Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2019 (NDAA) vừa được Thượng viện Mỹ thông qua và Tổng thống Donald Trump ký ban hành vào giữa tháng Tám là công cụ mới nhất để Washington thực hiện hoạt động đáp trả mạnh mẽ hơn với sự bành trướng ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông. NDAA có nhiều biện pháp hứa hẹn, trong đó có điều khoản yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải minh bạch thông tin nhiều hơn nữa về các hoạt động cưỡng ép của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược Đông Nam Á.

Embed from Getty Images

Tổng thống Donald Trump ký ban hành Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 với gói ngân sách quốc phòng lên tới 716 tỷ USD. 

Điều 1262 của NDAA yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải “lập tức” chuyển báo cáo tới Quốc hội và công chúng ngay sau khi có thông tin về việc “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện bất kỳ hoạt động cải tạo đất đáng kể, khẳng định yêu sách lãnh thổ quá mức, hoặc hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông”.

Tại sao việc minh bạch thông tin lại quan trọng?

Cho tới nay, sự thiếu minh bạch thông tin về Biển Đông đã khiến cho những bất ổn tại khu vực này bị chìm xuống và công chúng, các nhà nghiên cứu và truyền thông quan tâm tới các vấn đề Biển Đông thường phải dựa vào công nghệ vệ tinh thương mại để nắm bắt thông tin liên quan tới căng thẳng ở vùng biển chiến lược hàng đầu thế giới này.

Những người ủng hộ minh bạch thông tin về Biển Đông lớn hơn như chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc Ely Ratner của Hội đồng Đối ngoại Mỹ lập luận: “Sự thiếu hụt thông tin công khai về các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đã cản trở sự phối hợp khu vực và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện các bước gia tăng để củng cố quyền kiểm soát vùng biển này”.

Việc kiểm soát được thông tin về Biển Đông sẽ giúp cho Mỹ khôi phục được sự quan tâm của công chúng Mỹ, cũng như toàn cầu về cuộc xung đột này, đồng thời đoàn kết được các đối tác khu vực và gây sức ép lên Trung Quốc.

Theo dữ liệu của ProQuest, lượng thông tin về Biển Đông phủ sóng trên báo chí Mỹ năm 2009 là rất thấp, chỉ có 239 bài báo được gắn nhãn “tin tức”. Các bài báo về Biển Đông tại Mỹ tăng lên 4061 bài vào năm 2016, nhưng sang năm 2017 lại có xu hướng giảm mạnh chỉ còn 2245 bài và xu hướng giảm vẫn tiếp tục trong năm 2018.

Với điều khoản 1262 trong NDAA sẽ góp phần quan trọng để tăng cường thông tin về Biển Đông. Washington cần sự ủng hộ của công chúng Mỹ nếu họ muốn đẩy mạnh đối phó với “sự nổi dậy hàng hải” của Trung Quốc trên Biển Đông. Nếu các bằng chứng về sự cưỡng ép của Trung Quốc vẫn là các thông tin mật, dân chúng Mỹ sẽ có ít lý do để ủng hộ chính phủ thực hiện các biện pháp nghiêm khắc hơn và có tính rủi ro cao hơn trong vấn đề Biển Đông.

Hơn nữa, Mỹ cũng cần sự ủng hộ của các đối tác khu vực và người dân trong các nước này, đặc biệt là Philippines. Từ khi lên cầm quyền giữa năm 2016, chính quyền của ông Duterte đã thường xuyên hạ thấp tranh chấp Biển Đông và có xu hướng ngả về Trung Quốc. Nếu người dân Philippines có thể tiếp cận được nhiều thông tin hơn về sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược, ông Duterte có thể sẽ phải đối mặt với áp lực của người dân trong việc phản kháng Trung Quốc.

Ngoài ra, Điều 1262 trong NDAA cũng giúp Mỹ có cơ hội phản bác các câu chuyện không đúng mà Bắc Kinh đưa ra. Chẳng hạn, Trung Quốc thường đáp trả những chỉ trích của Mỹ về vấn đề Biển Đông bằng việc đổ lỗi cho Washington chính là bên quân sự hóa Biển Đông và vu khống nước khác có hành vi quyết đoán tương tự. Khi Mỹ thường xuyên báo cáo rõ ràng, có chứng cứ về hoạt động gây hại của Trung Quốc tại Biển Đông, sẽ khiến Bắc Kinh không thể tiếp tục ngụy biện.

Tân Bình

Xem thêm: