Nhân ngày Tự do Tôn giáo Quốc gia của Mỹ hôm 16/1, Tổng thống Donald Trump đã nói rằng quyền tự do tôn giáo cơ bản của người dân đang bị xâm hại tại nước Mỹ và trên toàn thế giới. Ông Trump cũng lên án “các cuộc tấn công về mặt pháp lý và chính trị đối với tự do tôn giáo” đã kích động hành vi bạo lực thực tế tại nước Mỹ.

Donald-Trump
Tổng thống Donald Trump phát biểu với báo giới tại Tòa Bạch Ốc hôm 14/1. (Ảnh: Holly Kellum/NTD)

Ông Trump tuyên bố ngày 16/1 là Ngày Tự do Tôn giáo và kêu gọi nước Mỹ phải bảo vệ di sản tự do tôn giáo ở trong nước và trên toàn thế giới.

“Quyền tự do tôn giáo là quyền bẩm sinh cho phẩm giá của mỗi con người và là nền tảng để mưu cầu sự thật”, ông Trump nói trong tuyên bố hôm 16/1.

“Những nỗ lực hạn chế tự do tôn giáo – hoặc để tách rời tự do tôn giáo khỏi các quyền tự do dân sự khác như quyền sở hữu hoặc tự do ngôn luận – đang gia tăng,” ông Trump cảnh báo.

Theo Tổng thống Trump, các nỗ lực pháp lý và chính trị nhằm hạn chế tự do và niềm tin cá nhân là thủ phạm chính của những cuộc tấn công bạo lực xảy ra trong những năm gần đây, chẳng hạn như vụ xả súng tại Giáo đường Do Thái Tree of Life tại Pittsburgh, Pennsylvania vào tháng Mười năm ngoái. Vụ tấn công này đã khiến 11 người thiệt mạng, biến nó trở thành vụ tấn công chết chóc nhất trong cộng đồng Do Thái tại Mỹ từ trước tới nay.

Theo những người Cộng hòa, đức tin tôn giáo tại Mỹ đã bị xâm phạm nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ qua. Trong cuốn sách “Nước Mỹ của Trump” của mình, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đã cáo buộc chính quyền Obama sử dụng quyền lực chính trị để làm giảm bớt tự do tôn giáo.

Ông Newt Gingrich viết: “Ông Obama đã tích cực hủy bỏ nhiều quy định bảo vệ các nhóm tôn giáo không phải mua bảo hiểm y tế cho các liệu trình mà họ phản đối về mặt đạo đức.” Thành viên kỳ cựu của Đảng Cộng hòa này nói thêm rằng chính quyền Obama đã gọi những người ủng hộ quyền được sống của thai nhi (phản đối nạo phá thai) và những người bảo thủ truyền thống khác là “những người cực đoan”.

Từ sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Trump đã bắt đầu đảo ngược các mô hình chống tôn giáo và năm 2017, ông đã ký lệnh hành pháp để thúc đẩy tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.

Lệnh hành pháp nêu trên có đoạn nói: “Đây là chính sách của chính phủ để mạnh mẽ thúc đẩy thực thi luật Liên bang nhằm bảo vệ tự do tôn giáo.”

Ông Trump đã yêu cầu Bộ Tư pháp phải ban hành hướng dẫn pháp lý cho nhánh hành pháp về bảo vệ tự do tôn giáo. Hướng dẫn được Bộ Tư pháp ban hành vào tháng 10/2017 này giải thích các quy tắc tự do tôn giáo cơ bản trong Hiến pháp Mỹ và trong các đạo luật như Đạo luật Khôi phục Tư do Tôn giáo (RFRA).

Những mối đe dọa tới tự do tôn giáo

Quốc hội Mỹ đã thông qua RFRA với gần như tuyệt đối tán thành từ 25 năm trước. Kể từ sau đó, đạo luật này đã giúp ngăn chặn chính phủ Mỹ không xâm phạm tự do thực hành đức tin tôn giáo của các cá nhân và tổ chức.

Tuy nhiên, theo Quyền Tổng Chưởng lý Matthew Whitaker, trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều nỗ lực nhằm hạn chế áp dụng RFRA.

Phát biểu tại Quỹ Di sản hôm 16/1, ông Matthew Whitaker cho hay: “RFRA do ông Chuck Schumer khi đó là Dân biểu Hạ viện giới thiệu ra Quốc hội. Đạo luật này đã được gần như tuyệt đối Hạ viện thông qua và Thượng viện cũng phê duyệt với đa số áp đảo 97 – 3.”

Ông Whitaker nói thêm rằng tuy nhiên ngày nay những người ban đầu ủng hộ RFRA đã thay đổi suy nghĩ của họ.

“Chẳng hạn, chúng ta từng thấy các nữ tu đã được lệnh phải trả tiền cho các biện pháp tránh thai”, ông Whitaker nói. Trong những năm gần đây, một số tiểu bang đã muốn thông qua phiên bản RFRA riêng của bang mình và động thái này vấp phải nhiều phê bình và giận dữ.

“Tự do tôn giáo làm cho đất nước của chúng ta mạnh mẽ hơn. Và đó là lý do tại sao những mối đe dọa tới tự do tôn giáo cũng là mối đe dọa đối với sức mạnh quốc gia của chúng ta”, ông Whitaker nhấn mạnh.

Ngày Tự do Tôn giáo vào 16/1 hàng năm được công nhận tại nhiều bang của Mỹ. Ngày này là ngày kỷ niệm Đạo luật Tự do Tôn giáo Virginia được thông qua năm 1786. Đạo luật này do ông Thomas Jefferson chắp bút và nó đóng vai trò là nguồn cảm hứng và hình mẫu để vài năm sau đó ông James Madison soạn thảo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.

Bà Lasca Low, một nhân viên liên bang nghỉ hưu, tham dự sự kiện tại Quỹ Di sản hôm 16/1 đã nói: “Tôi lo lắng về việc bảo vệ Tu chính án thứ nhất và tự do tôn giáo. Nếu chúng ta mất đi cơ sở đạo đức này, chúng ta sẽ đánh mất đất nước của chúng ta.”

Bà Lasca Low nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do tôn giáo. “Tin tưởng và thờ phượng khi chúng ta muốn là một trong những quyền tự do cơ bản của chúng ta. Và tôi đã thấy nhiều thứ bị xói mòi rất tinh vi trong nhiều năm qua và đó là lời cảnh báo đối với tôi.”

Tự do tôn giáo trên thế giới

Chính quyền Trump cũng đã thúc đẩy các chính phủ trên toàn thế giới cần khoan dung hơn nữa với các đức tin khác nhau.

“Mọi người đang bị các chế độ độc tài chuyên chế, các nhóm khủng bố và các cá nhân không khoan dung khác đàn áp vì đức tin của họ,” ông Trump nói trong tuyên bố hôm 16/1.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chủ trì một hội nghị cấp Bộ trưởng tại Washington D.C vào tháng Bảy năm ngoái để thúc đẩy tự do tôn giáo. Đã có hơn 40 ngoại trưởng và đại diện từ 80 quốc gia tới tham dự cuộc họp này.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ, các điều kiện tự do tôn giáo năm 2017 tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trong nhiều nước trên khắp thế giới. Báo cáo này đã liệt kê 10 nước, trong đó có Trung Quốc, là “những quốc gia đặc biệt đáng quan ngại” về tự do tôn giáo.

Trong nhiều thập kỷ qua hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc đã bị quốc tế lên án rất nhiều. Các nhóm tôn giáo và thiểu số tại Trung Quốc, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, tín đồ phật giáo Tây Tạng, Công giáo và học viên Pháp Luân Công, đã phải đối mặt với sự đàn áp và phân biệt đối xử nghiêm trọng từ chính quyền Trung Quốc.

Những cộng đồng tôn giáo và đức tin này đã phải hứng chịu việc bị bắt giữ tùy tiện có hệ thống, bị bỏ tù bất hợp pháp, bị tra tấn và tẩy não. Đáng báo động hơn, theo các nhà nghiên cứu về mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, nạn mổ cướp nội tạng từ tù nhân lương tâm đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và hiện vẫn đang tiếp diễn.

Theo The Epoch Times,

Xuân Thành

Xem thêm: