Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ còn lâu mới kết thúc. Hồi đầu tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc: 25% cho 250 tỷ USD và 10% cho 300 tỷ USD còn lại. Trung Quốc phản ứng bằng việc phá giá đồng tiền của mình, động thái đã khiến Bộ Tài chính Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách “thao túng tiền tệ”.

Embed from Getty Images

Trung Quốc phản ứng lại bằng việc tuyên bố quyết định của Mỹ là “hoàn toàn sai lầm”. Các công ty Trung Quốc cũng được lệnh ngừng mua nông sản của Mỹ. Trong một cuộc họp báo mới đây, ông Trump tuyên bố sẽ không làm ăn với Huawei – tập đoàn viễn thông “con cưng” của Bắc Kinh, ở bất kỳ lĩnh vực nào chứ không chỉ những thứ liên quan đến an ninh quốc gia.

Chứng khoán Mỹ, Trung Quốc và cả thế giới cũng sụt giảm đáng kể do cuộc chiến thương mại gia tăng.

Theo các nhóm vận động tự do thương mại, cuộc chiến của ông Trump đã khiến các doanh nghiệp tiêu tốn 3,4 tỉ USD. Nhưng dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, trong vòng 12 tháng qua, chính phủ liên bang đã thu được 63 tỷ USD thuế quan nhập khẩu và khoảng một nửa trong số đó là nhờ các khoản thuế gia tăng đánh lên hàng hóa Trung Quốc. Ông Trump đã dùng 28 tỷ USD trong số này để giúp đỡ các nông dân bị tổn thương trong xung đột thương mại. Trong khi đó, rất nhiều các công ty Trung Quốc gặp khó khăn. Tờ New York Times cho hay các công ty tư nhân của Trung Quốc đã gặp khó khăn tài chính đến mức phải phát hành giấy nợ (IOU) trị giá lên tới 200 tỷ USD.

Cũng trong một bài viết của New York Times, Trung Quốc đang phải ráo riết tìm thị trường để “tuồn hàng ế” do bị áp thuế không xuất được qua Mỹ, trong khi sản xuất trong nước lại quá tải nghiêm trọng. Một trong những cách thức này là đẩy hàng tồn sang Việt Nam và các nước khác và thay đổi nhãn mác để trốn thuế. Hải quan Việt Nam gần đây liên tục bắt được các lô hàng từ Trung Quốc nhưng được dán sẵn mác “made in Vietnam” để chuẩn bị xuất sang Mỹ.

Báo cáo tháng 7 của Trung Quốc cho thấy trong khi giá tiêu dùng tăng cao thì các chỉ số hoạt động công nghiệp lại suy giảm, trong đó có giá bán buôn tại nhà máy – phản ánh việc các nhà sản xuất phải cắt giảm giá bán để có thể giữ lại các mối hàng. Trung Quốc đang phải đối mặt với tương lai ảm đạm do thất nghiệp ồ ạt, sản xuất đình trệ còn giá cả thì leo thang. Có thể họ có nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ để duy trì nền kinh tế, nhưng nếu tiếp tục phá giá đồng tiền để giữ giá xuất khẩu thấp, Bắc Kinh có thể chứng kiến sự sụp đổ của đồng nhân dân tệ.

Ông Trump cũng nhấn mạnh quyết tâm không lùi bước và sẽ không chịu “đổi phiếu bầu” lấy sự hòa hoãn tạm thời với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng “phải có người làm điều mà chúng ta đang làm với Trung Quốc”, và đang gây sức ép khiến Cục Dự trữ Liên Bang hạ lãi suất cơ bản để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ cũng như đối đầu với việc Trung Quốc phá giá đồng tiền.

Ông Trump và đồng sự còn khởi động một mặt trận khác nhắm vào Trung Quốc là nhân quyền.

Tuần trước Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói “Trung Quốc là nhà của một trong những cuộc khủng hoảng nhân quyền tồi tệ nhất thời đại chúng ta. Nó thực sự là vết nhơ của thế kỷ”. Phó Tổng thống Mike Pence thì cho hay Mỹ đang cân nhắc trừng phạt những quan chức Trung Quốc tham gia đàn áp nhân quyền ở Tân Cương bằng Đạo luật Magnitsky toàn cầu. Đây là một đạo luật nhắm mục tiêu cá nhân cụ thể chứ không phải toàn bộ một quốc gia. Nó sẽ buộc các quan chức bị Mỹ coi là vi phạm không được tới Mỹ, đóng băng mọi tài khoản mà họ có ở Mỹ và cấm các ngân hàng hoặc doanh nghiệp làm ăn với những nhân vật này. Ông Pence cũng gặp gỡ những nạn nhân bị đàn áp của chế độ Trung Quốc, bao gồm người Cơ đốc giáo, người Duy Ngô Nhĩ và người tập Pháp Luân Công.

Hôm 8/8, Bộ Ngoại giao Mỹ gọi thẳng Trung Quốc là “chế độ côn đồ” sau khi Bắc Kinh công khai danh tính của một nhà ngoại giao Mỹ ở Hồng Kông.

Tên lửa vây Trung Quốc

Ngoài thuế quan và nhân quyền, chính quyền Trump còn đang chuẩn bị bao vây Trung Quốc bằng các tên lửa thực sự. Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Loại bỏ tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF) với Nga. Lý do được Bộ Ngoại giao đưa ra là vì Nga liên tục vi phạm, không tôn trọng hiệp ước này. Nhưng còn một lý do không được nói tới là Trung Quốc.

Theo hiệp ước này, Mỹ không thể tiến hành thử nghiệm hoặc sở hữu tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất tầm gần trong khi Trung Quốc có thể bởi vì họ không phải là thành viên của INF. Gần đây, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm chính những loại tên lửa INF này và lắp đặt ở ngoài biển Đông nhằm tăng cường sức ép lên các nước có tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

Ngay sau khi rời khỏi hiệp ước với Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Mỹ sẽ sớm triển khai các tên lửa tầm ngắn ở châu Á, thậm chí là ngay trong tháng 9. Ngay lập tức, Bắc Kinh đe dọa sẽ trừng phạt cả Mỹ lẫn đồng minh nếu Mỹ dám đem tên lửa đến đặt trước “cổng nhà” Trung Quốc.

Một đồng minh không chính thức của Mỹ là Đài Loan tuyên bố họ đang phát triển những tên lửa du hành siêu thanh với tầm bắn vượt qua eo biển Đài Loan và có khả năng đánh vào nhiều mục tiêu quân sự của Trung Quốc nếu Trung Quốc khởi động cuộc chiến xâm lược Đài Loan. Ngoài ra NATO cũng tham gia vào vòng vây quân sự đối với Trung Quốc. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói “NATO cần phải đối đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Trọng Đức

Xem thêm: