Quốc hội Venezuela do phe chống đối Maduro nắm giữ đã tuyên bố tình trạng báo động vào hôm thứ Hai (11/3), sau 5 ngày quốc gia này rơi vào cảnh mất điện triền miên chưa từng thấy. Hàng triệu người dân nước này đang gắng gượng chống chọi với cảnh thiếu lương thực, nước uống và nhiên liệu, thậm chí nhiều người phải tới cống nước thải để lấy nước sinh hoạt.

Quốc hội Venezuela tuyên bố tình trạng báo động
Ảnh: Shutter Stock

Theo Reuters, phần lớn lãnh thổ Venezuela vẫn đang chịu cảnh mất điện, mặc dù một phần thủ đô Caracas đã có điện trở lại. Lưới điện quốc gia này có vấn đề từ hôm thứ Năm tuần trước, Tổng thống Nicolas Maduro gọi sự cố này là hành động phá hoại do Mỹ cầm đầu còn những người phản đối ông ta quy trách nhiệm do chính phủ thiếu năng lực quản lý đã bỏ bê không nâng cấp hệ thống điện trong nhiều năm. 

Mất điện làm tăng thêm sự bất bình của người dân trong một đất nước vốn nhiều năm nay đã chìm trong khủng hoảng kinh tế và chính trị. Tình trạng cướp phá lại bùng lên trong những đêm tối không ánh đèn, và các cuộc đụng độ với cảnh sát triền miên hơn. Tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido tuyên bố tình trạng báo động.

“Không có điều gì bình thường tại Venezuela, và chúng ta sẽ không cho phép bi kịch này được xem là bình thường, chính vì thế chúng ta cần sắc lệnh tình trạng báo động này.” ông Guaido tuyên bố trước phiên họp Quốc hội Venezuela hôm thứ Hai.

Mất điện khiến số thức ăn ít ỏi mà người ta tìm được hư hỏng trong tủ lạnh, bệnh viện không thể duy trì thiết bị hoạt động khiến hàng chục người chết và người dân bị đẩy đến đường cùng khi phải mang chai lọ đến rãnh nước thải để lấy nước uống.

“Điều này làm tôi phát điên. Chính phủ không muốn chấp nhận đây là lỗi của họ bởi vì họ đã không bảo trì đường điện hàng năm rồi”, Naile Gonzalez tại khu thương mại Chacaito của Caracas nói với Reuters.

“Họ đang giết chúng tôi bằng đói ăn và khát nước”, Gladys Martinez, phụ nữ nội trợ 52 tuổi nói.

Tejedor, 28 tuổi, tham gia cùng hàng chục người dân khác đi tới bên cạnh dòng sông Guaire cùng với bình 15 lít để lấy nước. Không giống với lớp chất lỏng đen, hôi thối trên mặt sông, nước từ cống nước thải thành phố đổ xuống sông ít nhất còn trong. Tejedor và những người đi lấy nước từ ống cống này nói rằng nước này đã được chính phủ xả xuống từ hồ chứa. Tuy nhiên, nó đã chảy qua hệ thống ống nước thải không vệ sinh và chỉ nên được dùng để xả toilet và lau sàn nhà. Giờ họ phải mang nước về cho cả gia đình uống.

“Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều này. Thật kinh khủng”, Tejedor nói.

“Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em, bởi vì làm sao bạn có thể nói với một đứa trẻ rằng không có nước?”

Jose Velez, một bảo vệ 58 tuổi cũng đến bờ sông để lấy nước thải, nói rằng việc mất điện đã khiến cuộc sống của anh không thể chịu được và ước gì các chính trị gia trong nước có thể đồng ý về việc giải quyết tình hình như thế nào.

“Tôi không quan tâm đến những chính trị gia này, họ chẳng bao giờ đồng ý một cái gì. Tôi chỉ muốn cuộc sống của tôi bình thường trở lại”, ông Velez nói.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng mất điện tại Venezuela là hệ quả của nhiều năm bỏ ngỏ hệ thống điện và lên án công ty dầu khí Nga Rosneft vì mua dầu của Venezuela, vi phạm lệnh cấm của Mỹ. Sáng thứ Hai, Mỹ đã ra lệnh chế tài một ngân hàng của Nga vì giao dịch với PDVSA.

Winston Cabas, chủ tịch hiệp hội kỹ sư điện Venezuela nói với các phóng viên rằng các nhà máy nhiệt điện tại đây chỉ hoạt động 20% công suất do thiếu nhiên liệu. Ông nói chính phủ đang mở điện luân phiên khiến cho chỉ từng phần thủ đô Caracas có điện.

Quá trình khôi phục hệ thống điện rất phức tạp và có thể mất 5 đến 6 ngày, theo Cabas.

“Chúng tôi từng có hệ thống điện tốt nhất trên thế giới – một hệ thống mạnh mẽ nhất, cứng cáp nhất và chắc chắn nhất – nhưng những người quản lý đã phá hỏng nó”.

Trọng Đức

Xem thêm: