Hơn nửa năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đối mặt với nhau trong cuộc gặp thượng đỉnh chưa có tiền lệ tại Singapore.

Nay khi 2 nhà lãnh đạo chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Việt Nam, người ta rõ ràng kỳ vọng họ cần phải làm được nhiều hơn những tuyên bố chung chung sau lần gặp thứ nhất.

Embed from Getty Images

Bắc Hàn vẫn còn vũ khí hạt nhân, và Washington không những không giảm mà còn gia tăng chế tài lên Bình Nhưỡng. Những đòi hỏi mâu thuẫn với nhau đã dẫn đến sự cần thiết cho một cuộc gặp mặt lần thứ hai. Giới chức Mỹ cho hay họ kỳ vọng sẽ có tuyên bố chấm dứt chiến tranh 2 miền Triều Tiên sau cuộc gặp này.

Những gì đã xảy ra từ Thượng đỉnh Singapore:

Hồi tháng 6/2018, lần đầu tiên một tổng thống Mỹ gặp mặt trực tiếp một lãnh đạo Bắc Hàn. Những cam kết mà 2 bên đạt được tuy đã xóa bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân cho thế giới, nhưng hầu như chỉ là những tuyên bố trên tinh thần xây dựng mà không có khung thời gian rõ ràng. 4 tuyên bố này bao gồm:

  • 2 nước sẽ thiết lập các quan hệ mới vì hòa bình và thịnh vượng;
  • Mỹ và Bắc Hàn sẽ làm việc với nhau để xây dựng một “cơ chế hòa bình ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.
  • Bắc Hàn cam kết “làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.
  • 2 nước sẽ hồi trả thi hài của các binh sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Ngay trước cuộc gặp đầu tiên, vào tháng 5/2018, Bắc Hàn đã phá hủy một số đường hầm, và tòa nhà tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, cho phép nhà báo quốc tế tới chứng kiến nhưng không có các chuyên gia giám sát.

Ngay sau cuộc gặp, Tổng thống Trump bất ngờ thông báo Mỹ ngừng các cuộc tập trận lớn với Hàn Quốc, điều mà thường bị Bắc Hàn lên án là chuẩn bị chiến tranh xâm lược. Các cuộc tập trận nhỏ vẫn tiếp tục.

Bắc Hàn nhanh chóng trao trả 55 hộp chứa hài cốt lính Mỹ sau chiến tranh.

Tới tháng 7, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Hàn đã bắt đầu gỡ bỏ một số cơ sở tại Bãi phóng Vệ tinh Sohae. Tuy nhiên các báo cáo sau đó của các tổ chức nghiên cứu ở Mỹ cho hay không quan sát thêm được hoạt động tháo dỡ nào nữa.

Trong khi đó Nam, Bắc Hàn tiếp tục các bước hòa giải của riêng mình. Hai nước tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh, giảm căng thẳng dọc biên giới chung, đóng cửa một số đồn gác, gỡ bỏ các bãi mìn và tổ chức các vùng cấm bay. Lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae-in gặp nhau 3 lần, tay bắt mặt mừng nói về triển vọng tương lai trên bán đảo Triều Tiên. Ông Moon cam kết Kim Jong Un muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân, dường như trái ngược với suy luận của các nhà tình báo Hoa Kỳ.

Tuy vậy, các kế hoạch liên Triều phụ thuộc nhiều vào việc Washington có tháo gỡ chế tài đang ngăn chặn hầu hết các giao thiệp kinh tế của nước ngoài với Bắc Hàn hay không.

Năm qua cũng chứng kiến những cuộc gặp rời rạc, đôi khi căng thẳng và bị hủy bỏ giữa quan chức Bắc Hàn và Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhiều lần tới Bình Nhưỡng. Đầu tiên ông bị truyền thông Bắc Hàn lên án là “đưa ra yêu cầu như ăn cướp” khi đòi hỏi Bắc Hàn phải phi hạt nhân hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm tra được, nhưng sau đó lại được Kim “hài lòng” bằng một chuyến thăm khác.

Trong khi đó Tổng thống Trump khi tiếp đón các quan chức cấp cao Bắc Hàn tại Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố ông và Kim “yêu mến nhau” sau khi trao đổi các bức thư.

Trong tuyên bố Năm mới, Kim Jong Un nói ông ta sẵn sàng gặp lại Tổng thống Trump, nhưng cảnh báo về một “hướng đi mới”, điều mà nhiều người diễn giải là việc quay trở về phát triển vũ khí nếu Bình Nhưỡng không hài lòng với kết quả đàm phán.

Một loạt các cuộc họp bàn hồi tháng 1/2019 dẫn đến việc Tổng thống Trump loan báo rằng ông sẽ gặp Kim lần 2 tại Việt Nam vào cuối tháng 2 này.

Trong cả quá trình hơn nửa năm sau cuộc gặp lần 1, cả 2 bên đều không đưa ra được các hành động có ý nghĩa hướng đến phi hạt nhân hóa, gỡ bỏ chế tài hoặc thiết lập một “cơ chế hòa bình” mới trên bán đảo Triều Tiên.

Bắc Hàn phàn nàn rằng Hoa Kỳ không chịu tuyên bố chấm dứt chiến tranh hoặc gỡ bỏ chế tài kinh tế trước khi Bắc Hàn có hành động lớn hơn để giải trừ hạt nhân. Đổi lại, các quan chức quốc phòng và tình báo Hoa Kỳ cho rằng Bắc Hàn vẫn tiếp tục phát triển kho vũ khí, tên lửa, và khó có chuyện họ chịu từ bỏ toàn bộ vũ hạt nhân của mình, bất chấp việc nước này không thử thêm tên lửa đạn đạo sau cuộc gặp lần 1.

Sau cuộc gặp Kim Jong Un lần thứ 3 tại Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng Bắc Hàn sẵn sàng “giải thể hoàn hoàn” khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon và cho phép thanh tra quốc tế tới các bãi thử nếu Hoa Kỳ chịu nhượng bộ.

Tuy nhiên tới nay, cả 2 việc trên đều chưa xảy ra.

Kỳ vọng tại Việt Nam

Cả Bắc Hàn lẫn Hoa Kỳ đều không tiết lộ gì về dự trù kết quả sau cuộc gặp Trump-Kim tiếp theo. Các chuyên gia phân tích Mỹ nói rằng Washington phải sẵn sàng đi các bước lâm thời trước khi có thể đạt đến bất kỳ một thỏa thuận có ý nghĩa lớn nào với Bắc Hàn.

Stephen Biegun, phái viên Mỹ về Bắc Hàn nói trước Quốc hội Hàn Quốc rằng các cuộc thảo luận gần đây nhất với phía Bắc Hàn đều xoay quanh các vấn đề hậu cần cho cuộc gặp, và rằng cần có nhiều cuộc họp bàn hơn về các vấn đề quan trọng khác.

Tuy nhiên, một nghị sĩ Hàn Quốc nói với Reuters rằng ông Biegun cho biết nhiều nội dung quan trọng đã được động chạm đến, chẳng hạn Bắc Hàn kêu gọi Mỹ nới lỏng chế tài, khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều, mở một văn phòng liên lạc Hoa Kỳ tại Bình Nhưỡng và ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Theo Reuters, các yêu cầu khác có thể bao gồm chấm dứt lệnh cấm người Mỹ tới Bắc Hàn và cung cấp thêm trợ cấp song phương.

Theo giới chức Hàn Quốc, để có được những nhượng bộ này từ Washington, Bắc Hàn phải thực hiện cam kết đóng cửa khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, cũng như xóa bỏ các cơ sở tên lửa quan trọng dưới sự chứng kiến của các chuyên gia nước ngoài.

Hồi tháng 12, truyền thông Bắc Hàn nói rằng cam kết của Bình Nhưỡng trong việc “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” cũng bao gồm “xóa bỏ toàn bộ mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên”.

Bắc Hàn cũng từng yêu cầu Mỹ giảm hiện diện quân sự, thậm chí rút hết quân ra khỏi Hàn Quốc, tuy nhiên giới chức tại cả Seoul và Washington đã khẳng định việc Mỹ đóng quân tại nước này là không thể đưa ra đàm phán.

Theo thông báo gần đây của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Hàn Quốc năm nay sẽ chi 960 triệu USD để giữ chân 28.500 binh lính Hoa Kỳ đồn trú tại nước này.

Đức Trí

Xem thêm: