Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị ký 4 dự luật thành luật để hạn chế các quyền tự do báo chí và ngôn luận của những người chỉ trích ông trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ chính quyền của ông giảm mạnh. Những người vi phạm có thể bị phạt tới 23 ngàn đô.

putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Shutterstock.com)

Theo Bloomberg, trong số bốn dự luật, hai sẽ khiến các hành vi đăng tải các tài liệu “bày tỏ sự thiếu tôn trọng” đối với chính quyền Putin là vi phạm pháp luật, với mức phạt lên tới 4.600 USD hoặc tạm giam 15 ngày. Hai dự luật còn lại sẽ cấm việc “lan truyền những tin tức giả bị cho là ảnh hưởng tới an ninh công cộng” và sẽ bị phạt lên đến 1,5 triệu rub (23.000 USD)

Việc đánh giá xem ai là người vi phạm các điều luật mới không phải do tòa án quyết định. Cơ quan đó là Roskmonadzor, cơ quan chính phủ quản lý truyền thông và internet. Nó sẽ có thể ra lệnh tháo xuống các thông tin mà nó cho là vi phạm. Ngoài ra cơ quan này còn có thể chặn luôn nguồn đăng thông tin đó lên mạng.

Theo Bloomberg, các dự luật này hoàn toàn là vi hiến bời vì điều 29 Hiến Pháp Nga cấm kiểm duyệt ngôn luận. Các điều luật này còn vi phạm Công ước Châu Âu về Nhân Quyền mà Nga đã phê chuẩn. Chính Hội đồng Nhân quyền và Xã hội dân sự của Putin, bao gồm nhiều quan tòa và luật sư bào chữa, cũng cảnh báo rằng các điều luật này sẽ mở cánh cửa tới việc tùy tiện truy tố. Thậm chí các bộ trong chính phủ và văn phòng Tổng Công tố đã lên tiếng phản đối các dự luật này, nói rằng các định nghĩa trong đó quá mơ hồ.

Tuy nhiên, theo phản ứng của thư ký báo chí của Putin hôm thứ Tư, Tổng thống Nga sẽ ký các đạo luật này. Ông Dmitry Peskov phủ nhận việc các dự luật này thuộc phạm trù kiểm duyệt và mô tả chúng là “được cân nhắc kỹ càng.”

Có thể có nhiều e sợ về việc các dự luật này sẽ được áp dụng như thế nào. Nhưng chúng ta thường chứng kiến những nỗi sợ này là không đúng”, ông ta nói.

Năm 2012, khi ông Putin trở lại vị trí Tổng thống sau 4 năm làm thủ tướng, báo chí Nga đã bị cấm quảng bá cho các buổi tập trung không chính thức, cấm đưa tin rằng Crimea là một lãnh thổ bị sáp nhập chứ không phải đất Nga và cấm tuyên truyền cho “quan hệ tình dục phi truyền thống”.

Ban đầu, nhà báo và người dùng Facebook đã mạnh mẽ phản đối các lệnh cấm này. Tuy nhiên đến cuối, họ không còn cách nào khác ngoài chấp nhận. Thậm chí những kênh truyền thông tự do, chống chính phủ nhất cũng không còn cách nào ngoài tuân thủ quy định vì sợ bị đóng cửa. Năm ngoái, trang The New Times, một tờ báo chống Putin đã bị phạt 22 triệu rubble (gần 350.000 USD) vì không báo cáo nguồn vốn từ nước ngoài cho cơ quan quản lý báo chí. Tờ báo này đã nộp đủ tiền phạt sau khi kêu gọi công chúng quyên góp.

Theo luật mới, điện Kremlin sẽ không cần dùng đến những cái cớ như “bào chữa cho chủ nghĩa khủng bố” hoặc “nhận tiền từ thế lực nước ngoài” để đóng cửa một trang web hay tống giam một blogger. Bất cứ bản tin nào cũng có khả năng bị dán nhãn là tin giả và gây nguy hiểm cho cộng đồng mà không cần có phán quyết của tòa. Việc phê phán chính phủ sẽ bị coi là “không tôn trọng”.

Theo chính phủ Putin, việc cho ra các luật mới là cần thiết để hạn chế lan truyền khủng hoảng giả sau các thảm họa như vụ tòa nhà chung cư 31 căn hộ bị nổ tại thành phố Magnitogorsk. Các tin đồn nhanh chóng lan ra trên mạng xã hội và các kênh truyền thông trong nước rằng vụ nổ giết 39 người là một vụ tấn công khủng bố và IS đã nhận trách nhiệm. Chính quyền Nga thẳng thừng phủ nhận tin đồn này, khẳng định thảm họa là do nổ gas. Bloomberg nhận định: “Bất cứ trường hợp nào là đúng thì chính phủ chỉ muốn công chúng biết về các vụ tấn công khủng bố khi họ lên kế hoạch cho một hành động chống khủng bố nào đó, nếu không họ sẽ đơn giản tuyên bố tin đó là tin giả”.

Việc cho ra đời luật chống “bất kính lãnh đạo” cũng phù hợp về tính thời điểm. Tỷ lệ ủng hộ ông Putin đang rớt thê thảm sau khi chính phủ của ông ra lệnh tăng tuổi nghỉ hưu, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế kiệt quệ và quỹ lương nước này đã cạn. Đây là lần đầu tiên kể từ 2013, đa số cử tri Nga nhìn nhận rằng đất nước đang đi theo chiều hướng không đúng đắn.

Phản ứng lại, Putin thề sẽ tăng đầu tư và cơ sở hạ tầng xã hội, tuy nhiên cũng không khiến ông được tín nhiệm hơn bao nhiêu. Do đó, Điện Kremlin sẽ có lợi hơn nhiều nếu các phóng viên và blogger mạng tự kiểm duyệt các tin bài phê bình chính phủ của họ và có thái độ “tôn trọng lãnh đạo” hơn trong khi các khoản tiền bơm vào nền kinh tế Nga dần dần có tác dụng.

Việc phương Tây chống lại tin giả và đội ngũ tuyên truyền của Nga cũng là một lý do khiến Điện Kremlin tung ra các điều luật này. Logic của họ là: “Nếu phương Tây giới hạn sự tiếp cận của công dân của họ đối với cách kể chuyện của Nga về các sự kiện, thì Moscow cũng phải có các công cụ tương tự – đặc biệt là khi bất cứ nhà báo, blogger hay trang tin tức nào đều có thể là thế lực phá hoại nước ngoài tiềm tàng”.

Các dự luật mới có mục đích siết chặt gọng kìm tự kiểm duyệt. Đánh giá từ kinh nghiệm quá khứ tại Nga, những luật này sẽ có tác dụng sau một thời gian “công phẫn” ban đầu của các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và các tổ chức, thậm chí chính phủ từ Mỹ và phương Tây.

Trọng Đức

Xem thêm: