Tuần trước, công ty CNEX, một công ty khởi nghiệp tại Mỹ đã đệ trình hồ sơ lên tòa án liên bang tại Texas, cáo buộc công ty Huawei lợi dụng giáo sư đại học ở Trung Quốc, dùng thủ đoạn bất chính để đánh cắp sở hữu trí tuệ.

huawei
(Ảnh minh họa từ Shutterstock)

Tuần trước, Công ty CNEX Labs Inc đã đệ đơn kiện lên Tòa án liên bang tại Texas, cáo buộc nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei Trung Quốc thuê một giáo sư đại học Trung Quốc làm về nghiên cứu dự án, dùng phương thức bất chính để có được công nghệ của công ty mới khởi nghiệp này.

Vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ này bắt đầu từ năm 2017, khi đó, Huawei kiện công ty CNEX và một trong những người sáng lập CNEX là Huang Yiren (Ronnie Huang) xâm phạm bản quyền của Huawei. Năm 2018, CNEX kiện ngược lại Huawei, cáo buộc Huawei và công ty con của Huawei dùng thủ đoạn bỉ ổi để cố gắng lấy được công nghệ của CNEX.

Tuần trước, CNEX đã đệ trình lên Tòa án liên bang tại Texas hàng loạt tại liệu mới để kiện ngược lại Huawei. Trong cáo buộc của CNEX đối với Huawei có nói, giáo sư Bo Mao của Đại học Hạ Môn Trung Quốc, đã yêu cầu dùng bảng mạch của CNEX trong một dự án nghiên cứu. Công ty này cũng đã yêu cầu ông Mao Ba ký vào bản “cam kết bảo mật cẩn thận” liên quan đến bảng mạch này, sau đó mới giao bảng mạch cho ông. Tuy nhiên, CNEX lại không biết rằng Đại học Hạ Môn có hợp tác với Huawei, và chi tiết về công nghệ liên quan đến sản phẩm cuối cùng cũng lọt được vào tay của Huawei.

Trong tài liệu gửi lên tòa án, CNEX viết: “Huawei đánh cắp quyền sở hữu và thông tin bí mật thương mại của CNEX, và chia sẻ nó với nhân viên phát triển bộ điều khiển ổ cứng thể rắn của Huawei, vi phạm những gì đã tuyên bố với CNEX, cũng vi phạm việc hạn chế phát tán thông tin công nghệ liên quan của CNEX.”

Trụ sở chính của CNEX nằm tại bang California, chuyên nghiên cứu về công nghệ giúp nâng cao hiệu suất của ổ cứng thể rắn trong trung tâm dữ liệu. Một trong những người sáng lập của CNEX là Huang Yiren, từng làm việc cho công ty con của Huawei tại bang Texas. Năm 2013, sau khi nghỉ việc tại Huawei, Huang đã  cùng một số người khác thành lập CNEX.

Năm 2017, Huawei nộp đơn kiện CNEX và Huang, nói rằng phát minh công nghệ của công ty khởi nghiệp này có liên quan đến việc Huang làm việc tại Huawei, và theo hợp đồng mà Huang ký kết với Huawei, thì Huawei có quyền sở hữu các bản quyền công nghệ liên quan.

Năm 2018, CNEX đã nộp đơn kiện ngược Huawei, nói rằng Huawei đang cố gắng lợi dụng vụ án này, thông qua thủ tục điều tra để hiểu sâu hơn nữa về công nghệ của CNEX.

Trong đơn kiện ngược Huawei, CNEX chỉ ra, cáo buộc của Huawei đối với CNEX hoàn toàn là không đúng sự thực, lâu nay Huawei vẫn luôn sử dụng thủ đoạn bỉ ổi để duy trì địa vị dẫn đầu công nghệ của mình tại Trung Quốc, việc kiện CNEX chỉ là một trong những thủ đoạn của Huawei.

Theo hồ sơ mà CNEX đệ trình lên tòa án, công ty này chỉ ra, sau khi CNEX thành lập, Huawei đã lập tức theo dõi công ty khởi nghiệp này, thậm chí dùng cách giả làm khách hàng tiềm năng, v.v, cố gắng dùng thủ đoạn bất chính để lấy được công nghệ.

Năm 2018, Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin về sự kiện này và chỉ ra, sự bất thường trong vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ này nằm ở chỗ, một công ty Trung Quốc cáo buộc công ty Mỹ đánh cắp công nghệ của họ, và muốn thông qua việc kiện tụng tại tòa án Mỹ để giành lại công nghệ.

Tuần trước, Tòa án liên bang Texas đã bác bỏ yêu cầu của Huawei đối với quyền sở hữu sáng chế của CNEX, phán quyết rằng luật của Bang Canifornia được áp dụng cho vụ kiện này. Theo luật của Bang Canifornia, sau khi nhân viên rời khỏi nhà tuyển dụng, có thể tự do sáng lập công ty mới.  

Tuy nhiên, CNEX vẫn đối mặt với một cáo buộc khác của Huawei, đó là cáo buộc Huang Yiren đã chiêu mộ đồng nghiệp cũ tại Huawei tham gia vào công ty khởi nghiệp của mình.

Huệ Anh

Xem thêm: