Theo các chuyên gia phân tích, cho dù Mỹ đã chính thức bước ra khỏi vùng trung lập, mạnh mẽ phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, nhưng các nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc sẽ giữ thái độ quan sát thận trọng chứ không ngay lập tức ngả về phía Mỹ. 

IMG 20200221 075117
Ảnh: Asean.org

Các nhà quan sát nói rằng các quốc gia Đông Nam Á còn lo ngại về hậu quả còn chưa rõ ràng về khả năng xảy ra xung đột trên biển Đông giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng các yêu sách chủ quyền biển Đông của Trung Quốc là “hoàn toàn bất hợp pháp”. 

Chuyên gia Lê Hồng Hiệp tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, nhận định rằng phát ngôn của ông Pompeo đã trao cho các nước Asean một vị thế chính trị và pháp lý mạnh hơn trong mối quan hệ với Bắc Kinh tại Biển Đông. 

Tuy nhiên, họ có thể phải hành động theo một cách thận trọng để không bị coi là đang về phe Washington chống lại Bắc Kinh”, ông Hiệp nói với tờ SCMP. 

Khu vực biển Đông đột ngột nóng lên trong vài ngày qua, khi Mỹ chính thức bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Hôm thứ Tư, trong một động thái mới nhằm thu hút sự tham gia mạnh hơn của các nước trong khu vực, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington sẽ ủng hộ nước nào nói Trung Quốc đã đang vi phạm chủ quyền lãnh hải của họ trên Biển Đông. 

Nhìn chung, mối quan hệ Mỹ-Trung đang xuống dốc toàn diện, từ cuộc chiến thương mại, đại dịch Covid-19 và vấn đề tự trị của Hồng Kông. 

Lucio Blanco Pitlo III, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á – Thái Bình Dương cho hay rất nhiều nước Asean vẫn cần duy trì mối quan hệ với Trung Quốc để có thể khôi phục kinh tế trong đại dịch. 

Thương mại và đầu tư từ Trung Quốc vẫn vô cùng quan trọng đối với việc hồi phục nền kinh tế phải chống chọi sau nhiều tháng phong tỏa, các này có lẽ sẽ vẫn lựa chọn sự thận trọng”, ông Pitlo nói. 

Benjamin Ho, Trợ tá Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Rajaratman, Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore, nhận định hầu hết các quốc gia Đông Nam Á sẽ diễn giải bình luận của ông Pompeo trong bối cảnh cuộc bầu cử Hoa Kỳ tiếp theo, trong đó mối quan hệ với Trung Quốc sẽ đóng một vai trò chinh sách lớn trong ngoại giao và an ninh quốc gia. 

Do đó, họ ít có khả năng sẽ có hành động tích cực nghiêng về phía Washington mà sẽ chờ đợi kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử tháng 11 tới, ông Ho cho hay. 

Pitlo lưu ý rằng trong phát biểu của mình ông Pompeo, Mỹ tỏ ra ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của Tòa trọng tài The Hague năm 2016, tuyên Philippines thắng kiện và phủ nhận các cáo buộc chủ quyền cuả Trung Quốc. 

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jnr hôm Chủ nhật cho hay phán quyết này đã “giải quyết chung cuộc vấn đề quyền lịch sử và quyền biển đảo ở Biển Đông” dựa theo Công ước Luật Biển 1982, và là không thể thỏa hiệp

Ông Ho cẩn trọng rằng trong dài hạn, Manila sẽ mất nhiều thứ hơn Washington nếu quan hệ giữa họ và Bắc Kinh đổ vỡ. “Về mặt kinh tế, Philippines sẽ gặp vấn đề lớn, và Manila sẽ ít có không gian để thở hơn”, chuyên gia này nói. 

Theo Benjamin Ho, tuyên bố mới nhất của Mỹ phản ánh không khí hiện tại trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Trước kia, Washington cơ bản vẫn giữ một thái độ trung lập hơn ở Biển Đông, với các tuyên bố ngoại giao thúc đẩy các bên giữ bình tĩnh, giải quyết các tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình. 

Điều đã thay đổi là giờ Mỹ đã dứt khoát hơn trong việc chỉ trích Trung Quốc, trong khi quá khứ họ chỉ đứng sau cánh gà để phê phán hoặc đưa ra các phát ngôn ám chỉ lên án Bắc Kinh”, ông Ho nói. 

Chuyên gia Lê Hồng Hiệp lưu ý rằng mặc dù Washington đã nhiều lần bác bỏ các yêu sách biển đảo của Bắc Kinh ở Biển Đông, đây là lần họ công kích Trung Quốc trực diện nhất và cứng rắn nhất từ trước đến nay, thể hiện Mỹ vừa mong muốn bảo vệ luật pháp và trật tự trên vùng hải tuyến này, vừa cho thấy quan hệ thù địch tăng cường giữa hai nước. 

“Phát ngôn của ông Pompeo nhằm công kích lập trường và tính chính đáng của Trung Quốc về các hành động chống lại những nước tuyên bố chủ quyền khác ở biển Đông. Các phát ngôn này cũng lát đường để Mỹ tiến hành các hành động mạnh mẽ hơn thách thức các động thái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên biển trong tương lai” ông Hiệp nói. 

Chủ tịch Viện Tầm nhìn Châu Á Vannarith Chheang nói rằng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung dâng cao, “lợi ích quyền lực cứng” đang được đặt ưu tiên lên trên ngoại giao và đối thoại, và nhận xét rằng Đông Nam Á hầu như có ít lựa chọn trước cuộc cạnh tranh mới này. 

Về việc liệu lập trường mới của Mỹ có ảnh hưởng tới cuộc đàm phán giữa Asean và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông hay không, một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc đàm phán này vốn khó có thể xúc tiến trong thời gian tới, do đại dịch Covid-19 còn phức tạp. Chủ tịch Chheang cho rằng đàm phán CoC có thể sẽ phải trì hoãn đến sau năm 2021. 

Quy tắc ứng xử là một văn kiện có hiệu quả ràng buộc pháp lý theo đó giúp điều chỉnh hành vi của các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau ở biển Đông. Văn kiện này dựa trên Tuyên ngôn Ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002, được ký bởi Trung Quốc và 10 nước thành viên ĐNA khác. 

Tuy nhiên, chuyên gia Pitlo từ Tổ chức Con đường Tiến bộ lập luận rằng các nước Đông Nam Á nên tự vận động đẩy nhanh quá trình đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử có hiệu quả và có thể ràng buộc với Trung Quốc. 

Asean không nên đứng yên như là một người ngoài cuộc khi cuộc đua tranh giữa 2 địch thủ địa chính trị diễn ra ngay sân nhà của mình”, ông Pitlo nói. “Rủi ro mất tính chủ động trong vở kịch đang mở màn này là quá cao”. 

Ông Lê Hồng Hiệp dự báo rằng việc đàm phán CoC có thể gặp trở ngại sau tuyên bố mới nhất từ Washington, do các nước có tuyên bố chủ quyền được khích lệ từ Hoa Kỳ mà củng cố mạnh hơn các hoạt động dầu khí của mình ở các vùng đặc quyền kinh tế. 

Do đó, Trung Quốc có thể mạnh tay ép họ ngừng các hoạt động này lại, và điều này sẽ gây thêm căng thẳng trên Biển Đông và làm việc đàm phán gặp trở ngại”. 

Hôm thứ Ba, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc chỉ trích Washington là “kẻ thao túng lớn nhất” và “mối đe dọa lớn nhất đối với ổn định” ở Biển Đông. 

Theo SCMP, Peng Nian, một nhà nghiên cứu tại Viện Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, nói rằng Washington “thường giả vờ công bằng” trong việc ngăn một cuộc chiến diễn ra ở khu vực biển tranh chấp này, nhưng trên thực tế họ “đang giúp những người khác chống lại Trung Quốc”. 

Do đó, các phát ngôn của Bộ trưởng Pompeo chỉ đơn giản là một nỗ lực tiếp theo để công khai các hành động này và tăng cường áp lực ngoại giao lên Trung Quốc,” Peng nói. 

Trần Minh

Xem thêm: