Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, người cầm quyền tại Algeria trong 20 năm qua, đã từ chức sau 6 tuần hàng trăm ngàn người dân liên tiếp biểu tình ôn hòa và áp lực từ quân đội.

Theo Reuters, dòng người lại đổ ra đường phố ăn mừng vào hôm thứ Ba 2/4 sau khi truyền thông nhà nước loan báo vị tổng thống 82 tuổi đã đồng ý từ chức. Cuộc biểu tình ôn hòa trong 6 tuần, với sự tham gia của hơn một triệu người yêu cầu thay đổi giới lãnh đạo mà họ cho là đã quá già, bất lực trong khi nền kinh tế bị què quặt bởi chủ nghĩa thân hữu.

bouteflika e1554262788462
Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika

Ông Bouteflika, vốn sức khỏe đã suy yếu và hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông bị đột quỵ hồi năm 2013, nói rằng ông ‘sẽ từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 28/4’.

Tôi thực hiện việc này bởi vì tôi mong muốn chấm dứt cuộc cãi vã hiện tại. Tôi đã tiến hành các biện pháp phù hợp cần thiết để đảm bảo các thể chế nhà nước tiếp tục trong giai đoạn lâm thời.” ông Bouteflika viết trong thư từ nhiệm. Tuyên bố này không làm hài lòng giới trẻ Algeria, những người tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình để đòi sự ra đi của toàn bộ chế độ mà họ cho là quá khó để cải tổ.  

Theo Reuters, những người ủng hộ ông Bouteflika đã cố gắng ngăn cản người biểu tình bằng cách nhắc nhở họ về quá khứ đen tối trong những năm 90 khi 200.000 người bị sát hại trong cuộc nội chiến, thậm chí cảnh báo về viễn cảnh thảm họa tương tự syria. Nước láng giềng của Algeria là Libya, nơi Muammar Gaddafi bị quân nổi dậy do NATO ủng hộ lật đổ năm 2011, tuy nhiên lại khiến đất nước chìm sâu vào khủng hoảng.

Chỉ có một người được xác nhận là đã chết trong các cuộc biểu tình được đánh giá là ôn hòa này. Theo Reuters, đây là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, qua đời do đau tim. Người biểu tình còn dọn sạch đường phố trước khi về nhà.

Nhà lãnh đạo Algeria ra quyết định này sau khi các tướng lĩnh quân đội gây áp lực mạnh mẽ lên vị trí của ông, yêu cầu có hành động ngay lập tức để tuyên bố ông không còn phù hợp để làm tổng thống theo hiến pháp.

Trong quá trình 6 tuần biểu tình, quân đội không có động thái can thiệp vũ trang. Đầu tiên áp lực chỉ xuất hiện trên một tạp chí quân đội, nói rằng quân đội Algeria có cùng chung quan điểm với người dân. Su đó, Tổng Tham mưu Admed Gaed Salah tuần trước đề nghị dùng hiến pháp để tuyên bố phế truất vị tổng thống duy nhất đối với rất nhiều người dân Algeria.

algeria
Biểu tình ở Algeria

“Không còn thời gian để lãng phí… Chúng tôi đã quyết định rõ ràng là đứng cạnh nhân dân để toàn bộ yêu cầu của họ được hoàn thành”, Salah nói trong một cuộc gặp với các sĩ quan cao cấp, APS đưa tin.

Hàng trăm người tràn ra đường phố thủ đô vào buổi tối 2/4, vẫy quốc kỳ Algeria. Họ cầm các biểu ngữ ghi: “Quân đội và nhân dân là một” và “Trò chơi kết thúc” .

Chủ tịch Thượng viện Adbelkader Bensalah sẽ làm tổng thống tạm quyền trong 90 ngày trước khi bầu cử được tổ chức.

Tuy nhiên vẫn có người không hài lòng, nhất là giới sinh viên và luật sư.

Quyết định từ chức của Bouteflika không thay đổi gì cả”, người đứng đầu biểu tình và luật sư Mustapha Bouchachi nói với Reuters vào thứ Ba. Ông cho rằng việc Bouteflika đề xuất người đứng đầu chính phủ lâm thời là một động thái nhằm duy trì hệ thống chính trị hiện hành.

“Điều quan trọng với chúng tôi là không chấp nhận chính phủ lâm thời mới. Biểu tình ôn hòa tiếp tục.”

Bouteflika là một cựu chiến binh trong cuộc chiến chống lại Pháp đòi độc lập. Ông được bầu làm tổng thống năm 1999 sau khi cuộc nội chiến với phiến quân Hồi giáo khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng kết thúc đưa ông vào vị trí quyền lực.

Đến nay đất nước này chìm ngập trong tham nhũng với một tầng lớp lãnh đạo già cỗi, thân hữu và xa rời mong muốn của người dân. Nhiều tay trùm kinh doanh thân cận với Bouteflika đã bị cấm ra nước ngoài trong chiến dịch nhằm vào các đồng minh của ông ta.

“Băng nhóm này đã kiếm được số tiền lớn từ việc lợi dụng trái phép sự thân cận với những người ra quyết sách”, tướng Salah nói.

Biểu tình nổ ra từ hai tháng trước, sau khi Bouteflika tuyên bố ông dự định tra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Sau làn sóng phản đối, ông này rút lại tuyên bố trên nhưng không làm hài lòng người biểu tình. Họ yêu cầu không chỉ tổng thống ra đi mà còn toàn bộ dàn chính trị gia lãnh đạo hiện nay của Algeria, bao gồm cả những người được dự kiến sẽ thay thế ông.

Đức Trí