Trong một tháng trở lại đây, 15 nghiên cứu ghép tạng tới từ Trung Quốc đã bị hai tạp chí y học “PLOS ONE” và “Transplantation” hủy đăng vì lo ngại chúng có được thông qua việc sử dụng nội tạng từ tù nhân. Hai tạp chí khác là “Clinical Journal of the American Society of Nephrology” và “Kidney International” cũng đã ra thông báo bày tỏ mối lo ngại tương tự. Tổ chức theo dõi các nghiên cứu khoa học bị hủy đăng tại Mỹ, “Retraction Watch”, cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy một cơn lũ quét qua các tạp chí phương Tây, khiến các bài báo và nghiên cứu về ghép tạng tới từ Trung Quốc bị dỡ bỏ.

Các tạp chí y học phương Tây hủy đăng nghiên cứu ghép tạng tới từ TQ
Giáo sư Wendy Rogers thuộc đại học Macquarie, Sydney, Úc – Một trong những người khởi xướng việc tẩy chay nghiên cứu ghép tạng tại Trung Quốc.

Việc tẩy chay các nghiên cứu từ một nước nào đó vì lý do nhân quyền từng là chuẩn mực của các tạp chí phương Tây. Trong quá khứ, khi xuất hiện các cáo buộc liên quan tới việc người dân Liên Xô bị đưa vào các bệnh viện tâm thần khi họ phản đối các chính sách của chính quyền, thì các nghiên cứu của Liên Xô về vấn đề tâm thần học đã bị giới y học phương Tây tẩy chay mạnh mẽ. Kể từ 1971, Hiệp hội Bác sĩ Tâm thần Thế giới (World Psychiatric Association) đã thường xuyên lên án các đồng nghiệp tại Liên Xô. Các chuyến viếng thăm do chính quyền Liên Xô tổ chức tới các bệnh viện tâm thần đã bị coi là những trò lừa phỉnh. Các nhà phân tâm học Liên Xô không được chào đón tại các hội nghị phương Tây, không thể công bố nghiên cứu trên các tạp chí khoa học phương Tây, không được thử nghiệm thuốc, không được trao đổi học thuật. Trước áp lực quốc tế, giới tâm thần học Liên Xô đã phải thay đổi.

Trước năm 2015, trong khi có nhiều cáo buộc nghiêm trọng về việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân tại Trung Quốc, thì chính quyền Trung Quốc chỉ liên tục phủ nhận mà không thể chứng minh được nguồn gốc của số lượng nội tạng cấy ghép rất lớn, hơn nữa nước này chưa hề có một hệ thống hiến tạng theo đúng nghĩa. Tuy nhiên khác với quá khứ, cộng đồng y học quốc tế đã không biểu đạt bất cứ thái độ gì trước vấn đề nhân quyền nghiêm trọng này.

Vào năm 2015, trước sức ép của nhiều chính phủ và tổ chức nhân quyền quốc tế, chính quyền Trung Quốc từng tuyên bố rằng họ đã dừng việc lấy nội tạng từ tử tù – một việc làm trái với các công ước quốc tế, điều họ từng phủ nhận. Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên bố xây dựng một hệ thống hiến tạng hợp pháp. Đây tiếp tục trở thành lý do cho việc các báo cáo nghiên cứu ghép tạng tới từ Trung Quốc được đăng tải trên các tạp chí y học phương Tây.

Tuy nhiên, khi các nhà điều tra yêu cầu chính quyền Trung Quốc cấp thị thực để họ vào nước này, đồng thời yêu cầu công khai minh bạch hệ thống hiến tạng của Trung Quốc, họ đã không nhận được phản hồi. Bên cạnh đó, nhiều chứng cứ xuất hiện, cho thấy chính quyền Trung Quốc vẫn đang thực hiện hành vi thu hoạch nội tạng từ tù nhân sau thời điểm 2015.

Đầu năm 2019, ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc uy tín từng đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế, tuyên án tại Tòa án nhân dân độc lập ở London rằng: Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và đang thu hoạch nội tạng từ tù nhân “trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn”. Trong tội ác Chống lại loài người do tòa tuyên án này, nạn nhân chính không phải là tử tù, mà là tù nhân lương tâm bị bắt giữ chỉ vì tín ngưỡng, trong đó số lượng lớn nhất là người tập Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ.

Sau khi phán quyết của Tòa án nhân dân được công bố, hàng loạt các chính phủ và tổ chức đã lên tiếng mạnh mẽ hơn về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, hai tạp chí y học “PLOS ONE” và “Transplantation” đã trở thành các tạp chí đầu tiên tuyên bố hủy đăng các nghiên cứu ghép tạng tới từ Trung Quốc.

Theo đó, 7 bài báo khoa học đăng trên “PLOS ONE”8 bài báo khoa học trên “Transplantation” từ năm 2008 tới 2014 đã bị rút. Trong số đó 15 bài báo này, 2 bài liên quan tới cấy ghép thận và 13 bài liên quan tới cấy ghép gan. Nguyên nhân chính được đưa ra là lo ngại các nghiên cứu sử dụng nguồn tạng trái đạo đức y học, và đặc biệt khi được yêu cầu chứng minh nguồn gốc tạng, tác giả của các bài báo này đã không có câu trả lời thỏa đáng.

Cùng thời điểm này, hai tạp chí khác là “Clinical Journal of the American Society of Nephrology”“Kidney International” đã ra thông báo bày tỏ mối lo ngại tương tự.

Cả “PLOS ONE” và “Transplantation” đều dẫn nguồn từ một nghiên cứu của giáo sư Wendy Rogers thuộc đại học Macquarie, Sydney, Úc, đăng trên British Medical Journal, một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất thế giới tại Anh quốc. Theo đó, nghiên cứu kêu gọi cộng đồng y học ghép tạng thế giới tẩy chay 400 bài báo khoa học tới từ Trung Quốc do những nghiên cứu khoa học này có thể sử dụng nguồn nội tạng phi đạo đức của tù nhân Trung Quốc.

Tổ chức theo dõi các nghiên cứu khoa học bị hủy đăng tại Mỹ, “Retraction Watch”, nhận định đây có thể là dấu hiệu cho thấy một “cơn lũ” sẽ quét qua các tạp chí phương Tây, khiến các bài báo và nghiên cứu về ghép tạng tới từ Trung Quốc bị dỡ bỏ.

Jacob Lavee, một bác sĩ phẫu thuật tim người Israel, thành viên của tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) bình luận rằng cộng đồng y học phương Tây đã bắt đầu hành động đúng đắn, tuy nhiên các chính trị gia cũng cần hành động mạnh mẽ hơn. “Các bác sĩ cấy ghép Trung Quốc đang phạm tội ác Chống lại loài người”, ông Jacob Lavee chia sẻ.

Minh Nhật
Các link gốc có liên quan đã được cập nhật trong bài viết.

Xem thêm: