Nhìn lại thế giới trong năm 2019

Năm 2019 bắt đầu với một hy vọng rằng nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Bắc Triều Tiên sẽ được chặn đứng và hòa bình sẽ lặp lại trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ 2 tại Hà Nội sụp đổ do những bất tín và lệch khuôn về yêu sách, đẩy vấn đề Triều Tiên về một vòng lặp giữa các cuộc chiến ngôn từ và vạch mặt nhau trên mặt báo.

thế giới năm 2019

Quan hệ Mỹ-Triều không thể tiến lên thậm chí sau cuộc gặp đột xuất lần thứ 3 vào ngày 30/6 , khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân sang phần biên giới của Triều Tiên và bắt tay Kim Jong Un – một nghĩa cử đầy biểu tượng cho nỗ lực hướng tới hòa giải và hòa bình. Đến cuối năm, chán nản vì tiến trình đàm phán èo uột và dường như sợ thế giới quên mất sự tồn tại của mình, Triều Tiên lại thử vũ khí, gọi Trump là “lão già lẩm cẩm” và dọa sẽ tặng Mỹ một món quà Giáng sinh “bất ngờ” – thứ mà ông Trump nói rằng Mỹ sẵn sàng đón nhận. Món quà này đã không đến, nhưng những cuộc cãi vã và đấu khẩu làm cho người ta e ngại về những cơn “lửa thịnh nộ” sẽ lại nổ ra vào năm 2020, xóa tan các bước tiến hòa giải đạt được trong hai năm qua.

 

2019 cũng chứng kiến sự hỗn loạn tại Washington khi ông Trump phải đối đầu với một cuộc chiến tổng lực từ phe Dân chủ. Trở thành cái gai trong mắt của phe cánh tả trong đảng này kể từ sau cuộc bầu cử 2016, ông Trump đã bị cáo buộc phạm những tội trọng hình xứng đáng bị phế truất. Mở đầu 2019 với việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong thời gian lâu nhất lịch sử (35 ngày) do phe Dân chủ kiên quyết không cho ông Trump dựng bức tường biên giới Mexico trị giá 5,7 tỷ USD – một lời hứa trọng tâm trong khi ông Trump vận động tranh cử. Tới tháng 3/2019, vụ điều tra thông đồng Nga-Trump mà phe Dân chủ trông đợi trong hơn 2 năm trở thành một quả “bom xịt” khi kết luật của Công tố đặc biệt Robert Mueller không đủ căn cứ để khép tội Trump và các cộng sự. Bà Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi và các lãnh đạo Đảng Dân chủ khi đó là khẳng định chắc nịch rằng theo đuổi luận tội Trump khi không được lưỡng đảng ủng hộ là “một thất bại chính trị” và một hành động không xứng đáng.

Trump vs Pelosi

Nhưng chỉ tới tháng 9/2019, chính Pelosi đã chính thức khởi động cuộc điều tra luận tội sau các cáo buộc nặc danh rằng ông Trump đã lạm quyền để ép buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden nhằm đạt lợi ích chính trị cá nhân trong cuộc bầu cử 2020. Không hề có sự ủng hộ lưỡng đảng và cũng chẳng có phần trăm nào ông Trump sẽ bị Thượng viện phế truất do Đảng Cộng hòa tỏ ra ủng hộ ông Trump từ đầu đến cuối, nhưng phe Dân chủ vẫn hấp tấp thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu luận tội tại Hạ viện, thông qua một bản cáo trạng quy kết ông Trump với 2 tội: Lạm quyền và Cản trở Quốc hội. Sự mỉa mai ở đây là chính ông Trump, người bị luận tội lại đang thúc ép Đảng Dân chủ mau mau đưa ông ra “xử tội” trong phiên tòa tại Thượng viện, còn phe Dân chủ “giấu nhẹm” các cáo trạng luận tội không chịu chuyển giao trong khi đòi Thượng viện phải tổ chức phiên xử theo cách mà họ gọi là công bằng. Chưa rõ ngày nào ông Trump mới có thể bị “xử án” và vụ luận tội này mới kết thúc, trong khi đó, cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều hy vọng có thể biến vụ luận tội này trở thành lợi thế trong cuộc bầu cử 2020.

thế giới năm 2019

Trong năm qua, kinh tế là đồng minh mạnh mẽ nhất của Trump. Trong khi thế giới bước vào giai đoạn tiền suy thoái với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu thì nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng như một cỗ máy hơi nước. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ, tiền lương tăng, thuế giảm, chứng khoán phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, ông Trump đã chứng minh cho những dự ngôn của những “nhà kinh tế học chống Trump” rằng ông sẽ làm kinh tế Mỹ sụp đổ là những phát ngôn ngông cuồng vô giá trị.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến thế giới rơi vào đồ thị hình sin của giá chứng khoán và những tín hiệu nhập nhằng phát ra từ bàn cân não khi Bắc Kinh và Washington đàm phán. Tháng 5/2019, khi Mỹ-Trung sắp sửa đặt bút ký vào một trong những thỏa thuận quan trọng nhất đối với thương mại thế giới thì Trung Quốc đã khiến Trump tức giận quay lưng đi khi đòi hủy bỏ những phần quan trọng mà hai bên đã đạt được trong 10 vòng đàm phán trước đó. Ông Trump nâng thuế từ 10 lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng thời dọa sẽ áp thuế tất cả phần còn lại, đặt hai nước lên bờ vực của một cuộc chiến kinh tế toàn diện.

Quan hệ cá nhân Trump-Tập có lẽ đã được ông Trump vận dụng để trở thành cứu cánh cho cuộc đàm phán thương mại. Nhưng nay 2 nước đã nhận ra rằng các kỳ vọng trong thỏa thuận bị xé bỏ hồi tháng 5 là quá xa vời, hai bên đã tiến những bước chậm rãi và chắc chắn hơn. Ngày 13/12, Mỹ, Trung tuyên bố hai bên đã đồng thuận về thỏa thuận “giai đoạn một”, một hiệp ước đình chiến lâm thời nhằm giảm nhiệt cuộc chiến và bày tỏ thiện chí đối với đối phương. Trung Quốc giảm thuế và đồng ý mua lượng lớn hàng hóa Mỹ để ông Trump đạt mục tiêu giảm thâm hụt thương mại song phương còn Mỹ thì hủy bỏ kế hoạch tăng thuế và gỡ bỏ một số sắc thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, các vấn đề hóc búa trong quan hệ thương mại 2 bên như đánh cắp tài sản trí tuệ, thao túng tiền tệ và trợ cấp công nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ và dự kiến các cuộc đàm phán thương mại giai đoạn 2, 3 sẽ không dễ dàng như thế này.

HK vs TQ Recovered 3

2019 chứng kiến các cuộc biểu tình nổ ra tại khắp nơi trên thế giới, từ Trung Quốc, Chile, Sudan Pháp, Thụy Điển, Ecuador tới Iran người dân đang tràn xuống đường bày tỏ sự không hài lòng với chính phủ. Mặc dù số lượng thương vong và khốc liệt có thể kém xa các cuộc biểu tình khác, cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông trở thành tâm điểm lớn nhất của truyền thông và do đó, của cả thế giới. Hơn 100 người chết dưới họng súng của quân cách mạng Iran; ít nhất 26 người chết, hơn 25.000 người bị bắt ở Chile; 8 người thiệt mạng ở Ecuador và 45 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình tại  Caribbean, nhưng độc giả thế giới dường như được nghe nhiều hơn về những vụ đụng độ bằng đạn cao su, hơi cay, gạch đá và cung tên tại Hương Cảng. Tổ chức Công bằng và chính xác trong đưa tin (FAIR) kết luận rằng báo chí phương Tây đưa tin thiên vị về biểu tình ở Hồng Kông.

Canh sat Hong Kong bao luc

Quả bom “dự luật dẫn độ” của chính phủ Carrie Lam đã phát nổ trở thành một phong trào đòi dân chủ lớn nhất từ trước đến nay tại Hồng Kông, buộc bà Lam phải xin lỗi và chính thức xé bỏ dự luật này, nhưng điều này vẫn không đủ thỏa mãn người biểu tình. Biểu tình chống luật dẫn độ đã trở thành một phong trào bảo vệ các quyền tự do, dân chủ và tự trị mà Bắc Kinh cam kết cho Hồng Kông được hưởng trong vòng 50 năm kể từ khi Anh trả lại Hồng Kông vào năm 1997. Hàng trăm ngàn tới hàng triệu người đã đổ xuống những con phố của trung tâm tài chính thế giới với dân số 7 triệu dân này để ủng hộ nỗ lực của các thanh niên trẻ và các xung đột bạo lực với cảnh sát nổ ra đã khiến Hồng Kông liên tục bị tê liệt. Hơn 4.000 người biểu tình đã bị bắt, rất nhiều người bị thương, bị chết do ám sát trong các phi vụ mờ ám liên quan tới cả cảnh sát và côn đồ, nhưng biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngày 27/11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký thông qua hai đạo luật ủng hộ phe biểu tình Hồng Kông, đánh dấu một chiến thắng quan trọng của người dân thành phố này sau 6 tháng cầm cự với cảnh sát và nhà cầm quyền.

Anh Quốc, mặc dù với mối liên hệ lịch sử với Hồng Kông chỉ có những phát ngôn chừng mực kêu gọi kiềm chế và phản đối bạo lực tại Hồng Kông. Anh Quốc so với Trung Quốc hiện tại không còn là một thế lực lớn mạnh khiến họ phải e sợ như trước năm 1997, và Anh còn có rất nhiều những vấn đề của riêng mình phải giải quyết, chẳng hạn như sự nổi dậy của phe xã hội chủ nghĩa trong Đảng Lao động cũng như cuộc “ly hôn Brexit” dai dẳng mà mãi London không thể thực hiện được từ tận năm 2015. Nhưng cuộc bầu cử vào ngày 12/12 vừa rồi đã làm thay đổi nước Anh và có khả năng làm thay đổi diện mạo chính trị thế giới. Chiến thắng áp đảo của Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson – người được gọi là Trump của nước Anh – là tiếng nói “không” dõng dạc của người Anh đối với các chính sách cánh tả xã hội chủ nghĩa của Đảng Lao động. Với đa số ghế của Đảng Bảo thủ trong Nghị viện, ông Johnson sẽ có thể sớm đưa Anh ly khai EU theo đúng nguyện vọng của đa số dân Anh, cũng như sớm lập một liên minh mật thiết với chính phủ Donald Trump. Và nếu ông Trump tái đắc cử sau bầu cử 2020, Trung Quốc, Nga, Iran và các đối thủ khác của Anh, Mỹ sẽ phải dè chừng bởi sự trở lại của một liên minh kiểu “Reagan – Thatcher”, thứ đã từng thổi tung bức rèm sắt của Đông Đức và làm sụp đổ khối Liên Xô hùng mạnh.

Trọng Đức

Xem thêm:

Bình Luận