Liên quan đến thế cuộc quốc tế giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, có nhận định rằng sau khi để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có được vị thế nhất định tại cứ điểm quan trọng Ả Rập Xê-út ở Trung Đông, giờ đây chính quyền Tổng thống Biden lại phạm thêm sai lầm chiến lược lớn tại Ukraine.

GettyImages 1248858757 scaled
Hôm 20/3/2023, ông Putin và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Moscow. (Nguồn ảnh: SERGEI KARPUKHIN/SPUTNIK/AFP via Getty Images)

Trong chuyến thăm Nga của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, có vẻ như đề xuất hòa bình mà ông Tập đưa ra đã không nhận được phản hồi tích cực từ ông Putin. Ngoại trưởng Mỹ Blinken sau đó đã nói trong một bài phát biểu rằng ông Tập Cận Bình ủng hộ cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga, đồng thời che chở và dung túng cho cuộc chiến tranh xâm lược của ông Putin.

Đối với Mỹ, vấn đề sai lầm nhất của Nhà Trắng cánh tả hiện nay là tập trung vào việc đánh bại ông Putin và dùng những thứ bá láp như vấn đề đồng tính luyến ái đưa vào trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ, hơn là xác định kẻ thù thực sự của Mỹ và thế giới tự do là ĐCSTQ.

Chính việc Mỹ tập trung vào Ukraine để đánh bại Nga mới là nguyên nhân thực sự để ĐCSTQ tiến lên và có được đồng minh trong lúc họ đang cần, qua đó khiến ĐCSTQ đạt được tiến bộ trong ngoại giao. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Bolton nhấn mạnh: “Mối đe dọa thực sự đối với phương Tây là liên minh Trung-Nga chứ không phải xung đột ở Ukraine”. Ông Bolton tin rằng một trục mới sẽ hình thành: Liên minh Trung – Nga.

Trong chuyến công du Nga của Tập Cận Bình, kế hoạch hòa giải chiến tranh giữa Nga và Ukraine có thể vô ích, nhưng vì chiến lược sai lầm của Nhà Trắng khiến Nga đã bị đẩy hoàn toàn về phía ĐCSTQ, khiến ĐCSTQ và Nga buộc phải gắn kết chặt với nhau tạo nên khối kinh tế hùng mạnh.

Không thể xem nhẹ hoạt động bổ trợ nhau về mặt kinh tế giữa họ: Nga có thể cung cấp lương thực, năng lượng, tài nguyên cùng công nghệ quân sự và hàng không vũ trụ dù còn hạn chế; đáp lại ĐCSTQ có thể cung cấp sản phẩm bình dân gồm thực phẩm, quần áo, các sản phẩm công nghiệp nhẹ như sản phẩm điện và điện tử, thiết bị cơ khí, ô tô… đủ lấp đầy khoảng trống sản phẩm cao cấp phương Tây rời khỏi Nga. Những gì ĐCSTQ không thể cung cấp, và những gì cả Trung Quốc và Nga đều thiếu và cần khẩn cấp là những sản phẩm tiên tiến và cao cấp nhất như con chip, điện tử, kỹ thuật số, máy tính, cảm biến và y tế, cũng như các thiết bị cơ khí tinh vi. Nếu cuối cùng Trung Quốc cũng tách khỏi phương Tây giống như Nga thì khu vực rộng lớn ở cực đông và trung tâm của Á-Âu này có thể tụt hậu so với Âu Mỹ và phần còn lại của thế giới về công nghệ cao, nhưng họ có thể tồn tại trong “vòng tròn nhỏ” hệ thống của riêng họ và dùng cách tự cung tự cấp để tiếp tục thách thức phương Tây.

Ông Tập Cận Bình nói với ông Putin: “Cơ hội trăm năm không gặp đã đến, chúng ta sẽ cùng nhau tận dụng thúc đẩy”. Cơ hội mà ông Tập Cận Bình nghĩ đến là gì? Điều gì đã xảy ra với xã hội loài người trong trăm năm qua? Lực lượng nòng cốt nào đã thống trị trật tự thế giới trong cả trăm năm qua? Câu trả lời rõ ràng là Mỹ. Trong trăm năm qua, từ khi thành lập Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) vào ngày 30/12/1922 đến ngày thành lập ĐCSTQ vào ngày 1/10/1949, cho đến ngày nay của năm 2023, là cuộc đấu tranh giữa xã hội tự do dẫn đầu bởi Mỹ chống lại chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Cuộc đấu tranh này đã kéo dài cả trăm năm, mặc dù nhà nước cộng sản Liên Xô đã sụp đổ vào năm 1991, nhưng ĐCSTQ vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ngày hôm nay của năm 2023, thế kỷ ‘Quỷ Đỏ Trung Cộng’ cũng đi đến giai đoạn cuối, nhưng bóng ma cộng sản sẽ không tự động và chủ động rút lui khỏi sân khấu lịch sử mà sẽ chớp lấy mọi cơ hội để phản công, thậm chí còn hy vọng “thúc đẩy thay đổi” để chủ nghĩa cộng sản tiếp tục tồn tại. Đây đích thực là ẩn ý trong diễn ngôn của ông Tập Cận Bình: “Cơ hội trăm năm không gặp đã đến, chúng ta sẽ cùng nhau tận dụng thúc đẩy”.   

Trong năm qua, Mỹ đã mất ít nhất 2 đòn bẩy quan trọng, cả hai đều liên quan đến “phương Đông” (East) và cũng đều liên quan ĐCSTQ. Một trong hai đòn bẩy là Ả Rập Xê-út ở Trung Đông và đòn bẩy còn lại là Ukraine ở Đông Âu. Trong khi Mỹ đã mất 2 đòn bẩy thì ĐCSTQ đang chiếm cứ thêm nhiều thành phố và giành lấy đất đai trên thế giới, và giờ đây nó thậm chí còn kêu gọi thúc đẩy “cơ hội trăm năm không gặp”.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út bắt đầu từ năm 1933, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện và vào năm 1951 ký kết Hiệp định tương trợ phòng thủ. Bất chấp nhiều khác biệt giữa hai nước, Ả Rập Xê-út theo chế độ quân chủ Hồi giáo cực kỳ bảo thủ, còn Mỹ là nước cộng hòa lập hiến thế tục, cả hai vẫn là đồng minh trung thành. Kể từ những năm 1945, Mỹ sẵn sàng bỏ qua nhiều khía cạnh gây tranh cãi của Ả Rập Xê-út, miễn là vương quốc này có thể duy trì sản xuất dầu và hỗ trợ chiến lược an ninh toàn cầu của Mỹ. Sau Thế chiến II, hai nước đã thống nhất chống lại chủ nghĩa cộng sản, cùng ủng hộ ổn định giá dầu, các mỏ dầu và vận chuyển dầu ở Vịnh Ba Tư. Ả Rập Xê-út cũng tiếp tục đầu tư đều đặn vào các nước phương Tây. Từ ​​năm 2015 đến 2021, Chính phủ Mỹ đã cung cấp ít nhất 54 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Tất nhiên, hai nước còn bất đồng về Israel, thậm chí còn có lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973. Quan hệ giữa hai nước xấu đi hơn sau sự kiện 11/9, thậm chí còn tồi tệ hơn dưới thời Tổng thống Obama. Chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Ả Rập Xê-út vào năm 2017 là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách là Tổng thống Mỹ đã củng cố mối quan hệ quan trọng này. Các tổng thống kế tiếp của Mỹ cho đến ông Trump (đời thứ 45) đều có quan hệ thân thiết với các thành viên cấp cao của hoàng gia Ả Rập Xê-út. Nhưng dưới thời Tổng thống Biden thì quan hệ này bắt đầu xấu đi, giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út bắt đầu xuất hiện những rạn nứt, và ĐCSTQ đã tận dụng thời cơ.

Còn quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Iran là vấn đề lịch sử gây tai họa cho thế giới Hồi giáo, đó là vấn đề cực kỳ phức tạp. Hai nước bất đồng về giải thích các giáo lý của kinh Koran, cuộc đấu tranh của người Sunni và người Shiite để giành quyền lãnh đạo thế giới Hồi giáo, chính sách xuất khẩu dầu mỏ và quan hệ với Mỹ cùng các nước phương Tây khác,vấn đề trở thành bất đồng nghiêm trọng về địa chính trị. Sự khác biệt trong các chương trình nghị sự chính trị cộng thêm khác biệt sâu sắc về niềm tin làm nảy sinh sự thù địch, căng thẳng và đối đầu giữa hai bên.

Ả Rập Xê-út là cái nôi của đạo Hồi, giáo phái Sunni của nước này chiếm đa số có ảnh hưởng lớn trong thế giới Hồi giáo. Iran là nước phe người Shia đa số, phe này cũng ảnh hưởng lớn trong thế giới Hồi giáo. Trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, cả hai nước đều liên minh với phương Tây để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Nhưng Cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran vào năm 1979 đưa nước này trở thành nước cộng hòa Hồi giáo kết hợp chế độ thần quyền và bầu cử dân chủ, đồng thời bắt đầu chống lại phương Tây. Sau đó, Ả Rập Xê-út có xu hướng liên minh với Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu, còn Iran có xu hướng liên minh với Trung Quốc và Nga. Năm 2016, Ả Rập Xê-út hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shia, gây ra các cuộc biểu tình ở Iran, Đại sứ quán Ả Rập Xê-út tại Tehran bị tấn công và cướp phá, sau đó Ả Rập Xê-út cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

Thụy Sĩ đã từng cố gắng sử dụng các đại sứ quán ngoại giao của họ ở Ả Rập Xê-út và Iran để xây dựng một nền tảng trao đổi giữa hai bên. Nhưng vào ngày 10/3/2023, dưới vai trò trung gian của ĐCSTQ, đại diện của Ả Rập Xê-út và Iran đã gặp nhau tại Bắc Kinh trong 4 ngày và đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán.

ĐCSTQ luôn ủng hộ Iran và đã sử dụng lập trường chống Mỹ của Iran làm đồng minh chống Mỹ. ĐCSTQ chộp lấy điểm yếu của Mỹ, lợi dụng sự rạn nứt giữa chính quyền Biden và Ả Rập Xê-út, lấy lòng thành công Ả Rập Xê-út, qua đó khoét sâu vào góc tường của Mỹ, giúp ĐCSTQ nghiễm nhiên vào vai chính trong vấn đề Trung Đông, lôi kéo được đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ ở Trung Đông là Ả Rập Xê-út, bất ngờ khiến nước này kết giao bằng hữu cùng địch thủ của Mỹ! Ả Rập Xê-út hiện đang chuẩn bị đầu tư mạnh vào Iran. Cảnh tượng đáng kinh ngạc này ở Trung Đông và sự thành công trong cuộc tấn công lén lút của ĐCSTQ chắc chắn là một cú tát trời giáng vào mặt chính quyền Tổng thống Biden.

Mỹ cũng đã mắc một sai lầm nghiêm trọng trong Chiến tranh Nga-Ukraine khi phớt lờ thực tế rằng Nga không còn là chế độ cộng sản và ĐCSTQ là kẻ thù lớn nhất của Mỹ và nhân loại. Sau một năm chiến tranh, nền kinh tế Nga không bị kéo tụt, đồng rúp Nga không mất giá quá nhiều, năng lượng của Nga vẫn được xuất khẩu sang các nước châu Á, thậm chí cả châu Âu. Mặc dù hầu hết các nước tại Liên Hợp Quốc phản đối cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga, nhưng hầu hết các nước trên thế giới, ngoại trừ các đồng minh châu Âu của Mỹ, đã không tham gia các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Chiến tranh đã dẫn đến thúc đẩy “cỗ máy vì chiến tranh Nga”, hoạt động sản xuất vũ khí được tăng tốc đi cùng xu thế triển khai tên lửa siêu thanh và nâng cấp vũ khí hạt nhân. Điều tồi tệ nhất và nguy hiểm nhất, như cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã chỉ ra, là sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và các cuộc tấn công chống lại Nga, dẫn đến xuất hiện “mối đe dọa thực sự đối với phương Tây”. Đó chính là liên minh Trung-Nga.

Ông Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm cấp cao tới Nga, kết quả Tập và Putin đã đưa ra một tuyên bố dài sau cuộc gặp, lên án Mỹ và NATO, nhưng không có bước đột phá nào trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang được toàn cầu quan tâm. Tổng thống Zelensky của Ukraine bày tỏ quan điểm về thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời háo hức chờ đợi cuộc liên lạc qua video với ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên đề xuất hòa bình 12 điểm của ĐCSTQ ở Ukraine đã bị cả hai bên từ chối. Kiến nghị 10 điểm cho kế hoạch hòa bình Ukraine nhằm chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine lần đầu tiên được ông Zelensky đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20) vào tháng 11 năm ngoái. Kế hoạch hòa bình của ông Zelensky bao gồm giành lại lãnh thổ Ukraine, yêu cầu quân đội Nga rút khỏi toàn bộ Ukraine, đảm bảo an ninh hạt nhân, đảm bảo xuất khẩu lương thực của Ukraine, và hiệp ước hòa bình cuối cùng giữa Nga và Ukraine.

Đối với ĐCSTQ, mặc dù đã đạt được một số lợi ích trong cộng đồng quốc tế và khiến Mỹ mất liên tiếp hai đòn bẩy chiến lược chính trị quan trọng, nhưng chính quyền Tập Cận Bình rõ ràng còn yếu kỹ năng hòa giải quốc tế. Tôi từng chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông người Hoa vào giữa tháng 3 rằng ĐCSTQ có một cơ hội khác để làm nổi bật ảnh hưởng nhưng họ có thể đã đánh mất. Ukraine yêu cầu Nga rút quân trước rồi mới đàm phán, Nga yêu cầu đàm phán trong tình hình hiện nay không rút quân, Mỹ ủng hộ lập trường của Ukraine.

Nếu Tập Cận Bình có đủ sức thuyết phục và đủ tầm nhìn cần thiết, vậy thì trong 3 ngày ở Moscow nên thuyết phục được ông Putin theo lập trường sau: Nga rút hết quân khỏi các vùng chiếm đóng tại Ukraine và đáp ứng các điều kiện đàm phán của Ukraine, nhưng các vùng lãnh thổ được yêu cầu bị rút (Donbas, Zaporizhia, Kherson và 4 bang khác) vào khu phi quân sự do lực lượng hòa bình của Liên Hiệp Quốc tiếp quản, cả Nga và Ukraine đều không đóng quân tại đó; sau đó 6 tháng Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức trưng cầu dân ý đối với cư dân địa phương quyết định ở lại Ukraine hay gia nhập Nga.

Thiết nghĩ ông Putin có thể chấp nhận được phương án của tôi, vì người Ukraine nói tiếng Nga ở 4 bang đó chiếm đa số, nếu ông ta tự tin người dân ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng hoan nghênh sự cai trị của Nga thì ông ta nên chấp nhận biện pháp trưng cầu dân ý đó; nếu kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người dân tại những vùng đó muốn ở lại Ukraine thì ông Putin sẽ không có lợi gì khi chiếm những nơi này, hậu quả sẽ là xu thế phản kháng vô tận từ người dân ở các khu vực bị chiếm đóng.

Ukraine cũng không nên từ chối kế hoạch này, bởi vì quân đội Nga đã rời đi và quyền tự quyết của công dân không thể bị từ chối. Mỹ cũng không thể phản đối một kế hoạch được Ukraine chấp nhận, chỉ có thể để tự nhiên diễn ra. Chỉ bằng cách này, cộng đồng quốc tế mới có thể nhìn thấy bình minh của hòa bình. Nhưng ĐCSTQ có thể không có ý tưởng hoặc can đảm để đưa ra một đề xuất như vậy, do đó đã bỏ lỡ cơ hội để một lần nữa trở nên vẻ vang.

Dù thế nào, vì sai lầm của Mỹ gây liên tiếp mất đi hai đòn bẩy chiến lược ở Trung Đông và Đông Âu, dẫn đến “thời không anh hùng, kẻ tầm thường lưu danh”, giúp cho ĐCSTQ trở nên nổi bật và dường như chiếm được tư thế hơn trên trường quốc tế, đây thực sự là nỗi hổ thẹn của nhân loại. Làm sao khiến ĐCSTQ ngừng kiêu ngạo và vươn vòi, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, cần ngay lập tức cảnh giác, thoát khỏi mê muội, ngay lập tức hành động để diệt trừ ‘Quỷ Đỏ’ đang gây nguy hiểm cho nhân loại này.

Tạ Điền
(Bài viết được đăng trên Epoch Times, thể hiện quan điểm riêng của cá nhân Tiến sĩ Tạ Điền – giảng sư tại Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina – Mỹ.)

  • Mời xem video: Nước Nga rồi sẽ đi đâu?