Thị trường chứng khoán Mỹ và toàn thế giới lại rúng động trong phiên giao dịch hôm dịch hôm thứ Tư (14/8) với chỉ số Dow giảm tới 800 điểm – mức giảm cao nhất trong năm nay. Đường cong lãi suất trái phiếu “đảo ngược” khiến nhà đầu tư lo sợ một cuộc suy thoái kinh tế đang đến gần và ồ ạt bán tháo cổ phiếu để tìm đến các tài sản an toàn hơn như đô la, vàng và trái phiếu ngắn hạn. Câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là hậu quả này là do cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc hay là sai lầm chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED)?

dow
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 800 điểm trong phiên giao dịch hôm thứ Tư (14/8)

Hôm thứ Tư, thị trường chứng khoán sụt giảm thê thảm và thị trường trái phiếu bộc lộ rõ dấu hiệu nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái khi đường cong lãi suất đảo ngược lần đầu tiên trong vòng 12 năm. Hầu hết các trang tin kinh tế đều dự đoán một cuộc suy thoái kinh tế đang đến gần như dấu hiệu này đã luôn đúng trong 50 năm qua. Tuy nhiên vẫn có người cho đây là trường hợp ngoại lệ.

Đầu tiên, sự đảo ngược đường cong lãi suất trái phiếu là gì? Điều này xảy ra khi lãi suất dài hạn của trái phiếu 10 năm trở nên nhỏ hơn lãi suất ngắn hạn trái phiếu 2 năm do Bộ Tài Chính Mỹ phát hành. Ở một thị trường khỏe mạnh, trái phiếu kỳ hạn càng cao thì lãi suất càng lớn (thể hiện cho chi phí chiếm dụng vốn của người đầu tư càng lớn), tuy nhiên khi đường cong lãi suất đảo ngược, nhiều người đã tưởng tượng đến viễn cảnh suy thoái. Trong vòng 50 năm qua, mỗi lần đường cong này đảo ngược, một cuộc suy thoái kinh tế sẽ đến theo trong vòng 2 năm. Lần gần nhất việc này xảy ra là vào năm 2007, sau đó cuộc đại suy thoái toàn cầu 2009.

Khi thị trường chứng khoán Mỹ và toàn thế giới đều suy giảm, nhiều người ngay lập tức đổ lỗi cho chính sách kinh tế bấp bênh của tổng thống Mỹ Donald Trump là nguyên nhân.

“Thách thức ở đây là chính sách thương mại của Trump đã tỏ ra thất thường đến mức bạn không thể giải tỏa cảm giác bất an” trong khi doanh nghiệp thì phải điều tiết trước sự sắp xếp lại của chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài hằng năm, cũng như cấu trúc chi phí, Tim Duy, giáo sư kinh tế tại Đại học Oregon nói, theo Reuters.

Reuters cũng dẫn chứng các dấu hiệu tiền suy thoái vào các năm 2001, 2007 và bối cảnh kinh tế còn vô cùng tươi sáng ngay hồi tháng 10 năm ngoái để lập luận “những phát ngôn và việc đánh thuế của ông Trump đối với các đối tác thương mại dồn dập trong năm nay, đặc biệt vào tháng 5 đã khiến các nhà đầu tư hành động như thể đã chạm đến điểm tới hạn”.

Nếu các chính sách của Fed đột nhiên có vẻ không ổn định, có thể bởi vì đó là điều không thể tránh khỏi khi khó có thể theo kịp chính sách thương mại ‘kéo cưa’ của ông Trump, và cảm giác về sự sụp đổ đang ngày càng gia tăng có thể sẽ sâu sắc hơn và kéo dài hơn được dự đoán”, Reuter kết luận.

Về phía mình, ông Trump đặt trọn vẹn trách nhiệm của việc chứng khoán Mỹ suy giảm vào các chính sách tăng lãi suất và thắt chặt định lượng của Fed. Đáng ngạc nhiên là nhà kinh tế học Paul Krugman, một cây viết cho New York Times và là một người rất ghét Trump cũng đồng ý rằng Fed đã phạm sai lầm.

Khi tăng lãi suất 4 lần trong năm qua, “Cục Dự trữ Liên bang đã hành động quá nhanh và bây giờ đã quá, quá trễ để vãn hồi và việc cắt giảm lãi suất cho vay đến nay thì vô cùng khiêm tốn”, ông Trump viết trên Twitter hôm 14/8. “Quá tệ, có quá nhiều thứ có thể đạt được ở phía bên kia!”

“Charles Payne Vĩ đại (biên tập viên của Fox) đã đúng khi tuyên bố Chủ tịch FED Jay Powell phạm 2 sai lầm khổng lồ. 1 Khi ông ta nói về ‘điều chỉnh giữa chu kỳ’. 2. Chúng ta phụ thuộc vào dữ liệu. Ông ta đã không làm điều đúng đắn.”…

“Fed phải làm gì đó! Fed là ngân hàng trung ương của Mỹ, không phải của thế giới”,  ông Trump viết trên Twitter.

Cùng ngày hôm đó, cố vấn kinh tế cho Tòa Bạch Ốc ông Peter Navarro nói trên Fox News rằng Fed nên cắt lãi suất càng sớm càng tốt và hành động như vậy có thể “khiến Dow tăng lên đến 30.000 điểm”.

Thương mại thế giới cũng suy giảm. Nền kinh tế Đức suy giảm 0,1% trong quý 2 và trái phiếu nước này thậm chí còn rơi vào lãi suất âm (-0,62%, mức thấp kỷ lục). Đường cong lãi suất trái phiếu của Anh cũng đảo ngược và Anh Quốc báo cáo tăng trưởng GDP âm trong quý 2 năm nay. Châu Âu cũng chứng kiến suy giảm trong hoạt động công nghiệp và Trung Quốc loan báo sản lượng sản xuất công nghiệp rơi xuống mức thấp nhất 17 năm trong tháng 7, các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu liên tục lộ diện.

Tuy nhiên có chuyên gia cho rằng, lần này việc đảo ngược đường cong lãi suất trái phiếu sẽ không dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế mới ở Mỹ. Theo một báo cáo mới đây của ngân hàng Goldman Sachs, sự nao núng trong thị trường chứng khoán là do nhà đầu tư hoang mang về bước đi tiếp theo của Fed.

Việc thay đổi đường cong lãi suất trái phiếu Mỹ nhiều khả năng được thúc đẩy bởi niềm tin rằng Fed có thể hạ lãi suất một cách từ từ, hơn là được định giá bởi các thị trường”, báo cáo của Goldman Sachs ghi.

Chúng tôi kỳ vọng đường cong lãi suất trái phiếu kỳ hạn hơn 2 năm sẽ cong trở lại”, báo cáo ghi.

Cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen đồng ý với nhận định của Goldman Sachs. Bà gọi biểu hiện thị trường hôm thứ Tư là một dấu hiệu “kém tốt đẹp” chứ không phải chỉ dấu về một cuộc suy thoái kinh tế cận kề.

“Tôi nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ có đủ sức mạnh để tránh khỏi điều đó [suy thoái]” bà nói với Fox News.

Nhưng những trở ngại rõ ràng đã nổi lên mà nói thẳng, chúng đã lớn đến mức khiến tôi không thoải mái”.

Theo lịch sử, nó là một dấu hiệu khá đúng của suy thoái, và tôi cho là thị trường đã chú ý đến nó là vì vậy, nhưng trong trường hợp này, tôi thực sự nghĩ nó có lẽ chỉ là một dấu hiệu kém tốt đẹp hơn”, bà Yellen nói, nói thêm về các nhân tố như kỳ vọng thị trường về lãi suất cho vay đang gây sức ép làm giảm lãi suất trái phiếu dài hạn.

Quả thực như vậy, khác với những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Đức, Anh và Trung Quốc, nền kinh tế của Mỹ ít phụ thuộc vào xuất khẩu (chỉ dưới 13% trong năm 2018 mặc dù là nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới). Thị trường 300 triệu dân với sức mua mãnh liệt là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, cũng như là thị phần xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc hay Đức. Steve Moore, nhà kinh tế học của quỹ Heritage Foundation cho rằng nếu Trung Quốc không đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ, rất có thể họ “sẽ có một cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên trong vòng nhiều năm qua”.

Ngoài ra, cũng khác với các dấu hiệu kinh tế còn lại của Anh, Đức hay Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ đang vận hành rất tốt. Niềm tin người tiêu dùng tăng cao, tốc độ tăng trưởng tốt và tỷ lệ thất nghiệp thất nhất trong hàng chục năm qua. Sự suy giảm của thị trường chứng khoán chỉ là một dấu hiệu đứng một cách riêng rẽ với bức tranh tổng thể tốt đẹp của nền kinh tế Mỹ nói chung.

“Hoa Kỳ hiện nay là nền kinh tế lớn nhất, mạnh nhất và nhiều quyền lực nhất thế giới, tốt hơn rất nhiều so với các nước khác! Trong khi những nước khác suy sụp, chúng ta chỉ có thể mạnh hơn. Sức tiêu dùng đang ở mức tốt nhất, người tiêu dùng có rất nhiều tiền mặt. Niềm tin doanh nghiệp đang ở mức cao nhất trong lịch sử!” ông Trump viết trên Twitter hôm 15/8.

CNN vừa có một bài viết khá thú vị tựa đề “Dấu hiệu suy thoái đến nơi nhưng người Mỹ vẫn đi mua sắm tại Wallmart”. Bài viết của một tờ báo chống Trump khá tiêu cực chỉ ra rằng các hoạt động mua sắm của người tiêu dùng Mỹ không hề suy giảm mà còn tăng lên. Điều này đã cổ phiếu của Wallmart tăng 5% trong khi các chỉ số chứng khoán khác lại suy giảm.

Sức khỏe kinh tế của khách hàng của chúng tôi vẫn rất là vững vàng và sức cạnh tranh của chúng tôi rất mạnh mẽ”, CFO của Wallmart Brett Biggs nói hôm thứ Năm 15/8, theo CNN.

Như vậy, rất có thể những cú sốc vừa qua của thị trường chứng khoán Mỹ chỉ đơn giản là phản ánh nỗi ám ảnh tạm thời của các nhà đầu tư vốn rất nhạy cảm với tin tức truyền thông và các dấu hiệu. Tổng thống Mỹ tin rằng về dài hạn, nó sẽ còn tăng cao hơn nữa bởi vì Trung Quốc không thể tiếp tục moi móc từ các doanh nghiệp Mỹ một cách không công bằng như trước đây nữa.

“Truyền thông Tin Giả đang làm mọi thứ chúng có thể để làm sập nền kinh tế bởi vì họ nghĩ rằng điều đó sẽ làm xấu mặt tôi và chiến dịch tái tranh cử của tôi. Vấn đề mà họ đang có là nền kinh tế của chúng ta quá mạnh và chúng ta sẽ sớm chiến thắng mạnh mẽ về thương mại. Tất cả mọi người đều biết điều đó, kể cả Trung Quốc”, ông Trump viết trên Twitter.

Trọng Đức

Xem thêm: