Hôm 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus bày tỏ quan ngại của chính phủ Mỹ đối với việc Bắc Kinh liên tục quấy nhiễu và gây sức ép lên hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam. Giới chức Mỹ cũng liên tục ám chỉ sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Nam trong cuộc đối đầu đang diễn ra với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính. 

Mỹ phản đối việc Trung Quốc ức hiếp hoạt động dầu khí của Việt Nam
Bà Morgan Ortagus, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ (Ảnh qua Daily Beast)

Trong thông cáo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Ortagus nói:

Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào hoạt động dầu khí lâu dài của Việt Nam trong khu vực được tuyên bố là Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Điều này làm dấy lên một câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về Ứng xử của Các bên ở biển Đông, đối với giải pháp hòa bình trong các tranh chấp hàng hải. 

Việc Trung Quốc tái diễn điều động tàu khảo sát chính phủ, cùng với các tàu hộ tống vũ trang tới vùng biển ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính vào ngày 13/8 chứng tỏ Bắc Kinh đã leo thang nỗ lực đe dọa những nước có tuyên bố chủ quyền khác hòng ép họ từ bỏ phát triển nguồn tài nguyên ở biển Đông. 

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc lại liên tục có những bước đi hung hăng can thiệp vào các hoạt động kinh tế đã được thiết lập từ lâu của các nước ASEAN, trong âm mưu vừa thúc ép họ từ bỏ quan hệ hợp tác với các hãng dầu khí nước ngoài, và chỉ được làm ăn với công ty nhà nước Trung Quốc. Trong trường hợp Bãi Tư Chính, Trung Quốc đang gây sức ép lên việc hợp tác giữa Việt Nam và hãng dầu khí Nga và các đối tác quốc tế khác. 

Hành động của Trung Quốc đã làm tổn hại an ninh và hòa bình trong khu vực, cố tình gây ra chi phí kinh tế lên các nhà nước Đông Nam Á bằng việc ngăn chặn họ tiếp cận tới nguồn tài nguyên hydrocacbon chưa được khai thác trị giá 2,5 nghìn tỷ USD và thể hiện rằng Trung Quốc không đếm xỉa gì đến quyền thực hiện các hoạt động kinh tế tại vùng EEZ của các nước khác, theo luật Công ước Biển 1982 mà Trung Quốc đã ký kết vào năm 1996. 

Các công ty Mỹ đang đứng đầu thế giới trong hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên hidrocacbon, trong đó có khai thác ở nước ngoài và ở biển Đông. Do đó, Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào bởi Trung Quốc nhằm đe dọa hoặc ức hiếp các nước đối tác để bắt họ ngừng hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc, hoặc nếu không thì quấy nhiễu các hoạt động hợp tác này. Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và đảm bảo sản xuất năng lượng dầu khí trong khu vực cho thị trường thế giới không bị gián đoạn.”

Trước phát biểu của bà Ortagus, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông John Bolton, đã chỉ trích Trung Quốc “bắt nạt” các nước khác trên biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì vụ Bãi Tư Chính, đồng thời ám chỉ rằng Washington ủng hộ Việt Nam đứng lên “chống lại hành vi cưỡng ép” của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc gần đây leo thang nỗ lực đe dọa để các nước khác không khai thác các tài nguyên ở biển Đông thật đáng ngại”, ông Bolton viết trên Twitter hôm 20/8. “Hoa Kỳ đồng lòng với những ai chống lại các chiến thuật bắt nạt và hành vi cưỡng ép, đe dọa tới an ninh và hòa bình khu vực đó”.

Theo tờ Wionnews của Ấn Độ, Trung Quốc được cho là đã đưa máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay tiếp nhiên liệu tới khu vực Bãi Tư Chính. Ngoài ra, tờ báo còn dẫn nguồn tin từ chính quyền Việt Nam cho biết Trung Quốc đã triển khai sáu tàu hải cảnh, mười tàu cá và hai tàu dịch vụ ở khu vực đang có đối đầu với hải cảnh Việt Nam. Các tàu Trung Quốc bắc loa yêu cầu Việt Nam rút giàn khoan Hakuryu 5 ra khỏi khu vực.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục yêu cầu Trung Quốc rút khỏi Bãi Tư Chính. Mới đây nhất, hôm 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp Việt Nam và quốc tế. 

Đức Trí

Xem thêm: