Sau tuyên bố ngoại giao ngày 17/7 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 19/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra tuyên bố khẳng định tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm biển của Việt Nam ở phía nam Biển Đông và Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam: Yêu cầu TQ rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc. (Ảnh: Cơ quan Khảo sát địa chất Trung Quốc)

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/7, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đưa ra tuyên bố về hành vi xâm phạm lãnh hải của phía Trung Quốc: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông”.

“Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”, bà Hằng khẳng định.

Theo phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Ngoài ra, bà Hằng cho hay các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại các khẳng định về chủ quyền trên biển Đông và tuyên bố “duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.”

Hôm 16/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định các tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và khẳng định “mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị”.

Liền sau đó một ngày, 17/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng công nhận đã xảy ra sự cố với Việt Nam trên biển, đồng thời đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam có thể nghiêm túc tôn trọng quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng biển liên quan và không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp tình hình”.

Bắt đầu từ những cập nhật của trên trang Twitter cá nhân từ ngày 10/7, phó giáo sư Ryan Martinson (Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ) cho biết “kể từ thứ Tư tuần trước (ngày 3/7), tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 (tàu Hải Dương Địa Chất 8) của Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ở vùng biển phía tây đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát”. Tham gia hộ tống tàu này có tàu bảo vệ bờ biển vũ trang trọng tải 12.000 tấn, máy bay trực thăng và tàu bảo vệ bờ biển 2.200 tấn.

Bộ Ngoại giao Việt Nam: Yêu cầu TQ rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc. (Ảnh: Cơ quan Khảo sát địa chất Trung Quốc)

Về phía Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam đã điều 4 tàu CSB đến ngăn chặn các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền.

Báo chí hai nước cùng không lên tiếng về vụ việc, trừ tờ Hoa Nam Buổi Sáng của Hong Kong ngày 12/7. Ngày 17/7, Reuters dẫn nguồn tin từ hai trung tâm nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho hay các tàu Cảnh sát biển của Việt Nam và Trung Quốc đã vướng vào một vụ đối đầu căng thẳng kéo dài 12 ngày tại một lô dầu mỏ ngoài khơi bờ biển Việt Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Căng thẳng kết thúc khi tàu Trung Quốc rút về nước và không xảy ra xung đột.

Nguyễn Quân

Xem thêm: