Nhà bình luận kinh tế chính trị độc lập tại Bắc Kinh Zhang Lin mới đây đã có bài viết đăng tải trên tờ Hoa Nam Buổi Sáng nhận định rằng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay không đơn thuần chỉ là cuộc chiến tranh thương mại mà thực tế đó là cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống giá trị và văn minh khác nhau.

Embed from Getty Images

Theo ông Zhang Lin, mặc dù mất cân bằng thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục gây sự chú ý, nhưng thực tế điều đó không có nhiều ý nghĩa đối với cả Trung Quốc và Mỹ. Đối với Trung Quốc, vai trò đóng góp của xuất khẩu ròng vào tăng trưởng kinh tế nước này đã không còn quá trọng yếu kể từ năm 2008. Đối với Mỹ, thâm hụt thương mại là điều chắc chắn xảy ra khi mà họ tiêu dùng 30% tổng sản phẩm thế giới, nhưng chỉ sản xuất được 13%.

Với nhận định nêu trên, ông Zhang Lin cho rằng cả Washington và Bắc Kinh hiện nay đều nên xác định rõ rằng: cuộc tranh chấp này chắc chắn sẽ vượt xa vấn đề thương mại.

Washington đã nêu rõ chính sách về Trung Quốc của mình khi Phó Tổng thống Mike Pence có bài phát biểu tại Viện Hudson hôm 4/10/2018, theo đó, Mỹ đã mở cửa để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 và đã giúp nước này đạt được sự thịnh vượng nhờ thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối đi theo con đường mà Washington đã từng hy vọng Bắc Kinh sẽ đi theo.

Cũng trong năm 2001, đã xảy ra vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ. Sự kiện này gây chấn động nước Mỹ và thế giới và đã dẫn tới việc sau đó chính phủ của Tổng thống George W. Bush thay đổi các ưu tiên chính sách và lập trường chính sách về Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo của tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra ở Thượng Hải vào cùng năm đó, Bắc Kinh đã hoàn toàn ủng hộ chính sách chống khủng bố của Mỹ.

Nếu không có vụ khủng bố 11/9, ông Bush sẽ có nhiều thời gian và nguồn lực hơn để gây áp lực lên Trung Quốc nhằm “chuyển hóa” nước này theo định hướng mà Mỹ mong muốn. Nhưng vào thời điểm đó, Washington đã xem Bắc Kinh là bạn, không phải kẻ thù.

Sau đó tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, gây tổn hại không chỉ cho nền kinh tế Mỹ mà còn làm xói mòn niềm tin vào hệ thống dân chủ tự do/ thương mại tự do – những giá trị được biết đến là Bộ quy tắc Washington (Washington Consensus).

Trong thời điểm đó, Trung Quốc cho thấy con đường đi của họ với gói kích thích quy mô lớn. Sự can thiệp của nhà nước đã được nhân rộng trên toàn thế giới và mẫu hình Trung Quốc – được hiểu là quyền lực nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chính và xu hướng chính trị và xã hội phi tự do, đột nhiên trở nên hấp dẫn – tạo thành cái gọi là Bộ quy tắc Bắc Kinh (Beijing Consensus).

Nhưng theo đánh giá của ông Zhang Lin, bức tranh thực tế tại Trung Quốc không có nhiều màu hồng như thế giới nhìn từ bên ngoài. Gói kích thích của chính phủ làm giàu cho các doanh nghiệp nhà nước và các chính quyền địa phương trên cơ sở gây tổn hại tới lợi ích của khối tư nhân, làm méo mó cấu trúc kinh tế của đất nước này và gieo mầm cho các vấn đề rắc rối trên con đường phát triển.

Tiến trình thân thiện với thị trường và thay đổi theo hướng tự do tại Trung Quốc do cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thực hiện vào cuối những năm 1970, tới thời điểm sau 2008 đã bị đình trệ và trong một số trường hợp còn bị đảo ngược. Những nhóm lợi ích tại Trung Quốc vốn được vỗ béo nhờ mô hình kinh tế nhà nước, đã phản kháng tự do hóa kinh tế và cải cách chính trị, và điều này cũng khiến Trung Quốc thực thi chính sách đối ngoại quyết đoán hơn.

Xem lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng Mỹ đồng ý Trung Quốc tăng trưởng kinh tế, nhưng không phải theo mẫu hình của Trung Quốc, trong đó thiếu sự bảo vệ tài sản tư nhân hoặc bầu cử tự do. Mỹ hiện nay đang thấy mối nguy hiểm khi để mẫu hình đó thắng thế và đang dàn dựng một cuộc chiến tranh lạnh để bảo vệ những giá trị cốt lõi Mỹ, ông Zhang Lin nhận định.

Mỹ dựa vào các giá trị cốt lõi của hệ thống dân chủ tự do/thương mại tự do để định ra đâu là kẻ thù, đâu là đồng minh và hình thành các liên minh dựa trên những giá trị đó. Điều này giải thích tại sao Mỹ đã ký mới các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và Thỏa thuận Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) thay thế cho NAFTA cũ, và đang đàm phán các thỏa thuận thương mại khác với Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Không khó để nhận ra việc Mỹ đang cố gắng hình thành mặt trận thương mại thống nhất với các đồng minh dân chủ tự do của mình để chống lại Trung Quốc. Điều này là rõ ràng khi nhìn vào Điều 32.10 trong USMCA, trong đó cho phép Washington gần như có quyền phủ quyết bất ký hiệp định thương mại tự do nào của các thành viên USMCA với bất kỳ quốc gia “phi thị trường” nào. Phía Mỹ cũng công khai khẳng định sẽ nhân rộng điều khoản mà họi gọi là “thuốc độc” này trong các thỏa thuận thương mại với các đồng minh khác, trước mắt là EU và Nhật Bản.

Đánh giá công bằng Trung Quốc thực sự là thương nhân lớn nhất về hàng hóa trên toàn cầu và đang là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 nước khắp thế giới, do đó rất khó để các đồng minh của Mỹ chấm dứt giao thương với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Washington quyết tâm lao vào cuộc “cạnh tranh” với Trung Quốc có thể dẫn tới một sự thay đổi cơ bản.

Ông Zhang Lin cho rằng đối với các đồng minh của Mỹ và nhiều nước khác, Mỹ vẫn là đối tác quan trọng của họ về cả mặt kinh tế và chính trị hơn Trung Quốc. Tổng mức nhập khẩu của Mỹ từ EU, Nhật Bản và Canada cao gấp đôi mức nhập từ Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài tại Mỹ cũng cao gấp 4 lần đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc. Nếu một ngày nào đó các nước phải lựa chọn một trong hai bên, nhiều nước sẽ chọn Washington thay vì chọn Bắc Kinh.

Đánh giá của ông Zhang Lin là tương đồng với nhận định của ông Dương Hiến Hồng (Yang Sen-hong) Chủ tịch Liên đoàn bảo vệ Nhân quyền tại Trung Quốc của Đài Loan. Trong một hội thảo tổ chức gần đây về vấn đề xung đột Mỹ – Trung, ông Dương Hiến Hồng cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung không chỉ là một cuộc chiến thương mại mà còn là cuộc chiến về những giá trị phổ quát. Trung Quốc phải nhượng bộ vì họ đang đương đầu với các giá trị phổ quát của thế giới: tự do, dân chủ và nhân quyền.

Cho tới nay, sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa phải là một cuộc chiến tranh lạnh, chia thế giới thành hai chiến tuyến như thời thế giới hai cực Mỹ – Liên Xô. Nhưng ông Zhang Lin dự báo rằng điều này là có nguy cơ xảy ra trong tương lai.

Nhà bình luận kinh tế chính trị độc lập này thậm chí cho rằng xung đột ý thức hệ Mỹ – Trung có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh nóng trên Biển Đông nếu Mỹ quyết tâm kiềm chế và cô lập Trung Quốc bằng mọi giá và khi đó thế giới sẽ lại chia thành hai chiến tuyến rõ ràng.

Tân Bình

Xem thêm: