Bị cáo Hoàng Công Lương cho rằng nguyên nhân 9 người chạy thận tử vong là do tồn dư hóa chất chứ không liên quan đến chuyên môn của bản thân, vì vậy, bị cáo Lương không đồng ý tội ‘vô ý làm chết người’.

cac bi cao tai toa
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh chụp màn hình)

Chiều ngày 15/1, các bị cáo trong vụ 9 người tử vong sau chạy thận nhân tạo tại BVĐK Hòa Bình bị gọi lên bục khai báo.

Khai trước tòa, bị cáo Đỗ Anh Tuấn – cựu giám đốc công ty Thiên Sơn khẳng định Thiên Sơn đã ký hợp đồng với BVĐK tỉnh Hòa Bình để sửa chữa hệ thống lọc, nhưng công ty này lại liên kết với Bùi Mạnh Quốc – Giám đốc công ty Trâm Anh thực hiện hợp đồng vì biết Quốc có đủ năng lực, trình độ làm việc và đã thực hiện nhiều hợp đồng với Thiên Sơn.

Bị cáo Tuấn cho rằng việc giám sát hệ thống là thuộc trách nhiệm của bệnh viện. Trong quá trình sửa chữa cho tới khi sự cố xảy ra, bị cáo Quốc không có bất cứ thông báo nào cho Thiên Sơn và cũng chưa thực hiện việc bàn giao theo hợp đồng đã ký giữa 2 bên nên Thiên Sơn không thể giám sát được.

Còn bị cáo Bùi Mạnh Quốc lại khai không biết về hợp đồng giữa Thiên Sơn và Bệnh viện mà chỉ thực hiện theo báo giá giữa công ty mình với công ty của Đỗ Anh Tuấn.

Tại phiên tòa, bị cáo Quốc khẳng định không sử dụng hóa chất cấm là HCL và HF sục rửa hệ thống RO mà chỉ tận dụng hóa chất thừa từ lần sục rửa cách đó 3 tháng để vệ sinh vỏ của màng lọc của hệ thống RO số 2.

Ngày 27/5/2017, bị cáo đang làm vệ sinh cho hệ thống lọc nước của BVĐK Phủ Lý (Hà Nam) bằng hóa chất này và không hề có vấn đề gì” – bị cáo Quốc nói.

Tuy nhiên, khi tòa truy hỏi lý do, tại sao khi chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm mà không có cảnh báo bệnh viện không được sử dụng vào ngày 28/5 và không ngăn cản bệnh viện sử dụng hệ thống này vào sáng ngày 29/5, bị cáo Quốc thừa nhận đây là lỗi của mình.

Không nhận tội vô ý làm chết người

Cũng tại phiên tòa, HĐXX hỏi bị cáo Hoàng Công Lương có được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật liên quan đến thận nhân tạo không? Bị cáo Lương nói có được học lớp kỹ thuật lọc máu cơ bản ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong 2 tháng liên tục và đã được cấp chứng chỉ. Tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, bị cáo Lương còn được cấp chứng chỉ hành nghề nội khoa và cứu chữa từ năm 2013. Ngoài ra, tại Đơn nguyên thận nhân tạo, Lương còn là bác sĩ điều trị về chuyên môn.

Tiếp tục, HĐXX hỏi “Trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước để đảm bảo cho lọc máu thuộc về ai?”, bị cáo Lương trả lời mình không phải chịu trách nhiệm và đề nghị HĐXX hỏi Phòng Vật tư về phân công trách nhiệm.

Bị cáo Lương giải thích theo quy chế của bệnh viện chất lượng nước thuộc trưởng Khoa Lọc máu. Tại bệnh viện do chưa có kỹ sư, nhân viên lọc máu ở đơn nguyên lọc máu nên trưởng Khoa Hồi sức tích cực không phải chịu trách nhiệm mà trách nhiệm thuộc kỹ sư Phòng Vật tư kỹ thuật y tế.

Bị cáo Lương cho hay có biết thiết bị lọc được sửa chữa vào ngày 28/5/2017 nhưng bản thân không có trách nhiệm phải biết quy trình sửa chữa là thế nào.

Bị cáo thấy có trách nhiệm gì khi sự cố xảy ra?” – HĐXX hỏi, bị cáo Lương một lần nữa khẳng định bản thân không vô ý làm chết người mà lỗi do máy tồn dư hóa chất.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần hỏi của các luật sư.

Phạm Toàn

Xem thêm: