Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát hôm thứ Ba (23/7) đã ban hành luật cho phép quốc gia OPEC này tái nhập hiệp ước phòng thủ khu vực. Động thái này cho thấy lãnh đạo phe đối lập, Tổng thống lâm thời Juan Guaido đang mở đường cho Mỹ can thiệp quân sự để lật đổ Tổng thống ‘xã hội chủ nghĩa’ Nicolas Maduro.

Venezuela tái nhập hiệp ước phòng thủ khu vực
Ông Juan Guaido đưa Venezuela tái nhập hiệp ước phòng thủ khu vực sẽ là tiền đề để mời Mỹ can thiệp quân sự lật đổ Tổng thống Maduro. (Ảnh: ShutterStock)

Tờ New York Times cho biết những chính trị gia có quan điểm cứng rắn trong phe đối lập đã thuyết phục thành công ông Juan Guaido đưa Venezuela tái nhập hiệp ước phòng thủ khu vực với tên chính thức là “Hiệp ước Hỗ trợ Đối ứng Liên Mỹ”.  Hiệp ước này được các nước Châu Mỹ, bao gồm hầu hết các quốc gia lớn như Mỹ, Brazil, Colombia, ký kết tại Rio de Janeiro từ năm 1947.

Hiệp ước phòng thủ khu vực nêu trên tuyên bố rằng một cuộc tấn công vào một trong các thành viên sẽ được coi là tấn công vào cả liên minh. Venezuela và một số chính phủ cánh tả tại Mỹ La-tinh đã rút khỏi liên minh quân sự này từ giữa năm 2012 và 2013.

Với việc Venezuela tái nhập hiệp ước phòng thủ khu vực, phe đối lập coi đó là tiền đề để họ hợp pháp yêu cầu sự can thiệp của quân đội nước ngoài giúp lật đổ ông Maduro.

Phe đối lập cáo buộc ông Maduro và đảng Xã hội chủ nghĩa cầm quyền đã khiến kinh tế Venezuela suy sụp, gần 4 triệu người dân phải rời bỏ quê nhà tới các nước láng giềng mưu sinh do thiếu thốn lương thực, thuốc men và các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.

Cuối tháng Một, lãnh đạo đối lập Juan Guaido đã viện dẫn hiến pháp để tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời Venezuela. Ông Guaido đã được hơn 50 nước, trong đó có Mỹ, các nước Châu Âu và hầu hết các quốc gia Nam Mỹ coi là nguyên thủ quốc gia hợp pháp duy nhất của Venezuela.

Tuy nhiên, ông Maudo vẫn duy trì kiểm soát các chức năng nhà nước Venezuela trong suốt thời gian qua nhờ vào sự hậu thuẫn của quân đội, tòa án và các chính phủ cánh tả đồng minh như Cuba, Nga và Trung Quốc.

Phát biểu trong một buổi tập trung của những người ủng hộ tại thủ đô Caracas gần đây, ông Juan Guaido nói: “TIAR không phải là phép thuật, nó không phải là cái nút mà chúng ta ấn vào đó rồi sau đó ngày mai mọi thứ sẽ được giải quyết.” TIAR là tên viết tắt từ tiếng Tây Ban Nha của Hiệp ước Hỗ trợ Đối ứng Liên Mỹ.

Bản thân [hiệp ước đó] không phải là giải pháp – nó buộc chúng ta phải xuống đường với lực lượng nhiều hơn để biểu thị đa số của chúng ta,” ông Juan Guaido nói thêm.

Cho dù ông Guaido đã tuyên bố hạ thấp sự kiện Venezuela tái nhập hiệp ước phòng thủ khu vực, thì động thái này của phe đối lập vẫn khiến chính quyền Maduro lo lắng.

Theo Reuters, Phó Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa Diosdado Cabello hôm thứ Bảy (27/7) đã dự đoán rằng Thủy quân lục chiến Mỹ “có khả năng” sẽ vào Venezuela.

Chúng tôi là quốc gia nhỏ, ít dân, chúng tôi rất khiêm tốn, [nhưng] có khả năng Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ vào đây. Họ có khả năng sẽ vào đây,” ông Cabello nói tại Diễn đàn Sao Paulo – một buổi tập trung của các chính trị gia và các nhà hoạt động cánh tả đến từ khắp các nước Mỹ La-tinh.

Ông Cabello là người điều hành Hội đồng Lập hiến, một cơ quan lập pháp trung thành với ông Maduro, nhưng không được phe đối lập công nhận. Ông Cabello được đánh giá là quan chức có quyền lực thứ hai trong chính quyền Venezuela hiện nay, chỉ sau Tổng thống Maduro.

Cũng trong ngày thứ Bảy (27/7), ông Maduro đã gọi quyết định của Quốc hội đưa Venezuela tái nhập hiệp ước phòng thủ khu vực là “bất hợp pháp” và “phản quốc”. Trước đó một ngày, Tòa án Tối cao Venezuela thân Maduro đã ra phán quyết tuyên bố việc tái nhập hiệp ước là “vô hiệu” và những nỗ lực để thực hiện hiệp ước đó sẽ bị coi là “hành động thù địch”.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 19/7, quân đội Mỹ cáo buộc chiến đấu cơ Venezuela đã “hung hăng” tiếp cận một phi cơ của Hải quân Mỹ đang hoạt động trên không phận quốc tế ở biển Carribe.

Chính quyền Venezuela thời điểm đó đã tuyên bố rằng chiếc máy bay do thám, trinh sát của Mỹ đã xâm phạm không phận Venezuela.

Các quan chức Mỹ đã từng nói rằng lựa chọn quân sự đối với Venezuela là “sẵn sàng”. Tuy nhiên, thực tế gần đây chính quyền Trump vẫn tập trung vào áp đặt các chế tài kinh tế và gây áp lực ngoại giao để ngăn chặn dòng tiền đổ vào chính quyền Maduro và cố gắng thuyết phục các quan chức quân đội cấp cao nước này quay sang hậu thuẫn cho ông Guaido.

Các quốc gia Mỹ La-tinh và Châu Âu cũng đang tăng cường giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng kép chính trị và kinh tế tại Venezuela. Theo Reuters, nhiều nước trong số này đã từng công khai chỉ trích về khả năng lựa chọn giải pháp quân sự.

Chính phủ NaUy hiện nay đang làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa phe đối lập và chính quyền Maduro tại Barbados. Tuy nhiên, sau nhiều vòng đàm phán diễn ra, chưa có kết quả thực chất nào được các bên công bố.

Như Ngọc

Xem thêm: