Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/8 tuyên bố chính quyền của ông đang nghiêm túc cân nhắc tới việc bỏ quyền tự nhiên được quốc tịch Mỹ khi một em bé được sinh ra tại Hoa Kỳ nhưng cha mẹ không phải là công dân Mỹ hoặc cha mẹ là những di dân tới Mỹ bất hợp pháp. Động thái nằm nằm trong chiến dịch quyết liệt chống nhập cư phi pháp và ‘du lịch sinh đẻ’ tới Mỹ. 

trump 22.8
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn ở Tòa Bạch Ốc hôm 22/8 (Youtube)

Chúng tôi đang nghiên cứu việc này rất nghiêm túc, quyền được hưởng quốc tịch theo nơi sinh, nghĩa là quý vị sinh con trên đất của chúng tôi, quý vị vượt biên vào lãnh thổ chúng tôi, sinh con – chúc mừng, đứa trẻ ấy trở thành công dân Mỹ… Thật là nực cười,” Tổng thống Trump nói với báo giới tại Tòa Bạch Ốc.

Ông Trump coi việc kiềm chế di dân trái phép làm trọng tâm của chiến dịch tái tranh cử, tuy nhiên yêu cầu đổi luật của ông đã không được Đảng Dân chủ trong Quốc hội đáp ứng, cũng như nhiều sắc lệnh hành pháp của ông bị các tòa án liên bang chặn lại. 

Từ tháng 10/2018, chính quyền Trump loan báo sẽ dùng sắc lệnh hành pháp để chấm dứt quyền nghiễm nhiên có quốc tịch khi một đứa trẻ sinh ra ở Mỹ, bất chấp cha mẹ có phải người Mỹ hay không. Nhiều chuyên gia e rằng nỗ lực này của ông Trump sẽ vi hiến. 

Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp, được thông qua sau Nội chiến Mỹ, được thông qua để đảm bảo cho người Mỹ da đen và con cháu của họ có được đầy đủ quyền về quốc tịch.

Khoản 1 của Tu chính án này ghi: “Tất cả những người được sinh ra ở Mỹ hoặc được nhập quốc tịch Mỹ và là đối tượng chịu quyền tài phán của Mỹ là công dân Mỹ và là công dân của tiểu bang nơi họ sinh sống.”

Kể từ đó, tu chính án này được diễn giải để cấp quốc tịch cho đa số những người sinh ra ở Mỹ, cho dù cha mẹ của họ có là công dân Mỹ hay không, có cư trú hợp pháp ở Mỹ hay không.

Quyền lợi này khiến Mỹ trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với dịch vụ “du lịch sinh đẻ”, hoặc những di dân bất hợp pháp cố tình tới Mỹ để sinh con, điều khiến cho nỗ lực chống nhập cư trái phép của chính quyền Mỹ càng khó khăn và phức tạp. 

Việc một tổng thống muốn thay đổi hiến pháp Mỹ gần như là bất khả thi, do cần phải có 2/3 nghị sĩ Quốc hội ở cả 2 viện chuẩn thuận, hoặc 2/3 số bang đồng ý. 

Tuy nhiên hiện nay nổi lên một cách diễn giải khác đối với Tu chính án 14. Có người cho rằng vế “và là đối tượng chịu quyền tài phán của Mỹ” đã bị bỏ qua và những di dân trái phép cũng như những người nước ngoài cố tình tới Mỹ để sinh đẻ không phải là đối tượng hoàn toàn chịu quyền tài phán của Mỹ. Do đó, việc công nhận những đứa trẻ này là công dân Mỹ mới là vi hiến. 

Đức Trí

Xem thêm: