Đứng cạnh bé trai 5 tuổi, không động đậy, không mặc gì ngoài chiếc tã nhựa và phải luồn ống thở, nhân viên y tế người Iran mặc bộ đồ phòng hộ kín mít khẩn khoản kêu gọi người dân trong nước ngừng uống cồn công nghiệp để chữa virus corona mới.

ngo doc methanol 2
(Ảnh minh họa: drugabuse.com)

 

Tờ AP mô tả, em bé này đã bị mù sau khi cha mẹ em cho em uống methanol – một chất cồn công nghiệp độc hại sau khi lầm tưởng rằng nó có thể bảo vệ con mình khỏi virus. Cậu chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân của một cơn dịch mới đang nảy sinh bên trong đại dịch COVID-19 đang tàn phá Iran.

Truyền thông Iran đưa tin, cho tới ngày 27/3, gần 300 người đã tử vong và hơn 1.000 người bị ốm trên khắp nước này vì uống cồn methanol. Iran là quốc gia dùng luật Hồi giáo Sharia, nơi rượu bị cấm và những người muốn có rượu phải mua ở những tay bán lậu. Một bác sĩ Iran làm việc với Bộ Y tế nói với AP rằng con số thực sự còn lớn hơn báo cáo trên truyền thông: 480 người chết và 2.850 người mắc bệnh vì uống cồn.

Phương thuốc phòng ngừa COVID-19 kịch độc này đã được lan truyền khắp mạng xã hội Iran trong thời gian gần đây, khi mà người dân vẫn nghi ngờ sâu sắc sự thành thật của chính phủ sau khi Tehran che dấu cuộc khủng hoảng trong nhiều ngày trước khi virus corona tràn ngập đất nước.

“Các nước khác chỉ có một vấn đề là đại dịch virus corona mới. Nhưng chúng tôi phải chiến đấu 2 mặt trận ở đây”, Bác sĩ Hossein Hassanian, cố vấn cho Bộ Y tế Iran nói với AP. “Chúng tôi vừa phải cứu chữa cho người bị ngộ độc cồn, vừa phải chống lại virus corona”. 

Với đa số người dân, virus corona mới chỉ gây ra những triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, chẳng hạn sốt, ho và nó sẽ hết sau 2 đến 3 tuần. Với một số nhỏ, đặc biệt là người già và người có bệnh nền, nó có thể gây ra các vấn đề nặng hơn, như viêm phổi và tử vong.

Đại dịch này đang lan rộng ra toàn thế giới, khiến hệ thống bệnh viện quá tải, phá hủy các nền kinh tế và buộc các chính phủ phải giới hạn di chuyển của hàng tỷ người. Iran, nơi có số dân 80 triệu, là một trong những nơi bị dịch bệnh tấn công đặc biệt nghiêm trọng,

Tính đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu để trị COVID-19, trong khi các nhà khoa học trên thế giới đang đẩy mạnh việc phát triển và thử nghiệm thuốc và vaccine.

Nhưng trong một thông điệp được chia sẻ đi chia sẻ lại nhiều lần bằng tiếng Farsi, các tài khoản mạng xã hội Iran đã lan truyền một tin giả rằng một giáo viên người Anh và nhiều người khác đã tự chữa khỏi COVID-19 bằng cách uống rượu whisky và mật ong. Bị bối rối bởi các lời khuyên rằng nước rửa tay có cồn diệt được virus corona, một số hình thành niềm tin rằng uống rượu có độ cồn cao có thể giết chết virus trong cơ thể.

Tính tới nay, Iran báo cáo 38.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 2.600 người đã chết – con số lớn nhất tại Trung Đông. Tuy nhiên giới chuyên gia quốc tế cho rằng Tehran cố tình làm giảm thống kê và con số thực có thể lớn hơn nhiều lần.

Lo ngại về đại dịch, nghi ngờ sự minh bạch của chính phủ, sự thiếu kiến thức cộng với các tin đồn trên mạng đã khiến hàng chục người mắc bệnh do uống rượu lậu có methanol ở tỉnh Khuzestan miền tây bắc và thành phố Shiraz phía nam.

Theo AP, chính phủ Iran yêu cầu các nhà sản xuất cồn methanol thêm màu nhân tạo vào sản phẩm để người dân có thể phân biệt với cồn ethanol, loại cồn được sử dụng để làm sạch vết thương. Ethanol cũng được tìm thấy trong các đồ uống có cồn, mặc dù bị cấm ở Iran. Các tay buôn rượu lậu ở đây lại sử dụng methanol, thêm một chút thuốc tẩy để xóa màu của nó trước khi bán cho những người muốn uống. Việc uống loại rượu lậu này với nồng độ methanol cao gây ra ngộ độc và thậm chí tử vong.

Methanol không có mùi hoặc vị khi uống. Nó khiến nội tạng bị ngộ độc và phá hoại não bộ. Các triệu chứng sau khi uống loại cồn công nghiệp này bao gồm đau ngực, buồn nôn, thở gấp, mù lòa, thậm chí là hôn mê.

Hassanian nói rằng con số của ông bao gồm số liệu từ văn phòng điều tra cộng với những người chết vì ngộ độc cồn bên ngoài bệnh viện.

“Không may là tại những tỉnh như Khuzestan và Fars, số người chết vì uống methanol đã vượt quá số người chết vì virus corona mới”, ông nói.

Thậm chí trước đại dịch corona, ngộ độc cồn tại Iran đã là một vấn đề nghiêm trọng. Một nghiên cứu cho thấy ngộ độc methanol khiến 768 người Iran gặp vấn đề sức khỏe chỉ từ tháng 9 tới tháng 10 năm 2018, và khiến 76 người chết.

Các nước Hồi giáo cấm uống rượu khác cũng chứng kiến vấn đề người dân ngộ độc methanol từ rượu lậu tương tự Iran, mặc dù nước này dường như là quốc gia duy nhất mà người dân tìm đến loại đồ uống chết người này để tự chữa bệnh trong đại dịch, theo AP.

Trần Minh

Xem thêm: