Lần đầu tiên một tòa án độc lập được thành lập để phán quyết về hành vi thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu, chuyên gia y tế, nhà báo và những người đào thoát từ khắp nơi trên thế giới đã đứng ra làm chứng tại tòa. Mặc dù nhiều lần nhận được lời mời, chính quyền Trung Quốc vẫn từ chối tham dự để bào chữa cho các cáo buộc liên quan tới tội ác thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn tại quốc gia này.

Trong bối cảnh các cáo buộc về tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc ngày càng thu thập được nhiều chứng cứ, thì nhu cầu về một tòa án để đánh giá các cáo buộc này là rất quan trọng. Một tòa án quốc tế như vậy đã không thể được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức, do Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên có quyền phủ quyết (veto right) trong Hội đồng Bảo an.

Là người đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân quốc tế khác nhau, luật sư Anh Quốc uy tín Geoffrey Nice đã chủ trì thành lập một Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.

Tòa án độc lập: TQ thu hoạch nội tạng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng
Ngài Geoffrey Nice. (Phải)

Tòa án độc lập đã mở phiên điều trần thứ nhất vào tháng 12/2018 và phiên điều trần thứ hai vào tháng 4/2019. Được biết trong suốt thời gian này, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần từ chối hồi đáp các lời mời tham gia bào chữa tại tòa hay đưa ra bằng chứng chứng minh họ vô tội.

Tóm lược phiên điều trần thứ hai

Trong phiên điều trần thứ hai vào tháng 4/2019, hai mươi nhân chứng bao gồm những người tị nạn từ Trung Quốc, bác sĩ, học giả và nhà báo tiếp tục đưa ra các bằng chứng về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm. Trong đó có một số lời chứng đáng lưu ý.

Một tù nhân đào thoát người Duy Ngô Nhĩ là Mihrigul Tursun đã làm chứng về sự tra tấn và kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt của chính cô trong 3 giai đoạn bị giam cầm trong khoảng thời gian 2015-2017. Trong thời gian này, một trong ba đứa con sơ sinh của cô, bị cách ly khỏi cô khi cô bị bắt tại sân bay lúc trở về Tân Cương từ Ai Cập, và đã chết trong hoàn cảnh bí ẩn. Cô nói về một số phụ nữ trẻ chung buồng giam với cô đã bị thông báo là đột ngột qua đời và những người khác đơn giản là biến mất.

Trong một lập luận khác, nhóm nghiên cứu về dữ liệu hiến tạng của Trung Quốc bao gồm Matthew Robertson, Raymond Hind và giáo sư Jacob Levee của Đại học Tel Aviv đã cho thấy sự mâu thuẫn rõ ràng trong thống kê của Hệ Thống Đáp Ứng Cấy Ghép Tạng Trung Quốc (COTRS) và số liệu của Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc tại địa phương.

Các ví dụ cho thấy rõ sự vô lý bao gồm: chỉ trong một ngày 31/12/2015, đột nhiên có 25.000 ca hiến tạng mới được thêm vào dữ liệu; và trong bảy ngày của tuần cuối cùng tháng 12/2016, đột nhiên 88.000 ca đã được thêm vào. Một dữ liệu bất hợp lý khác có thể kể ra là khi 30 người hiến tặng bị chết, thì số cơ quan khí quan thống kê là đã sử dụng từ cơ thể họ là 640, điều này là không thể. Tương tự, rất nhiều số liệu thống kê mà chính quyền Trung Quốc công bố cho thấy có sự giả mạo thông qua các phép toán đơn giản.

Tiến sĩ Torsten Trey thuộc Hiệp hội Bác sĩ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng nhận xét về sự khác biệt giữa các số liệu của Trung Quốc và những nơi khác trên thế giới. Ông cho biết, đơn cử như ở Anh, chỉ 1% số người tình nguyện đăng ký một năm thực sự trở thành người hiến tạng. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, con số được công bố cho thấy tỉ lệ cao hơn 140% so với các quốc gia khác. Đây là một tỷ lệ không phù hợp, trừ khi nó được dùng để che giấu việc thu hoạch nội tạng.

Nhà báo truyền hình Kim Hyeoncheol cũng làm chứng tại tòa về phim tài liệu điều tra mà ông thực hiện cho đài Chosun Hàn Quốc. Theo đó, khi điều tra bệnh viện ghép tạng tại Thiên Tân chuyên ghép tạng cho người nước ngoài ở Trung Quốc, ông đã thu được rất nhiều chứng cứ chứng minh sự bất thường trong việc ghép tạng tại đây. Khách hàng chỉ phải chờ khoảng hai tuần và tối đa ba tháng để có nội tạng phù hợp, và chỉ sau khi đến Trung Quốc, dữ liệu sức khỏe của họ mới được phân tích.

Ông Dolkun Isa, Chủ tịch Hiệp hội Duy Ngô Nhĩ thế giới, đã nói về mối quan tâm sâu sắc của ông đối với tình hình xấu đi đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Đơn cử sau khi 2.000 người Kazakhstan tại Tân Cương được đưa ra khỏi trại cải tạo sau một thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Kazakhstan, các tù nhân cho biết họ không chỉ bị tra tấn và lạm dụng, mà còn bị kiểm tra sức khỏe có hệ thống, bao gồm máu, DNA và quét nội tạng.

“Rất nhiều người trong số chúng tôi chỉ đơn giản là biến mất”, ông Dolkun Isa nói, trích dẫn về cái chết trong trại của người mẹ 78 tuổi của mình năm 2017. “Họ đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra với họ?”

Tóm lược phiên điều trần trước đó

Trong thời gian các buổi làm chứng công khai từ 8/12 đến 10/12 diễn ra tại London, Anh Quốc, Tòa án độc lập đã nghe lời chứng của 30 nhân chứng, bao gồm các nhân chứng trực tiếp, các nhà điều tra, các chuyên gia, đồng thời xem xét các tài liệu được cung cấp trên các khía cạnh sau:

  1. Sự trùng hợp thời gian giữa việc đàn áp tín ngưỡng và việc ngành công nghiệp cấy ghép nở rộ.
  2. Chứng cứ về kiểm định y tế, bao gồm chụp quét nội tạng, đối với các tù nhân lương tâm: nhóm Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Turk.
  3. Chứng cứ từ những người từng làm việc trong chính quyền hay trong tổ chức y tế.
  4. Chứng cứ về sự hỏa thiêu và sự mất tích các thành viên trong các nhóm bị đàn áp.
  5. Bằng chứng các băng ghi âm điện thoại tới các bệnh viện Trung Quốc, trong đó các thành viên của nhóm Pháp Luân Công được chào mời như một nguồn hiến tạng.
  6. Bằng chứng về những người vừa tham gia vào cuộc đàn áp, vừa tham gia vào ngành công nghiệp cấy ghép tạng.
Tòa án độc lập: TQ thu hoạch nội tạng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng
Grand Connaught Rooms, London, Anh quốc, nơi diễn ra các phiên làm chứng và điều trần lần 1.

Đặc biệt, liên quan tới riêng ngành công nghiệp cấy ghép tạng hiện thời tại Trung Quốc, các bằng chứng được cung cấp trên các khía cạnh sau:

  1. Số liệu lên tới 1000 bệnh viện đề nghị cấy ghép tạng.
  2. Số liệu về các bệnh viện có nguồn cung tạng dồi dào (Ví dụ 16-17 ca một ngày).
  3. Số liệu về số lượng lớn các nhân viên cấy ghép tạng được đào tạo.
  4. Bằng chứng về các sơ sở y tế quân đội liên hệ mật thiết với các hoạt động cấy ghép và nghiên cứu cấy ghép.
  5. Bằng chứng về việc nhà nước trợ cấp cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc chống đào thải tạng cấy ghép.
  6. Bằng chứng về việc thời gian chờ tạng đột ngột sụt giảm lớn.
  7. Bằng chứng về việc các bệnh viện Trung Quốc quảng cáo dịch vụ ghép tạng cho người nước ngoài với lịch hẹn trước, bao gồm cả đối với cấy ghép tim
  8. Bằng chứng về việc số lượng và chất lượng nội tạng tử tù là không đủ để phục vụ số lượng ca ghép tạng khổng lồ.

Phán quyết sơ bộ

Sau phiên điều trần tại tòa vào tháng 12 năm ngoái, tòa đã đưa ra phán quyết sơ bộ:

Chúng tôi chắc chắn không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn.

Cũng theo ngài Geoffrey Nice, bên cạnh tội ác thu hoạch nội tạng, chính quyền Trung Quốc đồng thời vi phạm một lúc ít nhất 7 điều của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, trong đó bao gồm cả việc tra tấn, không tuân thủ luật pháp khi bắt giữ và xét xử, thậm chí không tuân thủ cả quyền sống cơ bản nhất của con người được nêu ra trong Tuyên ngôn.

Phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được tòa đưa ra vào ngày 17/6/2019.

Minh Nhật

Xem thêm: