Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Ba (2/4) đã nói rằng do quan ngại về thực thi tài chính của dự án, nên Mỹ sẽ không cử các quan chức cấp cao tham dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường lần hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong tháng này.

Embed from Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các vị khách và phái đoàn quốc tế khác tham gia chụp ảnh kỷ niệm tại Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh hôm 14/5/2017. (Ảnh: JASON LEE/AFP/Getty Images)

Sáng kiến Vành đai và Con đường được Trung Quốc đưa ra từ năm 2013 với tầm nhìn tái thiết Con đường Tơ lụa cổ đại nối Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu và xa hơn nữa bằng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2017, khi đó chính phủ Mỹ đã cử quan chức cấp cao phụ trách Châu Á Matt Pottinger tới tham dự.

Tuy nhiên, hội nghị lần hai dự kiến diễn ra vào cuối tháng Tư này, Mỹ sẽ không thực hiện động thái tương tự. “Chúng tôi sẽ không cử các quan chức cấp cao từ Mỹ,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời câu hỏi từ Reuters.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục dấy lên quan ngại về thực thi tài chính mờ ám, quản lý kém và coi thường các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế làm suy yếu các tiêu chuẩn và nguyên tắc mà chúng tôi dựa vào để thúc đẩy sự phát triển bền vững, toàn diện và một trật tự dựa trên luật lệ.”

“Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc phải giải quyết những quan ngại này,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây tranh cãi ở nhiều nước phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ. Washington coi Sáng kiến này là phương tiện truyền bá ảnh hưởng Trung Quốc ra nước ngoài và trói buộc các quốc gia với các khoản nợ không bền vững thông qua các dự án thiếu minh bạch.

Nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm thứ Bảy (30/3) đã nói rằng gần 40 lãnh đạo nước ngoài sẽ tham dự thượng đỉnh Vành đai và Con đường được tổ chức tại Bắc Kinh vào cuối tháng Tư. Ông Dương bác bỏ những chỉ trích về dự án này, gọi đó là “những thành kiến” với Sáng kiến của Trung Quốc và khẳng định Bắc Kinh chưa bao giờ ép nợ các thành viên tham gia và dự án này là để thúc đẩy sự phát triển chung.

Trong phát biểu hôm 30/3, ông Dương không nêu tên 40 quan chức sẽ tham dự thượng đỉnh tại Bắc Kinh, nhưng một số đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc đã lên tiếng xác nhận sẽ có mặt tại thủ đô Trung Quốc vào cuối tháng này, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Pakistan Imran Khan, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Ngoài việc thông báo sẽ không cử quan chức cấp cao tới dự thượng đỉnh Vành đai và Con đường, Mỹ cũng đã đặc biệt chỉ trích quyết định gia nhập Sáng kiến này của chính phủ Ý. Rome đã ký bản ghi nhớ gia nhập Vành đai và Con đường nhân chuyến công du Ý của Chủ tịch Tập Cận Bình vừa qua. Động thái này biến Ý trở thành nước đầu tiên trong nhóm G-7 gia nhập Sáng kiến cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Xuân Thành