Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng chiến tranh sẽ là “lựa chọn cuối cùng” để giải quyết vấn đề Iran, nhưng ông chưa muốn đi con đường đó. Ông cho rằng Mỹ vẫn còn nhiều biện pháp khác mà Washington có thể trừng phạt Iran sau khi nước này tấn công vào cơ sở sản xuất dầu mỏ của Ả Rập Saudi, một đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. 

Embed from Getty Images

“Có rất nhiều phương án. Có lựa chọn cuối cùng và có những lựa chọn khác ít khốc liệt hơn thế nhiều. Và chúng ta sẽ chờ xem”, ông Trump nói trước phóng viên tại Los Angeles vào hôm 18/9. “Phương án cuối cùng mà tôi nói tới chính là chiến tranh”. 

Hôm 18/9, Tổng thống Mỹ ra lệnh thắt chặt thêm các chế tài vốn đã rất khắc nghiệt lên Iran sau khi Mỹ cáo buộc Iran dùng máy bay không người lái và tên lửa hành trình để tấn công vào các mỏ dầu và cơ sở khai sản xuất dầu mỏ lớn của Ả Rập Saudi ngày 14/9. 

Iran ngay lập tức bác bỏ cáo buộc của Mỹ, nhưng Ả Rập Saudi đã đưa ra cái họ gọi là “bằng chứng không thể chối cãi”, bao gồm các mảnh vỡ và xác của các máy bay và tên lửa giống với loại mà Iran phát triển. Vụ tấn công ban đầu đã khiến lượng cung dầu mỏ của toàn thế giới giảm 5% trong vài ngày. 

Thái độ không muốn gây chiến của ông Trump đã bị một số chính khách Đảng Cộng hòa chỉ trích là “yếu đuối”. 

“Iran sẽ không ngừng những hành vi xấu của họ cho đến khi phải chịu hậu quả trở nên rõ ràng hơn”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói.  

Không Lindsey, đó là một dấu hiệu của sức mạnh mà một số người không hiểu”, ông Trump đáp lại phát ngôn của ông Graham trên Twitter. 

Những lựa chọn của ông Trump

Việc gây chiến với Iran vào lúc này sẽ là một thất bại chính trị của Tổng thống Trump, người đã cố gắng đạt thỏa thuận với Taliban để rút quân khỏi Afghanistan, mặc dù nỗ lực này thất bại sau khi Taliban tấn công vào một địa điểm có lính Mỹ. Tại “chảo lửa” Trung Đông, nơi mà Mỹ đã sa lầy vào đó trong hai chục năm qua, ông Trump muốn thực hiện một chính sách “xây dựng quốc gia”, hỗ trợ để các đồng minh của Mỹ tự lực, bảo toàn nhân mạng cho người Mỹ. 

Bài học của Iraq và Afghanistan cho Mỹ thấy rằng chiến thắng một cuộc chiến ở khu vực phức tạp về sắc tộc và chính trị này thì dễ dàng, nhưng rất khó để rút chân ra.

Ngoài “lựa chọn cuối cùng” này, ông Trump có nhiều phương án khác để trừng phạt Iran. 

Chẳng hạn Mỹ có thể điều tàu hải quân bao vây vùng Vịnh để chặn con đường xuất khẩu dầu của Iran, theo Peter Huessy, giám đốc Viện Ngăn chặn chiến lược tại Học viện Nghiên cứu Vũ trụ Mitchell. 

Mỹ cũng có thể truy tìm và đóng băng tài khoản, tài sản của các chức sắc Hồi giáo trong chính phủ Tehran, dùng số tài sản này để trả cho các tổn thất mà hoạt động khủng bố của Iran gây ra, Huessy cho biết. 

Thêm vào đó, Mỹ còn có trong tay công cụ chiến tranh mạng và các lực lượng đặc biệt. 

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ thiết lập Bộ Tư lệnh không gian mạng và yêu cầu “tạo ra mối đe dọa tấn công cực kỳ nghiêm trọng và hùng mạnh để sử dụng khi chúng ta cần nó”, ông Trump nói trong một sự kiện gần đây tại Tòa Bạch Ốc. 

Sau khi Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ hôm 20/6, ông Trump cho hay ông đã ngừng một cuộc tấn công đáp trả vào Iran vào phút chót, nhưng sau đó đã ra lệnh tấn công mạng vào các mục tiêu của Iran. 

Các cuộc tấn công mạng có thể được sử dụng để gây thiệt hại cho các nhà máy lọc dầu của Iran, nhắm vào hệ thống điện hoặc nhiều khía cạnh kinh tế khác, theo ông Huessy. 

Trong khi đó các lực lượng đặc biệt của Mỹ có thể được điều động trong các chiến dịch phá hoại đặc biệt hoặc chiến tranh tâm lý. 

Nhiều khả năng ông Trump đã thực hiện những biện pháp trên đối với chính quyền Iran. Về mặt ngoại giao, ông Trump đang xây dựng một liên minh chặt chẽ chống Iran, điều mà ông đã từng làm với Bắc Hàn và cuối cùng khiến Bắc Hàn phải đồng ý đàm phán. Ngoại trừ Ả Rập Saudi và Israel, những quốc gia phương Tây vẫn còn trong thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, bây giờ còn ít lý do hơn để bảo vệ một chế độ khủng bố đột ngột gây chiến với nước khác như Iran. Nga và Trung Quốc cũng sẽ phải giải thích vì sao họ tiếp tục ủng hộ chế độ khủng bố này. 

Ông Trump tỏ ra không hề vội vã đối với phương án đối đầu quân sự với Iran, thay vào đó ông đã hạ lệnh thắt chặt chế tài và dường như đang gây áp lực cho chế độ Hồi giáo này bằng các biện pháp ít công khai hơn. 

Trọng Đức

Xem thêm: