khiến người Mỹ từ cả 2 đảng phản ứng và nói không”.  So sánh Trump và Đảng Cộng hòa là virus gây bệnh dịch, vậy mà CNN có thể nói ông Trump vận động dựa trên “đe dọa và lừa đảo”?

Trước những bất lợi trên, để chặn đứng “Sóng Xanh”, ông Trump đã miệt mài tổ chức 30 buổi tập trung trên khắp nước Mỹ trong vòng 2 tháng trước bầu cử, trong khi vẫn duy trì công việc bận rộn tại Nhà Trắng. Trong khi ông Obama kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ để xác định “phẩm cách Mỹ”, thì ông Trump thẳng thắn gắn thanh danh của ông trên hòm phiếu: 

Mặc dù tên tôi không có trên hòm phiếu, nhưng theo một cách nào đó, tôi ở trên hòm phiếu”, ông Trump nói với phóng viên trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5. “Báo chí hầu hết đang coi đây là một cuộc trưng cầu dân ý đối với tôi và phong trào của chúng ta”.

Trong cuộc họp báo sau đêm bầu cử, ông Trump khẳng định rằng “đêm qua là một chiến thắng gần như hoàn toàn”.

“Những ứng viên mà tôi ủng hộ đã đạt được thành công to lớn đêm qua. Ví dụ, trong 11 ứng viên mà chúng tôi giúp tham gia vận động trong tuần qua, 9 người đã thắng cử”.

“Cuộc vận động mãnh liệt của chúng ta đã chặn đứng cơn sóng xanh mà họ nói. Tôi không biết có một thứ như thế hay không, nhưng có thể đã có nếu chúng ta không đi vận động… Chúng ta có thể chứng kiến những ứng viên mà tôi ủng hộ đạt được thành công to lớn trong đêm qua”.

Ông Trump có thể làm gì sau bầu cử?

Gia tăng thế đa số tại Thượng viện, tức là việc thông qua các vị trí thẩm phán ngành tư pháp và các quan chức chủ chốt Nhà Trắng sẽ dễ dàng hơn đối với Tổng thống Trump. Tuy vậy, với việc nắm Hạ viện, Đảng Dân Chủ có thể gây khó khăn cho các kế hoạch của Tổng thống Donald Trump. Một đạo luật mới nào đó ra đời sẽ rất khó xảy ra, bởi vì nếu nó có lợi cho Trump thì có lẽ Dân chủ không muốn, mà chống lại Tổng thống thì Thượng viện sẽ không thông qua.

Nhưng ông Trump vẫn còn một quân bài là các sắc lệnh hành pháp có thể giúp ông thực hiện ngay lập tức các nghị trình làm việc của mình, tuy không thể có tác động như một đạo luật được Quốc hội thông qua. Bởi vì Đảng Cộng hòa nắm được Tòa án Tối cao và ngành tư pháp, nếu bị ngăn chặn, ông Trump vẫn có thể thắng tại các vụ kiện tụng pháp lý.

Sau bầu cử, ông Trump cảnh báo rằng nếu “Đảng Dân chủ nghĩ họ sẽ phí thời gian tại Hạ viện vào việc điều tra tiền thuế của chúng tôi, thì tương tự tại Thượng viện, chúng tôi sẽ buộc phải xem xét điều tra họ về tất cả hành vi rò rỉ thông tin mật, và nhiều thứ khác. Hai bên có thể chơi trò chơi đó!”

2 năm tới đây, kết quả của cuộc bầu cử này sẽ nhanh chóng lộ rõ tác động. Nó “sẽ là bài thử xem chủ nghĩa dân túy của ông Trump có thể có hiệu quả như thế nào nếu không có các bạn hữu Cộng hòa của mình tại Đồi Capitol trong khi thực hiện nghị trình của ông”, tờ Wall Street Journal nhận định.

Nhưng xét riêng về cuộc bầu cử này, nói như nhiều kênh truyền thông rằng đây là một lần trưng cầu ý dân về ông Trump, thì người dân Mỹ đã lên tiếng: Họ ủng hộ ông, như ký giả Ed Rogers của tờ Washington Post, một tờ báo thường đăng bài chống Trump kết luận:

“Chủ nghĩa Trump có phải là một tai ương chính trị đối với Đảng Cộng hòa hay không? Câu trả lời là chủ nghĩa Trump là một tài sản ròng. Điều đó có nghĩa gì đối với Đảng Cộng hòa và nước Mỹ thì chưa biết. Nhưng với mục đích của cuộc bầu cử giữa kỳ 2018, Trump là người chiến thắng”.

Trọng Đạt

Xem thêm: