Hôm 12/8, chính quyền Trump công bố một quy định nhằm loại bỏ những “gánh nặng xã hội” mà người nhập cư gây ra khi đến Mỹ và đảm bảo rằng những người từ nơi khác muốn trở thành công dân Mỹ phải có thể tự túc mà không phải phụ thuộc vào các chương trình phúc lợi của chính phủ. 

Embed from Getty Images

Reuters nhận định quy định này có thể từ chối quy chế thường trú nhân đối với hàng trăm ngàn đương đơn vì thu nhập thấp. 

Động thái trên nằm trong chương trình cải tổ chính sách nhập cư quốc gia của Tổng thống Donald Trump, sẽ cho phép chính phủ liên bang quyền từ chối cấp thẻ xanh – quy chế thường trú nhân cho các cá nhân sẽ trở thành gánh nặng đối với các chương trình phúc lợi của chính phủ. 

Những người đã có thẻ xanh, đã trở thành công dân Mỹ hoặc người tị nạn sẽ được miễn trừ quy định này. 

“Chính sách nhập cư của Hoa Kỳ phải thúc đẩy mức sống tốt đẹp của người Mỹ”, ông Trump nói trong một cuộc vận động tranh cử hồi tháng 8/2016. 

“Các quy định ưu tiên của chúng tôi sẽ bao gồm loại bỏ tội phạm, thành viên băng nhóm, các mối đe dọa an ninh, những người ở quá hạn visa, và gánh nặng chính phủ”, ông Trump nói. Ông định nghĩa “gánh nặng chính phủ” là “những người phụ thuộc vào phúc lợi xã hội hoặc tạo ra gánh nặng cho chương trình chính phủ cùng với hàng triệu người nhập cư trái phép và người ở quá hạn visa”. 

Mỹ cần những người “có thể tự đứng trên đôi chân của mình”, Ken Cuccinelli, quyền giám đốc của Cục Nhập cư và Quyền công dân Mỹ (CIS) nói hôm 12/8. Quy định mới này đảm bảo rằng những người nhập cư có khả năng “tự túc, không phụ thuộc vào nguồn lực chính phủ để đáp ứng nhu cầu của họ, mà dựa vào khả năng của chính họ, cũng như nguồn lực của các thành viên gia đình, người bảo lãnh và các tổ chức tư nhân,” Công báo liên bang viết. 

“Thông qua quy định về giảm gánh nặng công, chính quyền của Tổng thống Trump đang tái thiết ý tưởng về sự tự chủ và trách nhiệm cá nhân, đảm bảo rằng người nhập cư có thể tự lo cho bản thân và sẽ thành công khi đến Mỹ”, ông Cuccinelli nói. 

Quy định mới này đã được trông đợi từ lâu và  do ông Stephen Miller, trợ lý có quan điểm chống nhập cư hàng đầu của ông Trump, thúc đẩy, sẽ có hiệu lực vào giữa tháng 10. 

Những người ủng hộ dân nhập cư đã chỉ trích kế hoạch này là một nỗ lực nhằm cắt giảm số người nhập cư hợp pháp mà không thông qua Quốc hội.

Migration Policy Institute, một tổ chức nghiên cứu, cho biết, theo các quy định mới, hơn một nửa số người xin thẻ xanh qua dạng gia đình bảo lãnh sẽ bị từ chối. Khoảng 800.000 thẻ xanh đã được cấp trong năm 2016.

Những người ủng hộ, như tổ chức Hiệp hội vì Cải tổ nhập cư Mỹ (FAIR) thì hoan nghênh chính sách mới này của ông Trump. 

“Với cơ sở hạ tầng đang xuống cấp, hệ thống y tế ngày càng đắt đỏ và học phí đại học cao chót vót, khoản tiền chi cho phúc lợi của những người không phải là công dân có thể được phân phối đi nơi khác”, giám đốc quan hệ chính phủ của FAIR ông R.J. Hauman nói với Epoch Times trong một bài phỏng vấn. 

“Việc vung bừa bãi hàng tỷ USD cho lợi ích của những người chưa bao giờ trả một đồng nào cho hệ thống của chúng ta là không công bằng đối với người dân Mỹ, nhưng lại là công thức đi đến thảm họa tài chính”. 

Theo VOA quy định mới bắt nguồn từ Đạo luật Di trú năm 1882, cho phép chính phủ Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực cho bất kỳ ai có khả năng trở thành một “gánh nặng cho chính phủ”. Các nhân viên Sở Di trú trong những năm gần đây đã xác định người xin thị thực là một gánh nặng nếu nhiều khả năng họ sống chủ yếu nhờ vào trợ cấp của chính phủ.

Quy định mới ghi rõ “gánh nặng xã hội” (hay gánh nặng chính phủ) là người nhập cư nhận một hoặc nhiều hơn những phúc lợi của chính phủ trong vòng lâu hơn 12 tháng trong một giai đoạn 36 tháng. Quy định cũng liệt kê một danh sách dài các đối tượng được miễn trừ, hầu hết là vì lý do nhân đạo. 

“Lựa chọn những người nhập cư có khả năng tự túc và có trách nhiệm tài chính là một phương án đôi bên đều có lợi”, ông Hauman nói. 

“Nó không chỉ tiết kiệm hàng tỷ USD cho người nộp thuế hàng năm – nó cũng mang đến cho người nhập cư một cơ hội thực sự để thịnh vượng và thành công ở một đất nước mới”. 

Trọng Đức

Xem thêm: